Báo cáo tài chính quý III/2021 được các ngân hàng công bố gần đây cho thấy lợi nhuận vẫn rất khả quan trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế “lao đao” thời gian qua. Ông có bình luận gì?
Theo tôi, liên quan đến vấn đề này cần phải nhìn nhận ở ba góc độ.
Thứ nhất, quá trình kinh doanh của các tổ chức tín dụng trong giai đoạn tái cơ cấu trước đây đều phải xây dựng hành lang pháp lý nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng tín dụng, phân loại nợ, có giải pháp thu hồi nợ xấu, đưa tỷ lệ về dưới 3% kể cả khoản nợ bán cho VAMC và nợ ngoại bảng. Theo đó, bên cạnh những giải pháp chủ động và cùng với sự hỗ trợ từ Nghị quyết 42/2017/QH14, các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu tương đối tốt. Trước khi dịch bệnh xảy ra, tỷ lệ nợ xấu về mức cho phép và điều này đã hỗ trợ hoạt động của tổ chức tín dụng và mang về lợi nhuận.
Thứ hai, trong quá trình tái cơ cấu, các tổ chức tín dụng đã đầu tư nhiều vào ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Lợi nhuận dùng vào đầu tư công nghệ thời gian trước là không nhỏ, nhưng chưa mang lại lợi nhuận như mong muốn, bởi việc thu được kết quả cần có thời gian. Tuy nhiên, dịch bệnh là một trong những chất xúc tác thúc đẩy nhanh chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh… Có thể nói, hệ thống ngân hàng đã đi trước nên khi xảy ra dịch bệnh, mọi giao dịch vẫn thông suốt, an toàn. Thậm chí, có ngân hàng riêng khoản thu từ dịch vụ chiếm đến 40% lợi nhuận cho thấy đây chính là “quả ngọt”; công sức của các tổ chức tín dụng nhiều năm qua với kết quả thu về là xứng đáng.
Thứ ba, với việc thanh toán không dùng tiền mặt thông suốt, hiệu quả, nên lượng tiền trong dân thay vì “nằm im” như trước đây, người dân tin tưởng để tiền tại ngân hàng, khiến lượng tiền gửi tăng lên. Doanh nghiệp, cá nhân được hưởng lãi và chính các ngân hàng cũng được hưởng lợi, vì lượng tiền gửi không kỳ hạn tăng giúp giảm đáng kể chi phí đầu vào của các tổ chức tín dụng. Đây cũng là lý do khiến ngân hàng dù đã giảm lãi cho doanh nghiệp tới hơn 31.000 tỷ đồng mà lợi nhuận vẫn tăng.
Hiện các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do dịch bệnh nên các ngân hàng chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp, nhưng có độ trễ nhất định. Ví dụ, nguồn lãi dự thu từ trước khi dịch bệnh sẽ rất khó khăn để thu hồi. Do đó, tôi cho rằng, cần có cái nhìn khách quan chia sẻ với tổ chức tín dụng trong bối cảnh cũng là doanh nghiệp và gặp những khó khăn mà vẫn cố gắng hỗ trợ ngược trở lại doanh nghiệp.
Tôi dự báo, đến năm 2022, những khó khăn bởi đại dịch sẽ ảnh hưởng nặng nề, rõ rệt hơn đến doanh nghiệp, khiến ngân hàng có nguồn dự thu lớn sẽ bị ảnh hưởng, lợi nhuận của các tổ chức tín dụng sẽ bị giảm. Thậm chí, những khoản hạch toán dự thu của các năm trước đã quyết toán rồi đến nay vẫn chưa thu được, đặc biệt là những khoản trung, dài hạn.
Lãi dự thu trong báo cáo tài chính của không ít ngân hàng tương đối cao, bao gồm cả ngân hàng có vốn nhà nước chi phối?
Theo quy định, tất cả những khoản dư nợ nhóm 1 là nợ đủ chuẩn và có khả năng trả được cả gốc và lãi nên phần lãi suất của khách hàng chưa thu sẽ được ghi nhận vào dự thu. Dự thu này được ghi nhận vào thu nhập của tổ chức tín dụng. Khi tính kết quả kinh doanh của tổ chức tín dụng trong các nguồn thu có khoản dự thu. Tổ chức tín dụng phân loại nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, những khoản nợ mà lãi đến kỳ hạn nhưng doanh nghiệp chưa trả được và xin cơ cấu lại khoản lãi thì phải xem xét chuyển nhóm, đồng thời loại khỏi lãi dự thu.
