Doanh nghiệp kêu "khó"
Từ cuối năm 2022 đến nay, mặt bằng giá cổ phiếu ở mức thấp so với vài năm trước, nhưng thị trường chứng khoán có diễn biến đi ngang, cơ hội đầu tư ngắn hạn không nhiều. Từ đó, không ít nhà đầu tư cá nhân đã chú trọng các cơ hội đầu tư an toàn trong trung và dài hạn, nhất là cổ phiếu của những doanh nghiệp có lịch sử chi trả cổ tức ở mức cao.
Do đó, mùa đại hội cổ đông cũng là mùa ngóng chờ được chia cổ tức, nhà đầu tư sẽ vui mừng khi nhận được khoản tiền lớn, nhưng không phải ai cũng nhận được tin vui. Không ít nhà đầu tư “mắc kẹt” với cổ phiếu của doanh nghiệp có kết quả kinh doanh sa sút, không đủ khả năng trả cổ tức như kế hoạch, khiến giá cổ phiếu giảm.
Chịu ảnh hưởng trực tiếp do khủng hoảng thị trường bất động sản, nhóm ngành xây dựng và vật liệu xây dựng trải qua một năm tồi tệ và dự kiến không chia cổ tức bằng tiền như Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Hoa Sen, Thép Nam Kim, Tổng công ty Thép Việt Nam,…
Mặc dù, năm 2022 Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vẫn có lợi nhuận 8.444 tỷ đồng và năm ngoái vẫn trả cổ tức tới 35% (5% tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu), nhưng Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Đình Long, cho biết doanh nghiệp muốn dồn nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 2.
Dù vậy theo giới quan sát một phần quyết định không chia cổ tức là cũng đến từ tình hình kinh doanh của Hòa Phát sụt giảm trong năm 2022, lợi nhuận sau thuế chỉ bằng 24% mức thực hiện năm 2021, nếu doanh nghiệp quyết định chia cổ tức thì ngân sách để đầu tư cho dự án sẽ ít đi.
Sau một năm lợi nhuận giảm mạnh và chỉ hoàn thành 19,3% kế hoạch lợi nhuận năm 2022, Công ty cổ phần SAM Holdings (SAM) cũng không trả cổ tức năm 2022. Trong năm 2022, SAM Holdings ghi nhận doanh thu đạt hơn 2.109 tỉ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế là 7,15 tỷ đồng, giảm 95,5% so với cùng kỳ. Chi phí tài chính tăng đột biến dẫn tới lợi nhuận của SAM Holdings giảm mạnh trong năm vừa qua. Như vậy từ năm 2015 tới nay, SAM Holdings liên tục không trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.
Sam Holdings, Xây dựng Coteccons, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (Becamex) cũng đều đề xuất không chia cổ tức năm 2022. Đây là năm đầu tiên, Becamex không trả cổ tức kể từ khi niêm yết năm 2010.
Trong lĩnh vực sản xuất, Tập đoàn Dabaco (DBC) cũng khiến cổ đông ít nhiều hụt hẫng vì năm ngoái vừa chi trả cổ tức tỷ lệ 50% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền, năm nay thì không có cả cổ phiếu lẫn tiền.
Năm 2022, “ông lớn” ngành chăn nuôi phía Bắc này bị lỗ ròng 79 tỷ đồng vào quí IV và chỉ có lãi được 5,2 tỷ đồng cả năm (giảm 99% so với năm 2021) mặc dù doanh thu đạt tới 11.687 tỷ đồng. Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023 hôm 22/4, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch DBC, cho biết doanh nghiệp vừa trải qua một năm khó khăn, đen đủi vì dịch tả lợn châu Phi và khó khăn chung khiến sức mua sản phẩm bị giảm 65%, lợn chết hàng loạt, các dự án đầu tư đều gặp vướng mắc…
Không khó cũng không chia
Một số doanh nghiệp khác dù năm vừa qua kết quả kinh doanh vượt bậc nhưng cũng không chia cổ tức. Đơn cử như Công ty cổ phần Tập đoàn PAN với lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 đạt 794 tỉ đồng, tăng 51% so với năm 2021. Kết quả này cũng vượt kế hoạch lợi nhuận đã được thông qua. Việc lợi nhuận tăng trưởng tốt nhưng PAN vẫn quyết định không chia cổ tức khiến một số cổ đông hụt hẫng. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp PAN không chia cổ tức.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT của PAN, cho biết việc không chia cổ tức nhằm để dành nguồn lực cho các hoạt động cân đối nguồn vốn và đầu tư phát triển. Mặc dù có lợi nhuận cao nhưng công ty chưa có dòng tiền tốt nên chưa thể chia cổ tức.
