Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành nhận định, khác với những nền kinh tế khác, ngành tài chính ngân hàng Việt Nam ít chịu tác động trong ngắn hạn của Covid-19. Các ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục có thể đẩy mạnh tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt thực hiện mục tiêu kép ( vừa hỗ trợ kinh tế phục hồi, vừa phải kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô). Với việc giảm lãi suất đầu vào cũng giúp ngân hàng duy trì tỷ lệ lãi ròng (chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay) từ đó giữ được lợi nhuận khả quan.
Thực tế, nhìn vào nội bộ ngành, tỷ suất lợi nhuận cũng biến thiên giữa các ngân hàng. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành cho biết, nhóm top đầu tỷ suất lợi nhuận có thể lên tới 20-27%, nhóm cuối chỉ từ 5-7%. "Nhóm ngân hàng có tỷ suất lợi nhuận cao, điều này có thể đến từ việc quản trị, đổi mới các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19, nhiều ngân hàng cắt giảm chi phí hoạt động, mở rộng được thị trường, tiếp cận được doanh nghiệp tốt, phát triển tín dụng tiêu dùng, đẩy mạnh chuyển đổi số, thanh toán số thường có mức lợi nhuận cao" - ông Thành nói.
Còn TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu nhìn vào kết quả tín dụng so với cùng kỳ năm 2020 thì có thể nói, lợi nhuận của các ngân hàng trong 3 tháng đầu năm 2021 có một phần vẫn đến từ hoạt động cho vay. Đến hết quý I/2021, tín dụng đã dần hồi phục khi gần đạt mức 3% (cao hơn mức 1,3% cuối tháng 3/2020 và gần bằng mức tăng 3,26% vào cuối tháng 6/2020), đến cuối tháng 6/2021, tín dụng toàn nền kinh tế ước tăng 6% so với cuối năm 2020.
Thêm nữa, sự cải thiện kết quả kinh doanh của hệ thống TCTD còn đến từ hoạt động phi tín dụng như dịch vụ, nhờ đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, kinh doanh bảo hiểm, chứng khoán.
Ông Nguyễn Trí Hiếu phân tích, trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, ngân hàng là một trong những ngành đi đầu trong ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản trị, điều hành, tích cực chuyển đổi số, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm được chi phí, nhờ đó tối đa hóa lợi nhuận. Các ngân hàng đã ứng dụng nhiều công nghệ đột phá vào hoạt động nghiệp vụ để đưa ra các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, tiện lợi mang lại trải nghiệm, lợi ích thiết thực cho khách hàng, tiết kiệm thời gian, chi phí cho khách hàng, từ đó thu hút lượng lớn khách hàng, gia tăng lợi nhuận từ dịch vụ.
Ngoài ra, kênh bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng) đang là động lực giúp các ngân hàng gia tăng lợi nhuận. Một số phân tích khác cho rằng, nhiều ngân hàng thương mại có lợi nhuận "khủng" thời gian qua là do thị trường chứng khoán bùng nổ. Nhóm cổ phiếu ngân hàng lên mạnh chính là kênh tạo lợi nhuận khá lớn cho các ngân hàng. Còn Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng giải thích thêm nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận "khủng" của nhiều ngân hàng thương mại còn do kết quả thu hồi nợ xấu, khi các ngân hàng đã nỗ lực với việc bán, phát mại tài sản này và thu về được khoản lợi nhuận khổng lồ, hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, các ngân hàng thương mại hiện không bị áp lực trích lập dự phòng khi lộ trình trích lập dự phòng được kéo dài trong 3 năm và cho phép giữ nguyên nhóm nợ với nhiều khoản vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Điều này cũng hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng thương mại trong Quý I/2021.
Linh Đan
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam