PV: Thưa ông, với việc Mỹ sẽ áp thuế 25% đối với toàn bộ mặt hàng nhôm, thép nhập khẩu, các nước xuất khẩu thép và nhôm lớn như Canada, Brazil, Mexico và EU sẽ phản ứng ra sao?
Ông Phạm Hồng Trường: Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm, nhưng sau đó miễn thuế hoặc cấp hạn ngạch miễn thuế cho một số đối tác thương mại như Canada, Mexico, Brazil hay Hàn Quốc. Chinh vì vậy, đây sẽ là các quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của sắc lệnh thuế lần này do đang có thị phần nhập khẩu nhôm, thép hàng đầu vào Mỹ.
![]() |
Ông Phạm Hồng Trường - Chuyên gia phân tích ABS Research |
Danh sách một số nước đang được miễn thuế/hưởng hạn ngạch thuế quan vào Mỹ:
Loại miễn thuế/hưởng hạn ngạch thuế quan vào Mỹ | Quốc gia | Ghi chú |
Miễn thuế dưới thời Trump 1.0 | Canada và Mexico | Miễn thuế vào năm 2019 sau thỏa thuận USMCA |
Brazil và Hàn Quốc | Hưởng hạn ngạch thuế với thép, không có hạn ngạch với nhôm | |
Hưởng hạn ngạch thuế quan dưới thời Trump 1.0 | Argentina | Hưởng hạn ngạch thuế đối với cả thép và nhôm |
EU | Ban đầu bị áp thuế, sau đó đạt thỏa thuận miễn thuế có điều kiện năm 2021 | |
Miễn trừ hoặc hưởng hạn ngạch dưới thời Tổng thống Biden | Nhật Bản | Không được miễn trừ vào năm 2018 |
Nhật Bản | Năm 2022 Mỹ áp dụng hạn ngạch thuế đối với thép Nhật Bản |
Nguồn: ABS Research tổng hợp
Về phản ứng của các nước xuất khẩu lớn nhôm và thép vào Mỹ, nhìn chung các quốc gia bị ảnh hưởng dự kiến sẽ tìm cách bảo vệ lợi ích kinh tế của họ thông qua các biện pháp trả đũa thương mại hoặc đàm phán song phương hay tìm kiếm giải pháp thông qua các tổ chức quốc tế như WTO.
Canada là đối tác có thặng dư thương mại lớn nhất và cũng là nhà cung cấp thép và nhôm hàng đầu cho Mỹ, có thể đưa ra những phản ứng mạnh mẽ với quyết định này. Bộ trưởng Đổi mới Sáng tạo Canada, François-Philippe Champagne, đã nhấn mạnh rằng thép và nhôm của Canada hỗ trợ các ngành công nghiệp quan trọng tại Mỹ, bao gồm quốc phòng, đóng tàu và ô tô. Trước đó, vào tháng 1/2025, Canada đã cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp thuế quan trả đũa tương ứng đối với các sản phẩm của Mỹ, như thép và nước cam, nếu Tổng thống Trump tiến hành kế hoạch áp thuế 25% lên hàng nhập khẩu từ Canada. Hiện tại, Canada đang theo dõi sát sao tình hình và có thể sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa nếu mức thuế mới được thực thi.
Về phía Mexico, quốc gia này dự kiến sẽ có cách tiếp cận mềm mỏng hơn, tập trung vào quan hệ đối tác trong các cuộc đàm phán với ông Trump và thể hiện thiện chí bằng cách không đưa ra những biện pháp trả đũa ngay lập tức. Chính quyền Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum đã chuẩn bị cho khả năng đắc cử của ông Trump từ giữa năm 2024. Mexico là quốc gia có tổng giá trị hàng hóa nhôm và thép xuất khẩu vào Mỹ chỉ xếp sau Canada.
