Xuất khẩu dệt may năm 2024 dự kiến tăng trưởng 8-10% Số liệu kim ngạch xuất khẩu dệt may của Bangladesh có đáng tin? |
Theo phân tích từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm phục hồi chưa đồng đều. Tuy lạm phát đã giảm mạnh từ mức đỉnh 9 - 10% trong năm 2022 về quanh 3% nhưng lãi suất vẫn cao nên người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu.
Cụ thể, thị trường Mỹ, nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may tính lũy kế đến tháng 5/2024 đạt 40,8 tỷ USD, giảm 3,7% so với cùng kỳ. Trong năm 2024, nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ ước đạt 100,5 tỷ USD, trong đó dệt sợi ước đạt 25,1 tỷ USD, may mặc đạt 75,3 tỷ USD.
Tại EU, do còn tiềm ẩn các yếu tố địa chính trị, tăng trưởng kinh tế năm 2024 của khu vực dự báo khiêm tốn ở mức 0,9% vào năm 2024. Nhập khẩu hàng dệt may của EU, lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, đạt 39,3 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ, tương đương năm 2019.
Mảng màu sáng và tối trong bức tranh thị trường xuất khẩu dệt may. |
Ngày 10/6, Nhật Bản công bố GDP quý 1/2024 điều chỉnh ở mức giảm 1,8% so với cùng kỳ, tăng 0,2% so với ước tính ban đầu. Lạm phát của Nhật Bản tháng 5/2024 ở mức 2,8%, là mức cao nhất trong 3 tháng gần đây (tháng 4/2024 ở mức 2,5%). Doanh số bán lẻ trong tháng 5/2024 tăng 3% so với cùng kỳ, tuy nhiên bán lẻ dệt may giảm 0,3% so cùng kỳ.
Trong bối cảnh kinh tế của các thị trường nhập khẩu hàng dệt may phục hồi chưa đồng đều khiến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này cũng có những biến động.
Theo đó, tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 3,7 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lũy kế 6 tháng năm 2024, đạt 19,6 tỷ USD, tăng 4,6%.
Trong tháng 6/2024 Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may đi Mỹ đạt 1,53 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ; Nhật Bản đạt 339 triệu USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ; EU đạt 435 triệu USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ; Trung Quốc đạt 300 triệu USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ; Hàn Quốc đạt 231 triệu USD giảm 0,1% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng năm 2024 Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may đi Mỹ đạt 7,39 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ, tương đương 220 triệu USD; Nhật Bản đạt 1,97 tỷ USD tăng 4,9%; Hàn Quốc đạt 1,65 tỷ USD, tăng 2,6%; Trung Quốc 1,68 tỷ USD tăng 4,6%; thị trường EU đạt 2,02 tỷ USD, tăng 0,8%.
Cũng theo lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ngoài nhu cầu tiêu dùng, nửa cuối năm 2024 có nhiều yếu tố tác động đến xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang các thị trường.
Đầu tiên là sự cạnh tranh về tỷ giá giữa các quốc gia. Trong tháng 5/2024, Bangladesh là quốc gia phá giá đồng tiền nhiều nhất trong các quốc gia xuất khẩu dệt may. Điều này xuất phát từ việc ngân hàng Bangladesh ngày 6/5/2024 đã thiết lập tỷ giá hối đoái mới, khiến cho đồng Bangladesh mất giá 6,52% so với đồng USD.
Sau 2 tháng (4 và 5) kim ngạch xuất khẩu dệt may Bangladesh liên tục suy giảm, Bangladesh đã có những động thái mới về tỷ giá để duy trì tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.
Trong khi đó, Việt Nam đồng chỉ mất giá 0,43% so với đồng USD trong tháng 5/2024, dự kiến Việt Nam đồng sẽ ổn định hơn trước, tuy nhiên khả năng một số quốc gia như Mexico, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia có thể sẽ tiếp tục phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu. Điều này sẽ làm năng lực cạnh tranh của Việt Nam kém hơn so với các quốc gia xuất khẩu dệt may do tỷ giá.
Lãi suất trong nước, tính đến đầu tháng 7/2024, có 23 ngân hàng thương mại tăng lãi suất tiền gửi, với mức tăng phổ biến dao động trong khoảng 0,3%-0,8%/năm ở kỳ hạn 12 tháng. Việc tăng lãi suất tiền gửi cũng làm tăng nguy cơ các ngân hàng tăng mức lãi suất cho vay, khiến doanh nghiệp gặp bất lợi trong việc tiếp cận đồng vốn, làm giảm sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.
Ngoài ra, giá cước vận tải tiếp tục leo thang trong thời gian gần đây tạo áp lực kép cho doanh nghiệp. Chỉ số tổng hợp mới nhất của Drewry WCI ngày 4/7 ở mức 5,868 USD/container 40ft, mức đỉnh mới cao nhất trong năm 2024 (mức đỉnh cũ ngày 25/01/2024 ở mức 3,964 USD/container 40ft).
Các tuyến vận tải chính từ Thượng Hải đi các nước đều tăng từ 10-30% trong thời gian gần đây. Tình trạng tắc nghẽn vận tải biển ở châu Á dự kiến sẽ tiếp tục làm giá cước tăng cao hơn nữa.
Đặc biệt, từ ngày 1/7, trong khối doanh nghiệp, người lao động sẽ được tăng lương tối thiểu vùng và tăng lương tối thiểu theo giờ ở mức 6%. Đối với ngành sử dụng nhiều lao động dệt may, việc tăng lương sẽ làm tăng chi phí tài chính.
Trước những thách thức trên, các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp trong nước bám sát biến động thị trường; lựa chọn đơn hàng phù hợp; nâng cao năng lực sản xuất và quản trị nhằm giảm chi phí đầu vào.