Theo ông Nguyễn Dương Trung Hiếu, kế hoạch mua lại khách sạn 4 sao Iris Cần Thơ để phục vụ cho hệ sinh thái nội địa mà VTD đã và đang chú trọng phát triển đã được Đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 18/2/2024 thông qua. Theo đó, VTD quyết định mua lại khách sạn 4 sao này đặt tại TP. Cần Thơ, thủ phủ miền Tây Nam bộ để đầu tư tài sản phục vụ hệ sinh thái du lịch, các tuyến tour mà công ty đang khai thác tại Miền Tây.
Khách sạn có diện tích xây dựng 670,6m2, diện tích sử dụng hơn 8.200m2 gồm 01 tầng hầm, 01 trệt, 10 tầng lầu có các tiện ích phức hợp: phòng nghỉ, café, massage, karaoke, hồ bơi… nằm trên đường 30/4 (TP. Cần Thơ) định giá 274 tỉ đồng, được mua lại với giá 254 tỉ đồng. Nguồn vốn đầu tư đến từ vốn vay ngân hàng và các tổ chức cá nhân khác. Hiện VTD đang hoàn tất thủ tục vay ngân hàng và sẽ đưa khách sạn vào khai tháng dự kiến trong tháng 4.2024.
Khách sạn 4 sao Iris Cần Thơ được VTD mua lại để làm tài sản đầu tư phục vụ du khách |
Ông Hiếu chia sẻ thêm, ngay từ sau đại dịch Covid-19, VTD quyết định tập trung chú trọng đẩy mạnh phát triển tour du lịch nội địa bên cạnh việc duy trì sản phẩm du lịch nước ngoài vốn đã là thế mạnh của doanh nghiệp. “Yếu tố cấu thành tour và giá tour du lịch sẽ bao gồm vận chuyển, lưu trú, ăn uống và điểm tham quan. Chính vì thế, chúng tôi quyết định đầu tư xây dựng hệ sinh thái tốt để có được giá code (giá gốc - PV). Khi đó doanh nghiệp sẽ kiểm soát được giá đầu vào còn khách hàng chỉ phải bỏ ra mức chi phí thấp nhất có thể nhưng được sử dụng dịch vụ cao nhất có thể”, ông Hiếu nói.
Để thực hiện được mục đích này, theo Tổng giám đốc Vietourist Holdings, trong suốt thời gian qua VTD đã không ngừng đầu tư, mua mới hàng chục phương tiện vận chuyển loại từ 16 đến 45 chỗ; thuê kinh doanh khách sạn, nhà hàng ở những thành phố phát triển du lịch như Phan Thiết, Đà Lạt… và quyết định đầu tư “khủng” vào khách sạn ở quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ để tiếp tục đa dạng hơn trong hệ sinh thái du lịch mà doanh nghiệp này đang hoạt động.
Trước khi đi tới quyết định “táo bạo” này, VTD đã rất thành công khi triển khai hệ sinh thái du lịch ở Phan Thiết, Đà Lạt và nhận thấy tiềm năng ở miền Tây, trong đó Cần Thơ là trung tâm, cũng thu hút du khách. “Việc thử nghiệm các tour miền Tây trong năm 2023 cho phản hồi tốt, trong đó tuyến miền Tây 4 ngày 3 đêm đạt lượng khách khả quan và cho thấy còn tiềm năng. Đây là cơ sở để Công ty quyết định đầu tư”.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên hãng lữ hành có gần 15 năm hoạt động trình cổ đông kế hoạch lấn sân đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng. Vietourist Holdings từng lên kế hoạch sở hữu Đoàn Gia Resort 3 sao với diện tích 1,3 ha tại Quảng Bình thông qua mua 100% vốn góp Công ty TNHH Đầu tư Đoàn Gia QB, với giá gần 150 tỷ đồng nhưng kế hoạch trên đã dừng lại do “thời điểm hiện tại chưa phù hợp”.
Công ty này cũng chi gần 11 tỷ đồng đặt cọc giữ chỗ mua 5 căn khách sạn nhỏ tại Dự án Khu đầu tư – Du lịch Quốc tế Regal Legend Quảng Bình. Ngoài phần đặt cọc, số tiền cần bổ sung để hoàn tất mua là 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, VTD đã quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư này, với mức đầu tư tối đa chỉ 45 tỷ đồng và số lượng là 3 căn.
Trước đó, Vietourist Holdings còn có tham vọng mua lại Công viên Văn hóa Đồng Xanh (13 ha) và khách sạn Tre Xanh thuộc tài sản của Công ty Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên (mã CTC - HNX) – là công ty liên kết do Vietourist Holdings sở hữu 22,6% vốn. Vietourist Holdings cũng đang thuê khách sạn này để kinh doanh những năm qua. “Doanh nghiệp tự tin đáp ứng công suất phòng vì tới thời điểm hiện tại, lượng khách mua tour của VTD đã đạt khoảng 80% kế hoạch và dự kiến sẽ tăng khoảng 20% mục tiêu đề ra”, ông Hiếu khẳng định.
Được biết, VTD vừa có thông báo ngày đăng ký lập danh sách cổ đông để tham dự ĐHĐCĐ năm 2024. Cụ thể, ngày đăng ký cuối cùng là ngày 10/3, thời gian họp dự kiến 06/4/2024. Nội dung họp Thông qua tờ trình quyết toán và phê duyệt phương án chi trả thù lao HĐQT và BKS năm 2023; thông qua tờ trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2023…
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của VTD đạt 167,3 tỉ đồng, giảm nhẹ 3,4% so với năm trước. Song các loại chi phí đều tăng mạnh khiến lợi nhuận sau thuế của VTD chỉ hơn 2,1 tỉ đồng so với hơn 10,7 tỉ đồng đạt được cùng kỳ năm 2022 (giảm 80%).
Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất do VTD công bố |
Về phương án và kế hoạch kinh doanh năm 2024, Ban lãnh đạo VTD cho biết sẽ tiếp tục phát triển tuyến tour nội địa, khắc phục vấn đề vé máy bay nước ngoài, tìm hãng hàng không mới và khôi phục phát triển các tuyến tour Châu Âu, Mỹ, Canada…nhằm mang lại lợi nhuận cho công ty. VTD cũng đặt mục tiêu, dự kiến doanh thu đạt được năm 2024 là 350 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 10 tỉ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VTD vẫn đang trong giai đoạn tích lũy dài hạn tại vùng đáy 7.000đ – 9.000đ/CP. Kết phiên ngày 14/3/2024, cổ phiếu dừng ở mức tham chiếu với giá 7.900đ/CP.
CHÍ KIÊN