Tương tự, Công ty cổ phần Công nghệ Mạng và Truyền thông (CMT) cũng tiếp tục không chia cổ tức của năm 2022 dù vẫn lãi sau thuế gần 21,5 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ hai CMT không chia cổ tức.
Trong khi đó, tại ĐHCĐ thường niên 2023 của Công ty cổ phần Transimex (HOSE: TMS) vào cuối tháng 4 vừa qua, đối với cổ tức năm 2022, TMS sẽ trả bằng cổ phiếu tỷ lệ 30%. Số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là 36,5 triệu đơn vị. Trong khi kết quả kinh doanh năm 2022, doanh thu và lợi nhuận ròng của TMS đạt lần lượt là 3.648 tỷ đồng và 774 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 55% so với kế hoạch đề ra.
Trả lời đề nghị của cổ đông được chia cổ tức bằng tiền mặt tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Transimex, ông Bùi Tuấn Ngọc chia sẻ rằng ai cũng muốn chia cổ tức bằng tiền mặt cả, các cổ đông lớn như ông cũng muốn, vì “chia cổ tức bằng cổ phiếu hoài cũng khổ chứ”.
“Hai năm nay chúng ta xin phép phát hành trái phiếu không được, chúng ta muốn đầu tư có tiền nhưng không muốn vay, chúng ta muốn vay nhưng chia cổ tức bằng tiền mặt nhiều quá. Chúng tôi đứng giữa ngã ba đường”, ông Ngọc nói, và cho rằng: “Nếu có đủ tiền mặt thì chia bằng tiền mặt, nếu trong dòng tiền không cần phải đầu tư, không cần phải trả ngân hàng, có doanh thu lợi nhuận thì trả ngay”.
Lãnh đạo các doanh nghiệp luôn an ủi các nhà đầu tư rằng họ cũng là cổ đông lớn nhất, nếu được chia cổ tức tiền mặt thì họ cũng là người nhận nhiều hơn. Không chia cổ tức thì tiền để lại cũng là tài sản công ty, là quyền lợi chung của tất cả cổ đông.
Giải thích của lãnh đạo các doanh nghiệp được đánh giá rằng khá hợp lý trong tình cảnh sản xuất và kinh doanh gặp khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, việc trông chờ vào cổ tức sẽ giúp an ủi phần nào các nhà đầu tư cá nhân trong thời gian qua, họ cho rằng các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ có thể không chia cổ tức nhưng các công ty đã đạt kết quả kinh doanh tốt mà vẫn không chia cổ tức sẽ khiến cổ đông hụt hẫng.
Lịch chốt quyền trả cổ tức bằng tiền các doanh nghiệp cuối tháng 5 Tháng 5 và đầu tháng 6 này, thêm 11 doanh nghiệp sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức tiền mặt các đợt năm ... |
Xây lắp Thừa Thiên Huế (HUB) sắp phát hành 3,4 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2022 Trong năm 2023, Xây lắp Thừa Thiên Huế đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 500 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ ... |
Nông nghiệp BAF lên kế hoạch cổ tức 17% bằng cổ phiếu, muốn huy động 684 tỷ đồng từ cổ đông Trong tài liệu bổ sung cho ĐHĐCĐ thường niên 2023, Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam đã bổ sung kế hoạch cổ tức ... |
Nhật Hải