Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết, trong năm 2022, chỉ có 4 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA (tính bằng (tiền gửi không kì hạn+tiền ký quỹ)/ tổng tiền gửi) tăng, một ngân hàng giữ nguyên và 22 ngân hàng giảm.
Techcombank, quán quân CASA trong 3 năm liên tiếp đã ghi nhận sụt giảm mạnh CASA trong năm 2022 |
Đáng chú ý, Techcombank - quán quân CASA trong 3 năm liên tiếp đã ghi nhận sự sụt giảm mạnh trong năm 2022 và để mất vị trí dẫn đầu vào tay của MB. Số dư tiền gửi không kỳ hạn của Techcombank đã giảm tới 16,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 132 tỷ đồng và chiếm 37% trong tổng huy động vốn. Cùng với Techcombank, KienlongBank cũng là ngân hàng có mức sụt giảm mạnh nhất về tỷ lệ này.
Về phía MB, tổng tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng giảm từ 171 tỷ đồng cuối năm 2021 xuống 167 tỷ đồng vào cuối năm 2022, đưa tỷ lệ CASA từ 47,6% về 40%. Tuy nhiên, ngân hàng này vẫn thành công trong việc soán "ngôi vua" CASA của Techcombank.
"Ông lớn" Vietcombank cũng ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm từ 35,1% xuống 33,1%. VietinBank và BIDV duy trì tỷ lệ CASA tương đối ổn định trong năm qua khi chỉ ghi nhận chỉ tiêu này giảm nhẹ.
Các ngân hàng có tỷ lệ CASA tăng trong năm 2022 đều là những ngân hàng có quy mô nhỏ như PG Bank, SeABank, BacABank và VietBank.
Lý giải về sự sụt giảm mạnh về CASA của mình, Techcombank cho biết trong bối cảnh môi trường lãi suất cao trên toàn cầu, thanh khoản hệ thống bớt dồi dào và tâm lý tiêu cực về thị trường bất động sản và trái phiếu đã góp phần khiến số dư CASA sụt giảm. Do khách hàng có xu hướng giảm nắm giữ tiền mặt để đầu tư hay chi tiêu và tăng mở tài khoản tiết kiệm.
Bên cạnh đó, trong năm 2022, các ngân hàng liên tục "chạy đua" tăng lãi suất để hút tiền gửi, do đó, người dân có xu hướng gửi tiền có kỳ hạn để nhận lãi suất cao thay vì để tiền trong tài khoản tiền gửi không kỳ hạn.
Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam, tăng trưởng tiền gửi CASA sẽ vẫn ở mức thấp trong nửa đầu năm 2023 do lãi suất tiền gửi có kỳ hạn ở mức cao và điều kiện thanh khoản hạn hẹp trong thời gian tới. Tuy nhiên, tỷ lệ CASA của ngành ngân hàng có thể sẽ được cải thiện hơn trong nửa cuối năm khi lãi suất hạ nhiệt.
Về kết quả kinh doanh của MBBank, theo báo cáo tài chính quý IV/2022 vừa công bố, MBBank đem về hơn 9.629 tỷ đồng thu nhập lãi thuần tăng hơn 34% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các mảng hoạt động khác của ngân hàng này đều ghi nhận sụt giảm.
Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ hơn 1.223 tỷ đồng giảm nhẹ 9%, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối giảm 12,7% xuống còn hơn 363,4 tỷ đồng. Lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh giảm 90% còn 5,6 tỷ đồng, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư giảm 60% xuống 72,38 tỷ đồng và lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác giảm 50,3% về mức 451,488 tỷ đồng.
Các mảng kinh doanh không tích cực đã kéo theo lợi nhuận trước thuế quý 4/2022 tại MB chỉ đạt hơn 4.573 tỷ đồng, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý duy nhất ngân hàng này ghi nhận mức tăng trưởng âm trong năm 2022.
Lũy kế cả năm 2022, nhờ hoạt động kinh doanh ngoại hối vẫn giữ đà tăng trưởng 28% nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng vẫn tăng 25,3% so với năm trước. Kết quả, MBB thu được 22,729 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 38% so với năm trước, vượt 12% kế hoạch.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của MB đạt 728.532 tỷ đồng, tăng 20% so với cuối năm 2021. Trong đó, tiền gửi khách hàng tăng trưởng 15,3% đạt hơn 443.600 tỷ đồng. Trong đó tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt hơn 180.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% trên tổng huy động vốn, là ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất hệ thống tính đến thời điểm hiện tại.
Dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng 26,7%, đạt hơn 460.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay (bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp) tăng trưởng 25% đạt trên 507.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 54% lên 5.030 tỷ đồng, trong đó dư nợ nhóm 5 ở mức 2.293 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với cuối năm 2021 (819 tỷ đồng), qua đó tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,9% lên 1,09%.
Theo thuyết minh, dư nợ cho vay khách hàng của MB Bank tập trung vào hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tiêu dùng; công nghiệp chế biến chế tạo hơn 150.444 tỷ đồng (chiếm 32,68% tổng dư nợ).
Kế đến là cho vay bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác 114.651 tỷ đồng (chiếm 24,89% tổng dư nợ). Cho vay trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản của MB Bank ở mức 47.802 tỷ đồng (chiến 10,38% tổng dư nợ).
Chi phí dự phòng rủi ro của MBB tại thời điểm cuối năm 2022 duy trì ở mức 8.047 tỷ đồng gần như không đổi so với năm trước.
Đan Chi