Liên minh châu Âu (EU) cũng đã sẵn sàng “nghênh chiến” khi nhận được thông báo chính thức của Mỹ. EU từng đối đầu với Mỹ về thuế thép và nhôm từ năm 2018 khi chính quyền Trump áp thuế lên gần 7 tỷ USD hàng xuất khẩu của châu Âu, viện dẫn lý do an ninh quốc gia. Đáp lại, EU đã đánh thuế lên các sản phẩm mang tính biểu tượng của Mỹ như xe mô tô Harley-Davidson và quần jeans Levi Strauss. Năm 2021, hai bên đạt được thỏa thuận tạm thời, theo đó Mỹ gỡ bỏ một phần thuế và áp hạn ngạch thuế quan, trong khi EU tạm dừng các biện pháp đáp trả. EU nhấn mạnh rằng "việc áp thuế là bất hợp pháp và gây tổn hại kinh tế", dự kiến có thể đưa ra các biện pháp như áp đặt các biện pháp trả đũa đối với hàng hóa Mỹ và khiếu nại vụ việc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Một số các quốc gia khác cũng đang gấp rút phản ứng với chính sách mới này. Thủ tướng Úc Anthony Albanese lên tiếng thuyết phục rằng xuất khẩu nhôm, thép của Canberra giúp tạo việc làm ở Mỹ. Tại châu Á, Bộ Công nghiệp thương mại và năng lượng Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với các giám đốc điều hành ngành thép trong để bàn cách phản ứng. Trong khi đó Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira nói nước này sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Mỹ để giảm thặng dư thương mại. Trong tuần này, Thủ tướng Ấn Độ Modi Narendra sẽ có mặt tại Washington cùng với các nhượng bộ thuế để thúc đẩy hàng xuất khẩu vào Mỹ và tránh chiến tranh thương mại.
PV: Việc áp thuế này có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng thép và nhôm toàn cầu thế nào? Liệu có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến thương mại mới không, thưa ông?
Ông Phạm Hồng Trường: Việc Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế 25% với nhôm, thép nhập khẩu vào Mỹ có thể gây ra những gián đoạn đáng kể trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi gây ra một số tác động như: làm tăng chi phí sản xuất khi các nhà sản xuất tại Mỹ phụ thuộc vào thép và nhôm nhập khẩu sẽ phải đối mặt với chi phí nguyên liệu tăng cao, dẫn đến giá thành sản phẩm cuối cùng tăng, làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Các quốc gia xuất khẩu nhôm, thép lớn vào Mỹ như Canada, Brazil, Mexico có thể sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp khi phải tìm kiếm thị trường mới hoặc điều chỉnh sản lượng để thích ứng với nhu cầu giảm từ Mỹ, theo đó làm thay đổi dòng chảy thương mại quốc tế.
Nếu hàng xuất khẩu bị đình trệ, nguồn cung dư thừa có thể tác làm giảm giá thép và nhôm xuống thấp trên thị trường quốc tế, gây áp lực lên các nhà sản xuất. Các nhà kinh tế và đối tác thương mại của Mỹ cũng cho rằng thuế quan mới có thể vi phạm các quy tắc thương mại toàn cầu và ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các quốc gia bị ảnh hưởng bởi việc áp thuế này có thể sẽ đưa ra các biện pháp trả đũa lên hàng hóa Mỹ như cách thức trước đây Trung Quốc, EU hay cả Canada đã từng áp dụng. Ngoài ra, các chính sách đối đầu có thể có nguy cơ lan rộng sang các ngành khác, bên cạnh nhôm, thép như ô tô, công nghệ, nông nghiệp. Mức thuế 25% của Mỹ có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại mới, ảnh hưởng đến thị trường tài chính và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
PV: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, liệu quyết định này của Mỹ sẽ ảnh hưởng thế nào đến tăng trưởng kinh tế và thương mại quốc tế?
Ông Phạm Hồng Trường: Như đã đề cập ở trên, kinh tế toàn cầu có thể chịu ảnh hưởng xấu của các chính sách thuế quan mà Mỹ áp dụng. Căng thẳng thương mại kéo dài có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu từ 0,5 – 1% theo ước tính của IMF, gián đoạn thương mại và đầu tư bị suy giảm. Giá thép và nhôm gia tăng có thể dẫn đến chi phí sản xuất cao hơn của các ngành công nghiệp ô tô, hàng không, điện tử, xây dựng tại Mỹ, gây ra áp lực lớn lên lạm phát, FED sẽ khó giảm mức lãi suất cao theo lộ trình kỳ vọng.
