Thị trường BĐS năm 2023: Tiết lộ phân khúc giúp NĐT dễ dàng kiếm lời |
Chưa thể hưởng trọn niềm vui
Năm 2022, các chỉ tiêu kinh doanh của VC3 đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước. Song, doanh nghiệp đị ốc này vẫn chưa thể hưởng trọn niềm vui khi còn cách rất xa kế hoạch kinh doanh.
Tính riêng quý IV/2022, doanh thu thuần của VC3 đạt 457 tỷ đồng, tăng 3,4 lần; lợi nhuận gộp đạt 147 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ngược lại, hoạt động tài chính quý này kém sáng khi doanh thu sụt giảm một nửa, còn 5 tỷ đồng. Trong khi đó, các loại chi phí đều gia tăng đáng kể, cụ thể: chi phí tài chính đạt 13 tỷ đồng, tăng 10 lần; chi phí bán hàng phát sinh trong quý đạt 22 tỷ đồng; chi phí quản lý đạt 10 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần. Bên cạnh đó, công ty chịu khoản lỗ khác 7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tất cả điều đó đều không ngăn được bước tiến lợi nhuận của VC3. Kết thúc quý IV/2022, VC3 báo lợi nhuận trước thuế đạt 100 tỷ đồng, tăng 54%; lợi nhuận sau thuế đạt 78 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của VC3 đạt 514 tỷ đồng, tăng 2,5 lần; lợi nhuận gộp đạt 156 tỷ đồng, tăng 64% so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp đạt 30,35%, giảm đáng kể so với năm trước là 47,31%.
Trong năm, doanh thu tài chính đạt 34 tỷ đồng, giảm 24%. Các loại chi phí khác không có quá nhiều đột biến so với quý IV.
Kết quả, năm 2022, VC3 có lợi nhuận trước thuế đạt 104 tỷ đồng, tăng 31%; lợi nhuận sau thuế đạt 80 tỷ đồng, tăng 31% so với năm trước. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử của VC3.
Dù lập kỷ lục về lợi nhuận nhưng đáng tiếc VC3 mới chỉ đạt được 12% so với tham vọng lợi nhuận năm 2022 (lợi nhuận trước thuế 835 tỷ đồng). Công ty cũng chỉ đạt được 25% kế hoạch doanh thu năm (2.065 tỷ đồng)
Chất lượng tài sản khá
Bên cạnh tình hình kinh doanh khởi sắc, VC3 cũng được khen ở chất lượng tài sản khá tốt so với nhiều doanh nghiệp địa ốc khác.
Dù tình hình kinh doanh năm 2022 khởi sắc song VC3 chưa thể tận hưởng trọn niềm vui do cách rất xa mục tiêu kinh doanh. Ảnh minh hoạ |
Tổng tài sản của VC3 tại ngày 31/12/2022 đạt 3.634 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với đầu năm. Lượng tiền và tương đương tiền khá lớn, đạt 224 tỷ đồng, trong đó hơn 200 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng. Bên cạnh đó, công ty có 120 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn (là khoản tiền gửi có kỳ hạn 6 – 12 tháng). Như vậy, VC3 có khoảng 328 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng.
Điểm nhấn trong cơ cấu tài sản là sự gia tăng mãnh liệt của hàng tồn kho, tăng 5,7 lần, đạt 2.412 tỷ đồng, chiếm 66% tổng tài sản, chủ yếu là chi phí dở dang tại các dự án bất động sản gồm: khu đô thị Bảo Ninh 2 (1.911 tỷ đồng), The Charms – Bình Dương (475 tỷ đồng), khu dân cư Vinaconex 3 – Phổ Yên (14 tỷ đồng)…
Các khoản phải thu ngắn hạn cũng có sự tăng trưởng, tăng 29%, đạt 522 tỷ đồng; trong đó dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi là 39 tỷ đồng.
Hai dự án được xem là đang hút nguồn lực lớn của VC3 là: dự án khu đô thị Bảo Ninh 2 (trả trước nhà thầu 133 tỷ đồng – tăng gấp 4 lần so với đầu năm; phải thu khách hàng 39 tỷ đồng) và dự án Hòa Bình (trả trước nhà thầu 250 tỷ đồng).
Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày 31/12/2022 là 2.428 tỷ đồng, tăng 3,3 lần so với đầu năm. Điểm sáng trong cơ cấu nợ phải trả là sự gia tăng mạnh mẽ của khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn, đạt 1.580 tỷ đồng, chiếm 65% tổng nợ phải trả. Đây là tiền khách mua nộp theo tiến độ tại dự án khu đô thị Bảo Ninh 2 – là doanh thu tương lai của VC3.
Ngoài ra, VC3 cũng còn có 38 tỷ đồng là tiền khách đặt cọc giữ chỗ tại các dự án bất động sản như: khu dân cư Vinaconex 3 – Phổ Yên, khu đô thị Bảo Ninh 2, dự án Phan Đình Phùng – Thái Nguyên.
Một điểm đáng nói khác là nợ vay ngắn hạn của VC3 đã giảm 42% xuống còn 242 tỷ đồng, nợ vay dài hạn đã giảm 98% xuống chỉ còn 1,5 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của VC3 tại ngày kết thúc năm 2022 đạt 1.206 tỷ đồng, tăng 54% so với đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,01 lần, tăng mạnh so với đầu năm là 0,94 lần. Tuy vậy, với chất lượng nợ của VC3, hệ số này hoàn toàn không mang lại vấn đề gì.
Đáng chú ý, dòng tiền kinh doanh năm 2022 của VC3 âm 195 tỷ đồng (cùng kỳ âm 84 tỷ đồng), chủ yếu do tăng hàng tồn kho (1.918 tỷ đồng), tăng các khoản phải thu (259 tỷ đồng). Song, khoản trả trước đã tăng 2.005 tỷ đồng.
Dòng tiền đầu tư dương 83 tỷ đồng, chủ yếu do công ty đã thu hồi cho vay, bán lại công cụ nợ của đơn vị khác (224 tỷ đồng). Dòng tiền tài chính ghi nhận 343 tỷ đồng thu về từ phát hành trái phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu và sự gia tăng của dòng tiền vay/trả, đạt 734 tỷ đồng/1.031 tỷ đồng, tăng lần lượt 97% và 38 lần.
Thảo Nguyên