Lợi nhuận gộp là gì? Cách tính và ý nghĩa của lợi nhuận gộp

27/08/2022 - 23:02
(Bankviet.com) Lợi nhuận gộp là số liệu không thể thiếu trong bất kỳ báo cáo kinh doanh nào. Nắm được số liệu này sẽ giúp cho cá nhân, tổ chức hay nhà đầu tư nắm được tình hình kinh doanh của công ty.

Lợi nhuận gộp là gì?

Lợi nhuận gộp (tiếng Anh là Gross Profit) là giá trị chênh lệch của doanh thu khi bán sản phẩm ra thị trường với chi phí bỏ ra cho sản phẩm đó hoặc các khoản khấu trừ các chi phí liên quan đến sản phẩm, dịch vụ. Bạn có thể hiểu đơn giản đây là một khoản lợi nhuận có được thông qua việc trừ đi chi phí bán hàng của doanh nghiệp.

Khoản lợi nhuận này thường được doanh nghiệp sử dụng để đánh giá hiệu quả trong việc sản xuất kinh doanh. Do vậy, đây là một trong những thông số phải có trong báo cáo tài chính hay báo cáo kinh doanh của doanh nghiệp.

Lợi nhuận gộp là gì? Cách tính và ý nghĩa của lợi nhuận gộp

Đặc trưng của lợi nhuận gộp

Lợi nhuận gộp đánh giá hiệu quả của một công ty trong việc sử dụng lao động và vật tư của họ trong sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ.

Số liệu tính toán lợi nhuận gộp chỉ xem xét chi phí biến đổi, nghĩa là chi phí dao động theo mức sản lượng, chẳng hạn như:

+ Nguyên vật liệu

+ Lao động trực tiếp

+ Hoa hồng cho nhân viên bán hàng

+ Phí thẻ tín dụng khi mua hàng của khách hàng

+ Thiết bị

+ Phí vận chuyển

Cách tính lợi nhuận gộp

Lợi nhuận gộp = Doanh thu thuần – Giá vốn hàng bán

Doanh thu thuần = Tổng doanh thu – Các khoản giảm trừ chi phí

Trong đó:

Giá vốn hàng bán là toàn bộ các chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra để sản xuất hàng hóa gồm: nguyên vật liệu, kho hàng, marketing, quản lý doanh nghiệp, nhân sự, vận chuyển.

Doanh thu thuần là tổng doanh thu mà doanh nghiệp thu được từ việc bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ.

Các khoản giảm trừ doanh thu bao gồm: thuế xuất khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và các khoản chiết khấu, giảm giá, hàng trả lại.

Lợi nhuận gộp sẽ đi đôi với tỷ suất lợi nhuận gộp. Công thức tính tỷ suất lợi nhuận gộp hay còn gọi là hệ số biên lợi nhuận:

Tỷ suất lợi nhuận gộp (%) = Lợi nhuận gộp / Tổng doanh thu

Doanh nghiệp có thể tính tỷ suất lợi nhuận gộp và so sánh với mức trung bình của ngành để đánh giá xem liệu công ty có đang hoạt động tốt trên thị trường hay không. Nếu tỷ suất lợi nhuận gộp thấp hơn kỳ vọng hoặc giảm, doanh nghiệp nên đánh giá lại những chi phí nào cần cắt giảm.

VD: Doanh nghiệp A thu về 3.000.000.000 VNĐ cho doanh thu bán hàng. Giả sử rằng chi phí hàng hóa bao gồm 1.000.000.000 VNĐ cho sản xuất vật tư và 500.000.000 VNĐ cho chi phí lao động

Như vậy, lợi nhuận gôp của doanh nghiệp A sẽ được tính như sau:

3.000.000.000 – (1.000.000.000 + 500.000.000) = 1.500.000.000 VNĐ

Sau khi trừ đi giá vốn hàng bán, công ty có mức lợi nhuận gộp là 1.500.000.000 VNĐ.

Ý nghĩa của lợi nhuận gộp

Để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, các yếu tố tác động tới lợi nhuận gộp cần được quản lý chặt chẽ.

Lợi nhuận gộp giúp nhà đầu tư dễ dàng so sánh giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề, lĩnh vực với nhau hơn. Do đây là chỉ số phản ánh hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nên qua lợi nhuận gộp, nhà đầu tư có thể đánh giá được khả năng phát triển của doanh nghiệp đó. Qua đó, bạn có thể đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn hơn.

Tuy nhiên, không nên chỉ dựa vào lợi nhuận gộp để đánh giá một doanh nghiệp. Lợi nhuận gộp càng cao thể hiện công ty hoạt động tốt và sức khỏe tài chính tốt.

Bên cạnh lợi nhuận gộp, còn có nhiều yếu tố khác cần được đánh giá như: Quy mô hoạt động, lĩnh vực kinh doanh… để có cái nhìn chính xác nhất về nội tại của doanh nghiệp.

Đại Dương

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán