Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) vừa có Tờ trình số 11000/TTr-BGTVT gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị xem xét, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án mở rộng đường bộ cao tốc phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn.
Đây là lần thứ hai kể từ tháng 6/2024, Bộ GTVT có Tờ trình về dự án này sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành và địa phương liên quan.
Đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn hiện là một phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một trong những tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.
Tại Tờ trình số 11000/TTr-BGTVT, Bộ GTVT đề xuất điểm đầu của dự án này trùng với điểm cuối của đoạn cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ tại xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Điểm cuối của dự án trùng với điểm đầu của đoạn cao tốc La Sơn - Hòa Liên tại xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Chiều dài toàn tuyến dự án là 98,35 km, trong đó đoạn qua tỉnh Quảng Trị dài khoảng 36,3 km và đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế dài khoảng 62,05 km.
Cần khoảng 6.488 tỷ đồng để nâng quy mô cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe |
Dự án sẽ mở rộng mặt cắt ngang tuyến cao tốc từ quy mô 2 làn xe lên 4 làn xe. Bề rộng nền đường sẽ được mở rộng từ 12m lên 22m, trong khi bề rộng mặt đường từ 11m sẽ tăng lên 20,5m.
Đối với những đoạn đã đầu tư nền đường 23,25m trước đây, dự án sẽ thực hiện cơ cấu mặt cắt ngang theo hướng mở rộng thêm dải dừng xe khẩn cấp để đáp ứng nhu cầu lưu thông và đảm bảo an toàn giao thông.
Bên cạnh việc mở rộng mặt đường, dự án còn thực hiện các nâng cấp đối với các công trình cầu đường trên tuyến. Các cầu đã được đầu tư với quy mô 4 làn xe trước đây sẽ được giữ nguyên, trong khi những cây cầu còn lại sẽ được mở rộng để đảm bảo quy mô phù hợp với mặt cắt ngang nền đường. Điều này giúp tăng cường năng lực vận hành của toàn tuyến, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về lưu lượng giao thông.
Dự án cũng bao gồm việc đầu tư hoàn chỉnh hai nút giao với Tỉnh lộ 16 và Tỉnh lộ 12B theo hình thức khác mức liên thông. Đây là giải pháp thiết yếu để đảm bảo an toàn giao thông và khai thác hiệu quả trên tuyến đường. Đồng thời, hệ thống giao thông thông minh, trạm thu phí, trạm kiểm tra tải trọng xe và trung tâm quản lý điều hành tuyến Cam Lộ - La Sơn sẽ được tích hợp trong dự án để đảm bảo khả năng giám sát và quản lý giao thông một cách hiệu quả.
Tổng diện tích đất chiếm dụng của dự án là khoảng 29,05 ha. Diện tích này bao gồm 0,57 ha đất giao thông, 1,65 ha đất thổ cư, 24,36 ha đất nông nghiệp và hoa màu, 0,11 ha đất nghĩa trang và 2,36 ha đất hỗn hợp dịch vụ công cộng và đất dự trữ phát triển.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là khoảng 6.488 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị chiếm 5.078 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 84 tỷ đồng, còn chi phí quản lý dự án, tư vấn và các chi phí khác là 406 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi phí dự phòng để đối phó với các biến động về giá cả là 920 tỷ đồng.
Về nguồn vốn đầu tư, Bộ GTVT đề xuất huy động từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 với tổng số vốn 5.488 tỷ đồng.
Số vốn này sẽ được lấy từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2023, đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 142/2024/QH15 vào ngày 29/6/2024. Phần còn lại, 1.000 tỷ đồng, sẽ được bố trí từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Nếu được Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền thông qua, dự án sẽ bắt đầu chuẩn bị đầu tư vào năm 2024 và cơ bản hoàn thành vào năm 2025.
Dự kiến, chủ trương đầu tư sẽ được phê duyệt vào tháng 10/2024, trong khi phê duyệt dự án đầu tư vào tháng 12/2024. Các thiết kế kỹ thuật và dự toán sẽ hoàn thành vào tháng 2/2025, và dự án sẽ được khởi công vào tháng 3/2025. Tuy nhiên, thời gian thực hiện có thể bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết, đặc biệt là mùa mưa lũ.
Kiều Linh