Lợi nhuận BIDV được dự báo có thể tăng hơn 56% trong năm 2021

10/06/2021 - 22:09
(Bankviet.com) Bất chấp tác động tích cực của Thông tư 03 và gánh nặng trích lập dự phòng của VAMC giảm bớt, VCSC dự báo chi phí dự phòng của BIDV năm 2021 có thể tăng 3,4%.

Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoản Bản Việt (VCSC) dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) có thể đạt 56,4%, tương đương gần 11.300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng trong hai năm sau đó được dự báo giảm dần xuống mức 39% và 21%. VCSC cho biết việc cắt giảm dự báo tăng trưởng lợi nhuận của BIDV trong giai đoạn 2021 - 2025 đến từ ba yếu tố.

Thứ nhất, nhóm phân tích cho rằng tổng thu nhập lãi thuần (NII) sẽ giảm 2,9%, một phần do nhóm tăng giả định tăng trưởng tiền gửi để đưa tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) xuống dưới ngưỡng 85% kể từ năm 2021 trở đi.

Thứ hai, VCSC nhận định hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm có thể 9,1%. Yếu tố cuối cùng, nhóm cho rằng tổng chi phí dự phòng ước tăng 6,4%, tuy nhiên được bù đắp một phần do chi phí hoạt động kinh doanh giảm tổng cộng 5,6%.

Bên cạnh đó, trong năm nay, VCSC cũng kỳ vọng biên lãi thuần (NIM) của BIDV sẽ phục hồi, tăng 0,25 điểm % lên mức 2,69% nhờ chi phí huy động giảm xuống. Việc giảm dự báo chi phí huy động của nhóm phân tích chủ yếu dựa trên cơ sở tác động của 4 đợt cắt giảm lãi suất của NHNN vào năm ngoái và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) dự phóng tăng 1,5 điểm % sau khi BIDV triển khia chương trình 'phí 0 đồng' tháng 4 vừa qua.

Bất chấp tác động tích cực của Thông tư 03 và gánh nặng trích lập dự phòng của VAMC giảm bớt, VCSC dự báo chi phí dự phòng của BIDV năm 2021 có thể tăng 3,4%.

Với việc áp dụng Thông tư 03, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng có thể giảm xuống dưới mức 1,76% của năm 2020 nếu dịch COVID-19 được kiểm soát tốt vào năm 2021. Tuy nhiên, nhóm phân tích giảm giả định tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,1 điểm% so với báo cáo trước đây xuống mức 1,9% (tương đương tăng 0,14 điểm % so với cuối năm ngoái) do những rủi ro của nền kinh tế đến từ đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, VCSC cũng giả định chi phí dự phòng bổ sung là 2.100 tỷ đồng cho các khoản vay được cơ cấu lại trong năm 2021.

Anh Khôi

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán