Lợi nhuận các ngân hàng giảm tốc, nhưng những lo ngại về nợ xấu cũng đang bị thổi phồng?

07/11/2021 - 17:00
(Bankviet.com) Các chuyên gia cho rằng nợ xấu tăng do dịch bệnh sẽ không gây ra rủi ro có hệ thống cho hoạt động của các ngân hàng Việt. Theo đó, nhiều khoản vay sẽ quay trở lại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn khi nền kinh tế đang dần phục hồi hậu giãn cách xã hội.

Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho biết mức độ tăng của nợ xấu là hợp lý và có thể kiểm soát được do 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, mức nợ xấu của các ngân hàng Việt trước đại dịch tương đối thấp, thậm chí rất thấp ở một số ngân hàng với tỷ lệ nợ xấu chỉ từ 0,4 - 0,6%.

Do đó, việc tăng từ mức nền so sánh thấp trở lại mức bình thường khiến tỷ lệ nợ xấu có vẻ tăng tương đối cao, có thể tăng gấp đôi lên mức nợ xấu bình thường là 1 - 1,2%. Tuy nhiên, đây vẫn là tỷ lệ nợ xấu tốt theo tiêu chuẩn toàn cầu.

Thứ hai, tỷ lệ nợ xấu tại hầu hết ngân hàng vẫn ở mức cơ bản và khá. Ngoài ra, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại các ngân hàng cũng đã được tăng cường.

Cuối cùng, các chuyên gia cho rằng nợ xấu tăng do dịch bệnh sẽ không gây ra rủi ro có hệ thống cho hoạt động của các ngân hàng Việt. Theo đó, nhiều khoản vay sẽ quay trở lại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn khi nền kinh tế đang dần phục hồi hậu giãn cách xã hội.

Theo ước tính của NHNN, nợ xấu toàn phần (bao gồm cả các khoản nợ có khả năng tái cơ cấu) đạt khoảng 7,8% vào cuối năm 2021, tương tự như trong giai đoạn 2016 - 2017.

Lợi nhuận sẽ giảm tốc trong những tháng cuối năm

Cũng tại báo cáo, MBKE cho biết tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ giảm tốc dù tình hình COVID-19 có kéo dài hay không. Nguyên nhân chủ yếu do các ngân hàng đã tăng trưởng rất mạnh trong 6 tháng đầu năm.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm đã tăng trưởng 55,3% so với cùng kỳ. Thực tế cho thấy các ngân hàng sẽ chủ động quản lý tăng trưởng lợi nhuận để duy trì mức ROE mục tiêu sau khi ghi nhận mức ROE rất cao khoảng 20 - 28%.

Ngoài ra, còn những lý do khác để ngân hàng phải giảm tăng trưởng lợi nhuận trong những tháng cuối năm như tuân thủ yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hay tăng trích lập dự phòng để tăng cường tỷ lệ bao phủ nợ xấu.

Theo MBKE, hầu hết các ngân hàng đều đang trên đà hoàn thành các mục tiêu 2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm, các ngân hàng đã hoàn thành bình quân 77% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng đã hoàn thành 85 - 105% mục tiêu đề ra có thể kể đến như Techcombank, MB, ACB, MSB, SHB, LienVietPostBankSeABank.

Các chuyên gia cho rằng các ngân hàng có khả năng tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng bao gồm Techcombank, BIDVHDBank. Mặt khác, EximbankVIB có thể sẽ không hoàn thành các dự báo.

MBKE cũng kỳ vọng 17 ngân hàng niêm yết sẽ tăng trưởng lợi nhuận 10% trong quý IV, tương đương 44.000 tỷ đồng lãi trước thuế (bằng mức trung bình của ba quý đầu năm) nhờ tăng trưởng tín dụng và thu nhập từ phí mạnh hơn. Do đó, ngành ngân hàng sẽ kết thúc năm 2021 với mức tăng trưởng lợi nhuận 33% so với năm trước.

"Chúng tôi kỳ vọng phí suất tín dụng trung bình sẽ vào khoảng 1,5 - 1,6% trong hai quý tới, sau đó có thể giảm xuống kể từ quý II năm 2022, điều này sẽ là động lực chính thúc đẩy lợi nhuận các ngân hàng tăng trưởng mạnh hơn trong nửa cuối 2022," báo cáo viết.

Mức tăng trưởng lợi nhuận 9 tháng đầu năm tại một số ngân hàng (Nguồn: MBKE)

Lưu Lâm

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán