Một cổ phiếu chứng khoán bất ngờ nổi sóng với 3 phiên tăng kịch trần

11/01/2025 - 10:12
(Bankviet.com) Cổ phiếu APG tăng kịch trần ba phiên liên tiếp sau tin bổ nhiệm nhân sự mới "Gen Z" vào vị trí Trưởng ban Kiểm toán nội bộ. Dù vậy, cổ phiếu APG vẫn giảm sâu so với đỉnh lịch sử.

Hội đồng Quản trị Công ty CP Chứng khoán APG (HoSE: APG) vừa công bố quyết định miễn nhiệm bà Nguyễn Thị Phương khỏi vị trí Trưởng ban Kiểm toán nội bộ từ ngày 7/1/2025, sau khi bà có đơn từ nhiệm từ tháng 10/2024. Thay vào đó, bà Huỳnh Thị Mai Thy, sinh năm 1997, được bổ nhiệm vào vị trí này cùng ngày. Động thái này đánh dấu bước đi tiếp theo trong lộ trình tái cấu trúc toàn diện của APG.

Ngay sau thông tin bổ nhiệm, cổ phiếu APG trên sàn chứng khoán lập tức “nổi sóng” với ba phiên tăng kịch trần liên tiếp từ ngày 8 đến 10/1, chạm mốc 7.140 đồng/cp. Tính trong 5 phiên gần nhất, thị giá APG đã tăng hơn 9%. Dù vậy, mức giá hiện tại vẫn thấp hơn 41% so với đỉnh ngắn hạn 15.750 đồng/cp vào tháng 3/2024.

Diễn biến giá cổ phiếu APG
Diễn biến giá cổ phiếu APG

Trong một diễn biến khác, vào tháng 12/2024, APG đã thông qua việc chuyển trụ sở chính từ Hà Nội (tòa nhà Grand Building, 30-32 Hòa Mã) đến TP.HCM (tòa nhà văn phòng OSC Việt Nam, 161 Võ Văn Tần, Quận 3). Động thái này diễn ra sau khi APG thông báo đóng cửa chi nhánh TP. HCM và phòng giao dịch 132 Mai Hắc Đế, Hà Nội. Theo ban lãnh đạo APG, các diễn biến này nằm trong kế hoạch tái cấu trúc công ty. APG hiện chỉ còn 1 cơ sở hoạt động nằm tại trụ sở chính tại Hà Nội, và sắp tới là TP. HCM sau khi việc di dời trụ sở hoàn tất.

Cùng với đó, công ty đã thông qua kế hoạch vay 16 triệu SGD (khoảng 300 tỷ đồng) từ các công ty/quỹ đầu tư nước ngoài để bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh. Khoản vay có thời hạn 11 tháng 15 ngày, nằm trong chiến lược tái cơ cấu tài chính nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn.

Được biết, Chủ tịch Chứng khoán APG Nguyễn Hồ Hưng đã bán xong 5 triệu cổ phiếu APG trong thời gian từ ngày 1 - 4/10/2024, giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,27% còn 3,03% và không còn là cổ đông lớn. Ngoài ông Hưng, các nhân sự cấp cao khác của Chứng khoán APG như ông Trần Thiên Hà - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - người phụ trách quản trị công ty cũng đã bán bớt cổ phiếu APG.

Với việc giảm tỷ lệ sở hữu của ông Nguyễn Hồ Hưng, Chứng khoán APG không còn ghi nhận cổ đông lớn nào khác. Toàn bộ hơn 223 triệu cổ phiếu APG trên thị trường chứng khoán đều do các cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ. Ngoài ra, Chứng khoán APG cũng tiến hành “xả hàng” khi đăng ký bán bớt 1 triệu cổ phiếu LDP của Công ty CP Dược Lâm Đồng và 2 triệu cổ phiếu GKM của Công ty CP GKM Holdings.

Được biết, các động thái tái cơ cấu của công ty diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh kém tích cực khi ghi nhận lỗ ròng đến 148 tỷ đồng trong quý III/2024 vừa qua. Đây cũng là cái tên lỗ đậm nhất ngành chứng khoán trong quý này. Cụ thể trong quý III, Chứng khoán APG không hề ghi nhận lãi từ các tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ (FVTPL) trong khi lại lỗ từ hoạt động này hơn 160 tỷ đồng. Đây là nguyên do chính khiến công ty lỗ ròng. Lũy kế 9 tháng 2024, Chứng khoán APG lỗ sau thuế hơn 98 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 101 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý III/2024, tiền mặt của công ty giảm mạnh từ 122 tỷ đồng xuống còn 1,7 tỷ đồng, tương đương mức giảm gần 99%. Tuy nhiên, các khoản tương đương tiền và đầu tư giữ đến đáo hạn vẫn ghi nhận tổng cộng 413 tỷ đồng.

Loạt lãnh đạo Chứng khoán APG từ nhiệm trước thềm ĐHCĐ

Việc miễn nhiệm và bầu bổ sung HĐQT của APG sẽ được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 lần 2, dự kiến diễn ra ...

Làn sóng thoái vốn của các lãnh đạo Chứng khoán APG

Các lãnh đạo của Chứng khoán APG, bao gồm Chủ tịch Nguyễn Hồ Hưng và Tổng Giám đốc Trần Thiên Hà, đã liên tiếp bán ...

Chứng khoán APG đóng cửa toàn bộ chi nhánh và phòng giao dịch

APG đóng cửa chi nhánh TP.HCM và phòng giao dịch tại Hà Nội trong kế hoạch tái cấu trúc, tối ưu hóa hoạt động. Kết ...

Đức Anh

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán