Theo Bộ Tài chính Mỹ, tất cả các giao dịch liên quan đến năng lượng bị cấm theo Sắc lệnh 14024 liên quan đến một hoặc nhiều thực thể được chỉ định, đều được phép tiến hành giao dịch cho đến ngày 1/11/2024. Bao gồm các ngân hàng Otkritie, Sovcombank , Sberbank, VTB, Alfa-Bank, Rosbank, Zenit, Ngân hàng St. Petersburg, cũng như Ngân hàng Trung ương Nga.
Được biết, các giao dịch liên quan đến năng lượng sẽ là những giao dịch liên quan trực tiếp đến việc sản xuất, mua, vận chuyển, chế biến, dầu, uranium, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và các nguồn năng lượng khác.
Mỹ nhiều lần giải thích, mục đích của các biện pháp hạn chế được đưa ra là nhằm hạn chế nguồn thu nhập từ việc bán nguyên liệu thô của Nga, nhưng đồng thời tránh thiệt hại cho bức tranh năng lượng chung của thế giới.
Mỹ dỡ bỏ một số lệnh cấm và cho phép giao dịch với các ngân hàng của Nga để thanh toán trong lĩnh vực năng lượng cho đến tháng 11/2024. Ảnh: AP |
Nhà kinh tế học người Nga Anton Lyubich cho rằng: “Các biện pháp trừng phạt hiện tại là một công cụ thuần túy mang tính chính trị. Các hạn chế được đưa ra dựa trên một số biện pháp nhất định sẽ gây ảnh hưởng đến dư luận ở các nước phương Tây. Thường thì việc các hạn chế được thực hiện mà không có hoặc có rất ít sự tham khảo ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp hoặc những người hành nghề và chuyên gia có liên quan”.
Ông Igor Yushkov, chuyên gia tại Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Nga và Quỹ An ninh năng lượng quốc gia nhắc lại, vào tháng 4/2022, Mỹ đã đưa ra lệnh cấm xuất khẩu dầu, sản phẩm dầu mỏ, than và khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, thỉnh thoảng Washington vẫn “mở cửa”. Điều này chủ yếu xảy ra vào thời điểm thị trường “nóng”.
Tuy nhiên, nhà phân tích chính trị Nga Dmitry Drobnitsky không loại trừ tình hình hiện tại có thể liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Mỹ.
“Gần như toàn bộ lĩnh vực năng lượng nằm dưới sự bảo trợ của những người không ủng hộ đảng cầm quyền. Họ quan tâm đến việc cắt đứt dòng tài chính chảy vào đối thủ. Và nếu để đạt được mục tiêu, cần phải thả lỏng một chút và hợp tác với Nga”, ông Drobnitsky giải thích.
Nhà phân tích chính trị Nga nghi ngờ rằng cần phải điều chỉnh thị trường năng lượng. “Thực tế là Tổng thống Biden và nhóm của ông ấy đã cố gắng kiểm soát thị trường trong một thời gian dài để tự mình nắm lấy mọi thứ”, ông Drobnitsky nhấn mạnh.
Trước đó, trong năm 2023, Mỹ đã nhập khẩu nhiều kỷ lục từ Nga uranium làm giàu, nguyên liệu quan trọng để sản xuất năng lượng hạt nhân. Số liệu thống kê chính thức cho thấy, Mỹ đã nhập khẩu lượng uranium của Nga trị giá 1,2 tỷ USD vào năm ngoái, mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Theo ước tính, Mỹ sẽ phải mất ít nhất 5 năm đầu tư lớn để phá vỡ sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu uranium đã làm giàu của Nga dùng làm nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân. Bộ Năng lượng Mỹ cho hay, điện hạt nhân đóng góp gần 20% lượng điện được tạo ra ở quốc gia này.