Căng thẳng Nga – Ukraine, lạm phát gia tăng tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu
Sau hai năm tác động của đại dịch COVID-9, chiến sự tại Ukraine đã trầm trọng thêm tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng lan tỏa đến các nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là tình trạng tắc nghẽn các chuỗi cung ứng và lạm phát.
Cuộc chiến cũng thu hẹp dư địa chính sách với khó khăn hơn nhiều so với khi đại dịch bùng phát. Cùng với những rối loạn về cung ứng và giá cả hàng hóa leo thang, lạm phát đã tăng cao trên phạm vi toàn cầu, gây khó khăn cho các nhà tạo lập chính sách trong việc cân bằng chính sách giữa hỗ trợ tăng trưởng và kiềm chế áp lực tăng giá. Điều kiện tài chính toàn cầu trở nên khắt khe hơn, chi phí vay vốn tăng cao, nhất là tại các nước đang phát triển và mới nổi (EMDEs), phản ánh xu hướng thu hẹp chính sách nhằm đối phó với áp lực lạm phát, bất ổn kinh tế và căng thẳng địa chính trị. Ngoài ra, việc rút dần các gói hỗ trợ chính sách cũng tiếp tục cản trở các hoạt động kinh tế.
Lạm phát giá cả hàng tiêu dùng đã tăng cao trên phạm vi toàn cầu và vượt xa mục tiêu của ngân hàng trung ương (NHTW) tại hầu hết các nước trên thế giới, và được nhận định sẽ đứng ở mức cao trong thời gian dài. Lạm phát được kỳ vọng sẽ đạt đỉnh vào giữa năm 2022, sau đó sẽ giảm rất chậm do GDP toàn cầu chỉ tăng khiêm tốn, nhu cầu sẽ tiếp tục dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ, nguồn cung cải thiện, giá cả hàng hóa giảm dần.
Trong sáu tháng đầu năm 2022, giá cả hàng hóa tăng cao, phản ánh phần nào tác động của chiến sự tại Ukraine, nổi bật là những mặt hàng mà Nga và Ukraine là quốc gia xuất khẩu chủ chốt, bao gồm năng lượng và bột mỳ. Tác động của căng thẳng Nga – Ukraine đến thị trường năng lượng và những hàng hóa khác sẽ tuỳ thuộc vào quy mô và thời gian mà các nước áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), với các biện pháp trừng phạt hiện nay, xuất khẩu dầu của Nga có thể giảm 2,5 triệu thùng/ngày trong ngắn hạn, khoảng 30% lượng dầu xuất khẩu hiện hành của quốc gia này và 3% nguồn cung toàn cầu. Trong ngữ cảnh như trên, giá năng lượng sẽ tăng 52% trong năm nay, cao hơn 47% so với dự báo trước đó. Dự báo, giá trung bình đối với dầu thô Brent sẽ vào khoảng 100 USD/thùng, cao hơn dự báo trước đó tới 24 USD/thùng. Giá dầu sẽ giảm nhẹ từ năm 2023, khi sản lượng dầu trên thế giới tăng dần. Tuy nhiên, giá dầu sẽ đứng ở mức rất cao so với dự báo trước đó, và vượt mức giá trung bình trong 5 năm vừa qua.
Trong năm nay, giá cả các mặt hàng nông nghiệp sẽ tăng 18%, do sản lượng ngũ cốc tại Ukraine sụt giảm mạnh và chi phí đầu vào tăng cao, bao gồm năng lượng, hóa chất, và phân bón. Trong số này, giá phân bón sẽ tăng gần 70%.
Sau khi tăng đáng kể trong năm 2021, giá cả các mặt hàng kim loại sẽ tiếp tục tăng 12% trong năm nay. Trong đó, giá nhôm và kền tăng tới 30%, do Nga là quốc gia xuất khẩu chủ chốt.
Dự báo tăng trưởng kinh tế cụ thể cho từng khu vực
Trong môi trường đầy thách thức hiện nay, kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ suy thoái trầm trọng nhất kể từ sau đợt suy thoái cách đây hơn 80 năm. Cụ thể là, GDP toàn cầu được dự báo giảm từ kết quả tăng 5,7% trong năm 2021 xuống mức tăng trưởng 2,9% trong năm 2022 và 3,0% trong hai năm 2023-2024, do chiến sự sẽ gây rối loạn các hoạt động thương mại trong ngắn hạn, nhu cầu tiếp tục yếu ớt, các nước phải cắt giảm các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng để kiềm chế lạm phát.
