Sau nhiều lần cân nhắc, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây chính thức lấy ý kiến dự thảo sửa đổi về Thông tư 02/2023, quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng đang gặp khó khăn, nội dung kéo dài cho đến hết năm 2024 thay vì tới tháng 6 này.
NHNN cho rằng, việc kéo dài thời hạn là nhằm tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm nay, theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ.
Nợ xấu tăng lên cũng là mối lo ngại lớn mà nhiều lần các lãnh đạo của cơ quan tổ chức tín dụng nhắc đến từ đầu năm đến nay. |
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế phân tích nhận định, tại thời điểm cuối năm 2023, NHNN đã công bố tỷ lệ nợ xấu lên tới 4,55%, tăng hơn gấp đôi so với tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,03% vào cuối năm 2022. Trong nửa đầu năm nay, nhiều khả năng tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng có thể vẫn tiếp tục đi lên do tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn còn yếu và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.
Ngoài ra, với việc NHNN sẽ gia hạn Thông tư 02/2023 giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng nữa, điều đó có nghĩa những khoản vay đã là nợ xấu và cần chuyển nhóm nợ, nhưng nhờ Thông tư này mà sẽ tiếp tục được giữ nguyên nhóm nợ. Các quy định này một mặt giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn vay ngân hàng nhưng mặt khác nó cũng khiến tỷ lệ nợ xấu và lợi nhuận của mỗi ngân hàng chưa được phản ánh đúng thực chất.
Ông Thịnh nhận xét, vẫn còn hàng ngàn doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong vấn đề trả nợ thì lợi nhuận của các ngân hàng nếu được tính đúng, tính đủ chắc sẽ không thể “đẹp” như trong các báo cáo tài chính mà họ công bố. Một khi nợ xấu bị “phát lộ” một cách đầy đủ và thực chất, các khoản chi phí dự phòng sẽ ăn mòn lợi nhuận của các nhà băng.
Thực tế cho thấy, áp lực nợ xấu của các ngân hàng đang xấu hơn trong quý đầu năm 2024. Theo thống kê, tăng trưởng tín dụng của 28 ngân hàng trong hệ thống ở mức khoảng 2% trong 3 tháng đầu năm, tuy nhiên tổng số nợ xấu tăng đến 14% về quy mô.
Còn theo báo cáo cập nhật ngành ngân hàng công bố đầu tháng 5 của Công ty chứng khoán MBS, chất lượng tài sản của các ngân hàng vẫn tiếp tục có xu hướng giảm.
Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu trung bình của các ngân hàng niêm yết ở mức 2,17% vào cuối qúy 1/2024, tăng so với con số 1,93% vào cuối năm 2023 và thấp hơn 7 điểm cơ bản so với mức đỉnh trong quý 3/2023. Đáng chú ý, quy mô nợ xấu trong quý 1 cũng đã tăng lên 48,5% so với cùng kỳ, trong khi chi phí trích lập chỉ tăng 5,4%.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào số liệu, có vẻ như nhiều ngân hàng cũng không mặn mà lắm với câu chuyện xử lý nợ theo Thông tư 02, vì quy mô không lớn. Thống kê của NHNN tính đến cuối năm thì tổng lũy kế có 188.000 lượt khách hàng được cơ cấu với tổng giá trị nợ gốc và lãi là 183.500 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với quy mô tổng tín dụng.
Theo Kết quả điều tra Xu hướng kinh doanh quý 2/2024 của Vụ dự báo thống kê (thuộc NHNN) vào đầu tháng 4, tỷ lệ nợ xấu trong quý 1/2024 được các tổ chức tín dụng đánh giá là lại có xu hướng “tăng nhẹ” trong khi kỳ vọng cuối năm ngoái là “giảm nhẹ”. Nhưng điểm tích cực là xu hướng giảm đã thu hẹp đáng kể so với quý 4/2023, đồng thời các tổ chức tín dụng cũng kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm trong quý 2/2024.
Chần chừ không cắt giảm lãi suất, Fed đã ‘giáng đòn’ mạnh lên hàng loạt ngân hàng Đông Nam Á như thế nào? Bảng cân đối kế toán của các ngân hàng ASEAN có thể xấu đi trong ba quý tới do rủi ro vỡ nợ từ các ... |
Tuần quan trọng của thị trường tài chính với hàng loạt báo cáo sắp công bố: Fed có thể tăng số đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay Tuần này, thị trường cần chú ý các báo cáo thu nhập và những dữ liệu quan trọng liên quan đến lạm phát sẽ được ... |
Thu Thảo