Một doanh nghiệp "có tiếng" tại Bình Định đều đặn lãi hàng trăm tỷ mỗi năm
Dù nằm ngoài các trung tâm lớn như Hà Nội hay TP.HCM, một doanh nghiệp ở Bình Định vẫn ghi dấu ấn bằng lợi nhuận ổn định và mô hình quản trị hiệu quả.
Tăng trưởng đến từ đâu?
Trong khi nhiều doanh nghiệp lớn co hẹp sản xuất vì chi phí và lạm phát, một doanh nghiệp ở Bình Định – nơi không phải trung tâm kinh tế trọng điểm – lại báo lãi sau thuế lên tới hơn 376 tỷ đồng trong năm 2024. Điều gì giúp công ty CP Phú Tài (HOSE: PTB) làm được điều đó trong năm 2024?

Là một công ty có trụ sở tại tỉnh lẻ, Phú Tài bước vào năm 2024 với không ít thách thức: Suy giảm tiêu dùng toàn cầu, cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực, biến động tỷ giá và chi phí vận chuyển vẫn cao. Nhưng kết quả cuối năm cho thấy công ty không những “sống sót” mà còn lãi lớn. Doanh thu thuần đạt 6.466 tỷ đồng, tăng 15,1% so với 2023. Lợi nhuận sau thuế tăng tới 45%, đạt 376 tỷ đồng – vượt kế hoạch năm.
Sự hồi phục mạnh mẽ đến từ hai trụ cột: gỗ và đá, chiếm hơn 83% cơ cấu doanh thu. Trong đó, mảng gỗ tăng trưởng 30,3%, đạt 3.629 tỷ đồng bất chấp yêu cầu ngày càng khắt khe về xuất xứ gỗ từ Mỹ và EU. Để giữ đơn hàng, công ty nâng chất lượng sản phẩm, tối ưu chuỗi cung ứng và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Mảng đá tự nhiên và nhân tạo, dù giảm nhẹ doanh thu, vẫn giữ vai trò chiến lược. Lợi thế lớn nhất của Phú Tài là sở hữu mỏ đá riêng với trữ lượng hơn 53 triệu m³, thời gian khai thác hơn 20 năm. Đây là lợi thế dài hạn giúp công ty kiểm soát đầu vào và đảm bảo nguồn cung ổn định.
Ngoài ra, sự phục hồi của thị trường nhà ở tại Mỹ cũng giúp tiêu thụ nội thất gỗ tăng mạnh – một yếu tố Phú Tài tận dụng rất tốt.
Tiếp đà tăng trưởng, kết quả kinh doanh của Phú Tài trong quý 1/2025 tiếp tục ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực với doanh thu thuần hơn 1.620 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ. Mảng gỗ dẫn đầu với hơn 1.022 tỷ đồng, chiếm 64% tổng doanh thu; mảng đá đạt 382 tỷ đồng (24%). Dù quy mô nhỏ, doanh thu từ bất động sản đã bán tăng tới 178%, ô tô Toyota tăng 48%.
Kết quả sau cùng, lãi ròng công ty đạt hơn 113 tỷ đồng, tăng 27% – mức cao nhất kể từ quý 3/2022. Kết quả tích cực nhờ tiêu thụ tăng mạnh ở các mảng chủ lực, cùng với chi phí tài chính giảm 20% cùng với đó là lợi thế tỷ giá.
Tái cấu trúc thầm lặng, hiệu quả thực chất
Trong một thị trường biến động, khả năng kiểm soát tài chính nội bộ là yếu tố sống còn. Phú Tài duy trì cấu trúc tài chính lành mạnh với tỷ lệ nợ trên tổng tài sản giảm còn 44,75%, nợ trên vốn chủ sở hữu cũng giảm xuống 80,99%. Tiền mặt và tương đương tiền tăng gần 10%, trong khi hàng tồn kho giảm, vòng quay tài sản được cải thiện.
Công ty cũng tận dụng tốt yếu tố ngoại vi như giảm lãi suất, lãi tỷ giá tăng để cải thiện biên lợi nhuận ròng, ngay cả khi biên lợi nhuận gộp giảm từ 20,4% xuống 18,9% do chi phí nguyên vật liệu vẫn cao.
Trong năm, Phú Tài chuyển đổi một loạt chi nhánh thành công ty con TNHH MTV để tách biệt quản trị và tăng hiệu quả vận hành. Một số công ty con được giao quyền chủ động về tài chính và pháp lý, trong đó có cả công ty bất động sản mới thành lập (Phú Tài Diêu Trì). Chiến lược này cho phép PTB tập trung nguồn lực cho từng ngành, giảm phân tán vốn.
Không ồn ào với các thương vụ M&A hay các dự án hoành tráng, nhưng Phú Tài âm thầm củng cố nền tảng sản xuất – từ cải tiến quy trình nội bộ, giảm chi phí quản lý đến phát triển sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao.
Phú Tài không có vị trí địa lý đắc địa như các doanh nghiệp tại TP.HCM hay Hà Nội. Nhưng công ty chọn cách chơi khác: khai thác tài nguyên địa phương, chọn phân khúc có năng lực cạnh tranh nội tại, và đặc biệt là kiểm soát vận hành chặt chẽ.
Chính điều đó lý giải vì sao trong cùng một môi trường kinh tế cạnh tranh, họ vẫn báo lãi lớn trong các năm vừa qua.