Trong khi thuế thép và nhôm năm 2018 chủ yếu nhắm vào nguyên liệu thô, thì lần này các sản phẩm như tấm nhôm và thép cán sẽ bị ảnh hưởng, làm gia tăng chi phí sản xuất. Công cụ thuế đã được ông Trump sử dụng để áp lên thép và nhôm vào năm 2018 trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Tuy nhiên, tác động kinh tế của các biện pháp này không hoàn toàn tích cực. Sau khi Trump áp thuế thép và nhôm vào năm 2018 và phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, nền kinh tế Mỹ đã mất việc làm trong lĩnh vực sản xuất vào năm 2019, với sản lượng công nghiệp sụt giảm.
Đối với thương mại quốc tế, Mỹ là một trong những thị trường nhập khẩu thép và nhôm lớn nhất thế giới. Nếu thuế cao làm giảm nhu cầu nhập khẩu, các nước xuất khẩu sẽ phải điều chỉnh thị trường, ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại làm sụt giảm kim ngạch thương mại toàn cầu. WTO có thể đối mặt với nhiều tranh chấp thương mại hơn, gây thêm bất ổn cho hệ thống thương mại toàn cầu. Ngoài ra, xu hướng bảo hộ thương mại sẽ có nguy cơ gia tăng giữa các quốc gia trên thế giới. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị thay đổi khi các doanh nghiệp phải tìm nguồn cung thay thế, dòng vốn đầu tư dịch chuyển ra khỏi các quốc gia bị ảnh hưởng để tránh bị đánh thuế.
PV: Các doanh nghiệp thép và nhôm của Việt Nam có thể chịu tác động gì từ chính sách thuế này? Liệu có cơ hội nào để tận dụng hay không, thưa ông?
Ông Phạm Hồng Trường: Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia xuất khẩu thép lớn nhất vào Mỹ, theo số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, năm 2024, giá trị xuất khẩu của ngành thép Việt Nam đạt khoảng 1,7 tỷ USD, chiếm 1,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang nước này. Hiện tại các sản phẩm thép của Việt Nam đang chịu mức thuế khoảng 10 – 25% khi xuất sang thị trường Mỹ và các chính sách bảo hộ thương mại là không mới, đã xuất hiện ngay trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donlad Trump.
Tỷ trọng thị trường Mỹ trong cơ cấu xuất khẩu thép của Việt Nam là 13%, xếp sau ASEAN (26%) và EU 23%. Theo đó, các chính sách thuế áp dụng lên sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam có thể tác động đến lợi nhuận các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ lớn như nhóm tôn mạ, điển hình là GDA xuất khẩu sang Mỹ chiếm chiếm khoảng 35%, NKG chiếm khoảng 25% hay HSG 15%.
Còn HPG có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ thấp (dưới 5%) sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp ở mức thấp và chủ yếu chịu tác động gián tiếp khi là đơn vị cung cấp nguyên liệu đầu vào thép cuộn cán nóng (HRC) cho các doanh nghiệp tôn mạ. Chúng tôi cho rằng, các rào cản thuế quan này là không mới, thị trường Mỹ không phải thị trường quá lớn như ASEAN và EU với ngành thép Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước đã có kinh nghiệm và chủ động trong việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Chúng tôi đánh giá tác động của các chính sách này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường trong ngắn hạn, tạo cơ hội đầu tư với tầm nhìn dài hạn khi giá cổ phiếu về mức chiết khấu hấp dẫn.
Với sản phẩm nhôm, hiện không có công ty niêm yết nào xuất khẩu nhôm sang Mỹ. Tuy nhiên, khi mức thuế với các sản phẩm nhôm xuất khẩu sang Mỹ tăng lên mức 25% (cao hơn đáng kể so với mức thuế suất 10% hiện tại), và mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ chịu thêm 10% thuế bổ sung thì có thể xuất hiện rủi ro các doanh nghiệp Việt Nam bị cáo buộc gian lận nguồn gốc xuất xứ khi có thêm nhiều doanh nghiệp nhôm Trung Quốc tìm cách vào Việt Nam thông qua nhiều hình thức để xuất hàng sang Mỹ.
PV: Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!
![]() | Xuất nhập khẩu Việt Nam tiến sát mốc lịch sử 800 tỷ USD Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 của Việt Nam đánh dấu kỷ lục mới và tiến sát mốc lịch sử 800 tỷ USD. Xuất ... |
![]() | Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2024 cán mốc kỷ lục Năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, với mức tăng trưởng 15,4% so với năm ... |
Thu Hà