Trong hồ sơ pháp lý, BlockFi cho biết họ có hơn 100.000 chủ nợ, với nợ phải trả và tài sản từ 1 tỷ USD cho tới 10 tỷ USD. Giống như FTX, BlockFi cũng có một công ty con ở Bahamas. Công ty này cũng đã nộp đơn phá sản ở Bahamas cùng lúc với công ty ở Mỹ.
BlockFi nằm trong số các công ty tiền ảo chịu nhiều tác động từ sự sụp đổ của FTX |
Hồ sơ phá sản của BlockFi cho thấy khách hàng lớn nhất của Công ty này có số dư gần 28 triệu USD.
BlockFi là cái tên mới nhất gia nhập danh sách dài các công ty tiền mã hóa đã sụp đổ và phải đệ đơn phá sản theo Chương 11 lên tòa án Mỹ trong năm 2022 này bao gồm Three Arrows Capital, Voyager, Celsius cùng bộ đôi FTX/Alameda Research.
Trước đó, BlockFi đã lộ dấu hiệu gặp khó khăn sau khi quỹ Three Arrows Capital sụp đổ vào giữa năm nay. Công ty sau đó đã phải vay đến 400 triệu USD khẩn cấp từ FTX.
Sau khi FTX vỡ nợ vào đầu tháng 11, BlockFi đã nhanh chóng chặn người dùng rút tiền mà không đưa ra được lý do xác đáng.
Trong báo cáo tình hình hoạt động Q2/2022, BlockFi cho biết vẫn quản lý khối tài sản 3,9 tỷ USD, nhưng đã cho vay ra bên ngoài đến 1,8 tỷ USD trong đó có 600 triệu USD là các khoản vay không được thế chấp.
Cũng theo Decrypt, cùng với thông báo phá sản, BlockFi sẽ sa thải một lượng lớn nhân viên nhằm cắt giảm chi phí hoạt động. Trước đó, vào tháng 6, công ty đã chia tay đến 20% tổng lượng nhân lực 850 người “vì tình hình thị trường khó khăn”.
BlockFi nằm trong số các công ty tiền ảo chịu nhiều tác động từ sự sụp đổ của FTX. Vào tháng 7, FTX ra tay giúp BlockFi thoát cảnh phá sản bằng cách cấp hạn mức tín dụng 400 triệu USD và quyền chọn mua lại BlockFi. Tuy nhiên, sau đó FTX và 130 công ty liên quan đã nộp đơn phá sản ở Mỹ vào ngày 11/11/2022 và gây chấn động khắp lĩnh vực tiền ảo.
Đức Chiến