Dự báo, đến năm 2022, những khó khăn bởi đại dịch sẽ ảnh hưởng nặng nề, rõ rệt hơn đến doanh nghiệp, khiến ngân hàng có nguồn dự thu lớn sẽ bị ảnh hưởng.
Khoản dự thu này cũng nhằm để đánh giá chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng. Những khoản nợ nhóm 1 là tương đối tốt nên được đưa vào dự thu để hạch toán. Theo đó, kết quả kinh doanh ngân hàng công bố lãi trong đó có khoản dự thu được đánh giá là một ngân hàng hoạt động hiệu quả, chất lượng tín dụng tốt.
Vì vậy, những khoản dự thu mà ngân hàng hạch toán cơ bản là những khoản có thu nhập, tuy nhiên, có thể 3 - 6 tháng hay dài hơn mới đến hạn doanh nghiệp trả lãi, khi đó mới là thực thu.
Quá trình triển khai thực tế cho thấy, các khách hàng phần lớn đều trả nợ đúng hạn những khoản dự thu đó và trở thành thu nhập chính thức của các tổ chức tín dụng. Điều này khẳng định, dự thu theo quy định hạch toán vào thu nhập là phù hợp, hay có thể nói kết quả kinh doanh trong đó có khoản dự thu là hợp pháp.
Lợi nhuận được đẩy lên cao nhưng đồng thời làm tăng rủi ro tiềm ẩn nếu ngân hàng không thể thu được các khoản dự lãi...
Lãi dự thu bản chất không có tính hai mặt, nhưng thời điểm hiện tại sẽ có tính hai mặt, bởi đại dịch khiến rủi ro gia tăng. Ví dụ, có doanh nghiệp đang nợ nhóm 1, hay hoạt động hiệu quả, nhưng do dịch bệnh xảy ra bị đứt chuỗi cung ứng, ngừng và thậm chí dừng sản xuất để thực hiện phòng chống dịch, dẫn đến sụt giảm doanh thu, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến việc trả nợ gốc và lãi ngân hàng. Đây là nguyên nhân khách quan.
Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh thêm, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các Thông tư 01, 03, 14, trong đó quy định, khoản nợ cơ cấu phải loại khỏi dự thu. Theo đó, bản chất lãi dự thu hiện nay ở các ngân hàng là những khoản nợ sạch, nợ đủ tiêu chuẩn, hạch toán theo đúng quy định của pháp luật, không phải tiềm ẩn. Vấn đề chỉ là dịch bệnh khiến doanh nghiệp chịu ảnh hưởng và ngân hàng cùng liên đới nên dẫn đến khả năng chưa đảm bảo 100% thu được lãi để đưa vào thu nhập.
Điểm tích cực là một số ngân hàng giảm mạnh lãi dự thu so với cuối năm ngoái, ông có nhận định gì?
Trong hoạt động kinh doanh, tôi khẳng định là không một tổ chức tín dụng nào muốn hạch toán lãi dự thu vào thu nhập, mà mong muốn thu lãi và gốc một cách sòng phẳng, nhưng do đặc thù từng loại hình doanh nghiệp sẽ vẫn phát sinh dự thu. Ngân hàng không muốn tăng dự thu, nhưng phụ thuộc vào đối tượng vay, do đó, dự thu luôn đồng hành với hoạt động tín dụng của ngân hàng.
Chính vì vậy, các tổ chức tín dụng một mặt sẽ nâng cao chất lượng tín dụng, quản lý tốt dòng tiền thu tận gốc và lãi đầy đủ; mặt khác, hạn chế dự thu trên cơ sở đánh giá đúng khoản nợ để an toàn cho chính tổ chức tín dụng, bản chất tài chính kinh doanh của ngân hàng. Dự thu là con dao hai lưỡi, sẽ rất tốt nếu thu được hết nợ và ngược lại nếu không thu được do khoản vay chuyển nợ xấu.
Việc phòng chống rủi ro liên quan đến vấn đề này chủ yếu phụ thuộc vào doanh nghiệp, do đó, tổ chức tín dụng cần theo dõi chặt chẽ “sức khoẻ” doanh nghiệp; đồng hành, sát sao cùng doanh nghiệp trên cơ sở chia sẻ về lãi suất, phí, cơ cấu nợ; cùng bàn bạc với doanh nghiệp về kế hoạch kinh doanh…
Nhưng tôi muốn nói rằng, đây là bài toán “đau đầu” của các ngân hàng: vừa huy động vốn, bơm vốn cho nền kinh tế, rồi lựa chọn đối tượng nào? Hôm nay, đối tượng này là phù hợp, nhưng ngày mai có thể không còn phù hợp. Đây là bài toán khó giải.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Hồng Dung
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