Mỹ - Trung áp thuế qua lại, lộ diện 2 quốc gia đầu tiên hưởng lợi lớn trên thị trường nông sản
Từ thịt đến ngũ cốc, căng thẳng thương mại đang mang lại lợi ích cho 2 quốc gia này.
Brazil và Argentina đang nổi lên như những “người chiến thắng” trong cuộc chiến thương mại toàn cầu đang làm đảo lộn thị trường nông sản.

Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc - nhà cung cấp và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp lớn nhất thế giới - đã tạo cơ hội cho các quốc gia Nam Mỹ đẩy mạnh xuất khẩu mọi thứ từ thịt đến ngũ cốc nhằm chiếm lĩnh thị phần toàn cầu.
Cơ hội mới nhất là đối với mặt hàng thịt. Thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với 8 trong số 10 nước mua thịt bò hàng đầu của Mỹ đã vẽ lại dòng chảy thương mại. Thịt bò của Brazil được tăng mạnh xuất khẩu sang các thị trường bao gồm Algeria và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhật Bản, khách hàng mua thịt bò lớn thứ hai của Mỹ, hiện đang trong các cuộc đàm phán nâng cao để bắt đầu mua thịt rẻ hơn từ Brazil.
Theo nhà phân tích thị trường Guilherme Jank tại hãng tư vấn Datagro, bất kỳ sự suy thoái kinh tế nào do chiến tranh thương mại gây ra cũng sẽ khiến những người mua thịt bò quốc tế khác chuyển sang mua hàng từ các nhà cung cấp có chi phí thấp hơn, đặc biệt là Brazil.

Cho đến nay, sự dịch chuyển của Trung Quốc khỏi các sản phẩm của Mỹ đang định hình là động lực chính thúc đẩy xuất khẩu của Brazil và Argentina. Chủ tịch Hiệp hội trồng Đậu nành Brazil Mauricio Buffon cũng cho biết vào đầu tháng 4, Trung Quốc đã ký hợp đồng cho ít nhất 2,4 triệu tấn trong 1 tuần. Ông cho biết đơn hàng lớn bất thường này bằng 1/3 lượng hàng mà Trung Quốc thường nhập trong 1 tháng.
Kể từ khi thương chiến với Mỹ bắt đầu, Trung Quốc đã giảm sự phụ thuộc vào đậu nành do Mỹ sản xuất. Năm 2017, Mỹ cung cấp gần 40% lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Nhưng đến năm 2024, con số đó đã giảm xuống còn khoảng 20%. Trong khi đó, lượng đậu nành do Brazil sản xuất đã tăng từ mức 50% vào năm 2017 lên 70%.
Gần đây nhất, Trung Quốc cũng đã đạt được thỏa thuận khởi động lại các chuyến hàng gia cầm từ Argentina.
Theo Marcos Jank, giáo sư cao cấp về kinh doanh nông nghiệp toàn cầu tại Insper, thị trường châu Âu cũng đang có tiềm năng về tăng trưởng hàng hóa xuất nhập khẩu khi các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại giữa Mercosur – khối thương mại Nam Mỹ – và Liên minh châu Âu đang diễn ra mạnh mẽ.
Những người sản xuất lúa mì Argentina cũng có thể hưởng lợi từ giá cao hơn vì không có nhiều nhà cung cấp thay thế loại ngũ cốc dùng làm thức ăn chăn nuôi. Trung Quốc là nước mua nhiều nhất thế giới và Mỹ là nước cung cấp hàng đầu.
Nếu các hạn chế thương mại tiếp tục kéo dài đến mùa thu, khi Mỹ bắt đầu thu hoạch đậu tương và ngô, các nhà sản xuất ngũ cốc Nam Mỹ sẽ có thêm một cơ hội để trở thành nguồn cung thay thế.
Ivo Sarjanovic, cựu thương nhân hàng hóa và là giáo sư tại Đại học Torcuato Di Tella ở Buenos Aires, cho biết: “Nếu tình trạng hỗn loạn này kéo dài đến quý IV, thời điểm Mỹ thu hoạch và Trung Quốc cùng châu Âu chuyển sang mua đậu nành và ngô tại đây, Mỹ sẽ không thể xuất khẩu và các quốc gia đó sẽ tiếp tục mua hàng từ Nam Mỹ”.
Tuy nhiên, sự biến động giá cả trên thị trường nông sản vẫn là rủi ro đối với tất cả các nhà xuất khẩu. Ví dụ, trong khi phí bảo hiểm đối với đậu nành ở Brazil và Argentina tăng lên sau thông báo về thuế quan, suy thoái kinh tế toàn cầu có thể làm giảm nhu cầu và gây áp lực giảm giá tương lai.
Nhưng ngay cả trong trường hợp đó, Jank của Datagro cho biết nhiều khả năng các quốc gia nhập khẩu sẽ tiêu thụ thịt bò giá rẻ hơn là thịt bò đắt tiền".
Theo Bloomberg