Báo cáo tại đại hội cho thấy, vượt qua những thử thách của thị trường, năm 2020 được đánh giá là năm thành công của MSB khi các chỉ số tài chính đều ghi nhận tăng trưởng tốt.
Theo đó, tổng tài sản của ngân hàng đạt gần 176.700 tỷ đồng, tăng 12,56% so với năm 2019 và hoàn thành 103,94% so với kế hoạch đặt ra.
Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.500 tỷ đồng, tăng hơn 96% so với năm 2019 và bằng 175% kế hoạch năm.
Dư nợ tín dụng tăng gần 24,76% đạt 79.300 tỷ đồng, tiền gửi của khách hàng và phát hành các giấy tờ có giá đạt hơn 99.200 tỷ đồng - tăng 10,4% so với đầu năm và vượt kế hoạch mục tiêu.
Bên cạnh đó, thu nhập từ hoạt động dịch vụ cũng ghi nhận mức tăng 57,14% so với năm 2019, đạt 820,67 tỷ đồng. Tỷ trọng thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập đạt mức cao 33%.
Kết thúc năm tài chính 2020, tỷ trọng CASA trên tổng tiền gửi của mảng ngân hàng đạt 29%, đưa MSB nằm trong top 5 ngân hàng có tỷ trọng CASA cao nhất hệ thống. Đây là cơ sở để tối ưu hóa nguồn vốn, đưa biên lợi nhuận thuần (NIM) năm 2020 đạt mức 3,4%. Bên cạnh đó, bằng các hình thức tiết giảm chi phí linh hoạt, chỉ số CIR năm 2020 giảm hơn 10% so với năm 2019.
Đặc biệt, năm 2020 cũng đánh dấu 2 điểm sáng trong hoạt động của MSB khi tất toán toàn bộ trái phiếu đặc biệt VAMC vào cuối quý III/2020 và niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE, cổ phiếu MSB được đưa vào giao dịch chính thức kể từ ngày 23/12/2020.
Từ những kết quả khả quan đã đạt được cùng tiềm lực sẵn có, Hội đồng quản trị MSB đã trình ĐHĐCĐ phương án kinh doanh năm 2021 với các chỉ số quan trọng này đều nhận được sự đồng thuận từ đa số cổ đông. Cụ thể, MSB đặt kế hoạch tổng tài sản năm 2021 đạt 190.000 tỷ, tăng 8% so với năm 2020; tăng trưởng tín dụng tùy theo hạn mức được NHNN cho phép theo chính sách điều hành từng thời kỳ; lợi nhuận trước thuế tăng 30%, dự kiến 3.280 tỷ đồng; tỷ lệ chi lợi tức cổ phần cho năm 2021 không thấp hơn 15%.
Ngoài ra, các chỉ số liên quan tới hoạt động an toàn và lành mạnh như: Tỷ lệ nợ xấu, hệ số CAR vẫn được MSB chú trọng cải thiện, cam kết đảm bảo tuân thủ theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
ĐHĐCĐ cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ của ngân hàng từ nguồn trả cổ tức năm 2020 theo tỷ lệ 30% bằng cổ phiếu. Dự kiến, sau khi hoàn thành kế hoạch, vốn điều lệ của MSB sẽ đạt 15.221 tỷ đồng.
Với kế hoạch tăng vốn trong năm 2021, đại diện của MSB cho biết, bên cạnh việc luân chuyển nguồn vốn của ngân hàng nhằm bổ sung vào nguồn vốn trung dài hạn, việc MSB chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ đảm bảo và hỗ trợ tốt cho các chỉ tiêu an toàn tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế như Basel II và đang hướng tới Basel III.
Thời gian tới, MSB tiếp tục đầu tư trọng điểm cho các dự án chuyển đổi số, nhằm ứng biến linh hoạt trong thời điểm dịch bệnh, đồng thời hỗ trợ khách hàng thực hiện giao dịch an toàn, hiệu quả và miễn phí. Tiêu biểu, MSB sẽ mở rộng và nâng cao tính năng eKYC, áp dụng cho cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Dự án ngân hàng thuần số TNEX cũng đang trên lộ trình thiết kế 22 tính năng hoàn toàn mới, lần đầu ra mắt thị trường, hứa hẹn làm hài lòng khách hàng hơn nữa.
Theo xu hướng chuyển đổi số, 2021 là năm bản lề để MSB thúc đẩy văn hóa này trong môi trường nội bộ thông qua dự án trọng điểm “Digital Factory”. Đây là chiến lược cần thiết của MSB nhằm chuyển dịch những quy trình, công việc mang tính thủ công, giấy tờ sang hành trình số hóa trọn vẹn, từ đó đưa phương thức “làm việc số” trở thành DNA của ngân hàng.
Phan Huyền
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Link gốc)