Nguồn: WB tháng 6/2022
|
Tại các nước phát triển, chiến sự tại Ukraina tiếp tục cản trở các hoạt động kinh tế do giá năng lượng tăng cao, điều kiện tài chính không thuận lợi, các chuỗi cung ứng bị rối loạn, GDP sẽ giảm từ kết quả tăng 5,1% trong năm 2021 xuống mức tăng trưởng 2,6% trong năm 2022, thấp hơn 1,2% so với dự báo đưa ra hồi tháng 01/2022. Sang năm 2023, GDP tiếp tục tăng thấp ở mức 2,2%, chủ yếu là do các nước rút dần chính sách hỗ trợ.
Tại EMDEs, GDP giảm từ kết quả tăng 6,6% trong năm 2021 xuống mức tăng trưởng 3,4% trong năm 2022 - thấp xa mức tăng trưởng trung bình 4,8% trong giai đoạn 2011-2019, mặc dù đang phục hồi dần sau đại dịch. Tăng trưởng thấp phản ánh phần nào tác động của cuộc chiến tại Ukraine: giá cả chao đảo mạnh, chi phí đầu vào tăng cao, thương mại gián đoạn và niềm tin yếu ớt. Tác động lan tỏa này cũng trầm trọng thêm những khó khăn kinh tế trước đây, bao gồm áp lực lạm phát gia tăng, điều kiện tài chính khắt khe hơn, các gói hỗ trợ chính sách tiếp tục bị thu hẹp, nhu cầu bên ngoài yếu ớt. Do phần lớn chi tiêu dùng tại EMDEs tập trung vào những mặt hàng thiết yếu, tác động của chiến tranh đến thực phẩm và giá cả năng lượng thể hiện rõ nét trong tiêu dùng, nhất là tại các nước nhập khẩu năng lượng, trong khi các nước xuất khẩu năng lượng hưởng lợi rất lớn nhờ giá dầu tăng cao và sản lượng tăng chậm.
So với dự báo trước đó, báo cáo này giảm triển vọng GDP năm 2022 tại các EMDE tới 1,2%, chủ yếu là do tác động tiêu cực của chiến tranh. Tới 70% số quốc gia thuộc nhóm EMDEs bị tác động, nhất là các nước nhập khẩu hàng hóa. Trong hai năm 2023-2024, kinh tế EMDEs được kỳ vọng sẽ tăng vững với tốc độ trung bình 4,3%, khi tác động của chiến tranh mờ nhạt dần.
Tại các nước thu nhập thấp (LIC), GDP được kỳ vọng tăng 4,1% trong năm 2022 và tăng 5,3% trong năm 2023. Mặc dù tình hình kinh tế tại các nước xuất khẩu đã cải thiện, nhưng GDP năm nay giảm tới 0,8% so với dự báo trước đó, một phần là do chiến sự đã khiến giá cả năng lượng và thực phẩm tăng đột ngột. Tại nhiều LICs, tới 40% chi tiêu của các hộ gia đình tập trung vào bữa ăn hàng ngày, và lạm phát giá thực phẩm ở mức cao đang xói mòn thu nhập thực tế và kìm hãm tiêu dùng. Giá phân bón ở mức cao sẽ khiến sản xuất nông nghiệp trở nên đắt đỏ, ảnh hưởng xấu đến sản lượng nông nghiệp tại nhiều LICs. Trong khi đó, rối loạn xã hội và các vụ bạo loạn cũng cản trở tăng trưởng kinh tế và đầu tư tại một số LICs.
Tại EMDEs, tăng trưởng kinh tế sụt giảm đột ngột cũng thể hiện rõ nét qua thu nhập bình quân đầu người, với mức sụt giảm từ kết quả tăng 5,4% trong năm 2021 xuống mức tăng 2,3% trong năm 2022, thấp hơn xu hướng tăng trưởng trước đại dịch tới 5%. Lạm phát giá thực phẩm đã xói mòn thu nhập bình quân đầu người tại nhiều nước trong nhóm EMDEs vốn lệ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu, trầm trọng thêm vấn đề an ninh lương thực và đói nghèo trên toàn cầu. Tại nhiều nước, thách thức về môi trường bên ngoài tăng cao do tác động kết hợp của những yếu tố liên quan đến đại dịch, chiến tranh, và giá cả tăng tốc, số người bần cùng sẽ tăng thêm 75 triệu người vào cuối năm nay.
(Nguồn: WB tháng 6/2022)
Xuân Thanh