Luật Nhà ở (sửa đổi): Kịp thời hóa giải “nút thắt” về nhà ở xã hội

09/12/2023 - 02:09
(Bankviet.com) Quốc hội vừa thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) với nhiều điểm mới về nhà ở xã hội được kỳ vọng tháo gỡ kịp thời những “nút thắt” cả đối với chủ đầu tư dự án và đối tượng thụ hưởng chính sách này.
Quốc hội vừa thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) với nhiều điểm mới về nhà ở xã hội được kỳ vọng tháo gỡ kịp thời những “nút thắt” cả đối với chủ đầu tư dự án và đối tượng thụ hưởng chính sách này.

Luật Nhà ở (sửa đổi) với nhiều điểm mới về nhà ở xã hội được kỳ vọng tháo gỡ kịp thời những “nút thắt” cả đối với chủ đầu tư dự án và đối tượng thụ hưởng chính sách này.

Đánh giá về tính ưu việt của Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, về tổng thể, Luật Nhà ở (sửa đổi) năm 2023 bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật và có thể coi là Luật Nhà ở mới có chất lượng tốt nhất trong hơn 30 năm qua.

Theo HoREA, tính ưu việt phù hợp với thực tiễn hiện nay của Luật Nhà ở (sửa đổi) đã kịp thời tháo gỡ được những “nút thắt” về nhà ở xã hội.

Cụ thể, khoản 5 Điều 77 Luật Nhà ở năm 2023 quy định: “Hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định” để đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội “mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở” hoặc “để mua, thuê mua nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân” cho phép các “tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định” được thực hiện cho vay ưu đãi đối với các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội “mua, thuê mua nhà ở xã hội”.

Quy định mới này đã khắc phục được bất cập tại khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở năm 2014 trước đây khi không cho phép các tổ chức tín dụng cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Một điểm mới khác của Luật Nhà ở năm 2023 là bãi bỏ điều kiện cư trú đối với đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội. HoREA cho rằng, chính sách này là rất hợp lý phù hợp với thực tế dịch chuyển lao động và thu hút lao động có trình độ, tay nghề cao giữa các vùng miền, địa phương; phù hợp với tình hình thực tiễn trong từng thời kỳ.

Bên cạnh đó, hiện nay, khoản 2 Điều 85 Luật Nhà ở năm 2023 quy định “chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội” không phải bằng vốn ngân sách nhà nước được hưởng các ưu đãi, như: Được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án; Được ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế; Được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội; Được dành tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại…

Theo HoREA, những quy định này là rất cần thiết, đáp ứng được một phần nguyện vọng của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhằm thực hiện Chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030...

Theo Hà Anh/tapchitaichinh.vn
Theo: Tạp chí Ngân hàng