Năm 2021: Tín dụng được kỳ vọng tăng từ 12-14%

26/01/2021 - 16:14
(Bankviet.com) Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tăng trưởng tín dụng chậm lại trong năm 2020. Tuy nhiên, với các dự báo năm 2021 kinh tế phục hồi, giới chuyên môn kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ tăng khoảng 13-14%.

Nhìn lại năm 2020 có thể thấy, tăng trưởng tín dụng chững lại trong nửa đầu năm 2020. Đỉnh điểm là cuối quý II/2020, tăng trưởng tín dụng so với cùng kỳ lần đầu tụt xuống dưới 10% trong vòng 5 năm qua. Tuy vậy, nhờ nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống dịch, qua đó hạn chế đóng cửa, giảm tác động tiêu cực lên nền kinh tế, nhu cầu phục hồi trong những tháng cuối năm. Bên cạnh các quyết định kịp thời của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) như: Chỉ đạo giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu thời hạn trả lãi, miễn giảm lãi vay; các quyết định về trần lãi suất tiền gửi, giảm lãi suất… trong năm qua, các NHTM tích cực hỗ trợ tăng trưởng tín dụng bằng nhiều gói lãi suất ưu đãi. Nhờ đó, đến ngày 31/12/2020 tăng trưởng tín dụng đạt 12,13%.

"Chìa khóa" cho tăng trưởng tín dụng

Nhìn nhận về tăng trưởng tín dụng năm 2021, giới chuyên môn cho rằng: Phục hồi kinh tế và diễn biến tích cực của dịch bệnh tiếp tục được xem là chìa khóa cho kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong năm 2021.

“Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng tiếp tục đà hồi phục trong năm 2021, với mức tăng 12 – 14% khi quan sát thấy các chỉ số chỉ báo như: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), Chỉ số PMI… cho thấy hoạt động sản xuất đang dần phục hồi, cũng như mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp trong nhiều năm qua nhờ định hướng chính sách của NHNN”, các chuyên gia phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng.

Các chuyên gia của KBSV cũng cho rằng: “Tín dụng kỳ vọng sẽ hồi phục nhanh trong nửa cuối năm 2021, trong kịch bản vắc-xin được phân phối rộng trên nhiều quốc gia tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất hồi phục”.

Với dự báo CPI năm 2021 tiếp tục ổn định ở mức thấp, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ duy trì lãi suất điều hành tại mức gần 0% cho tới hết 2022; cũng như nền tảng vĩ mô hồi phục, sản xuất kinh doanh trở lại gần nhịp hoạt động tương đương giai đoạn trước dịch bệnh, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo: “Tín dụng năm được kỳ vọng có thể đạt 14% năm 2021”.

“Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2021 trong khoảng 13-14%. Con số này cao hơn tăng trưởng tín dụng năm 2020 và tương đối sát với trung bình tăng trưởng tín dụng năm 2018 và 2019”, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI dự báo trong báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô vừa công bố.

Dự báo của SSI được dựa trên 3 điểm chính, gồm: Phục hồi kinh tế bắt đầu từ việc điều chế vắc-xin COVID thành công; chuyển dịch từ trái phiếu doanh nghiệp sang nợ vay ngân hàng. Do việc thắt chặt các điều kiện phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp theo Nghị định 81/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp có khả năng quay lại với các khoản vay ngân hàng; tái khởi động tài chính tiêu dùng. SSI kỳ vọng các tiêu chuẩn cho vay đối với các khoản vay tiêu dùng có thể quay trở lại mức trước COVID-19 vào nửa cuối năm 2021, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng chung.

Rủi ro tín dụng phụ thuộc vào sự phục hồi chung của nền kinh tế

Theo ước tính của SSI, cho vay hãng hàng không, chủ đầu tư bất động sản du lịch và cho vay dịch vụ khách sạn, lưu trú lần lượt chiếm khoảng 0,24%, 0,9% và 2% tổng dư nợ cho vay. Với những dự báo về tình hình dịch bệnh, các chuyên gia của SSI cho rằng, những lĩnh vực này có thể sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong nửa đầu năm 2021 và có thể phục hồi từ nửa cuối năm cùng với việc mở rộng trở lại và nối lại các chuyến bay quốc tế.

Trong kịch bản cơ sở của SSI, nợ xấu nội bảng của các ngân hàng sẽ không đổi so với năm 2020 nhưng tỷ lệ trái phiếu VAMC trên tổng dư nợ cho vay sẽ giảm 39 điểm cơ bản xuống 0,17% do BIDV, VietinBank, HDBank, LienVietPostBank MSB đã xử lý hết trái phiếu VAMC trong năm 2020.

Tổng nợ xấu và trái phiếu VAMC các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu của SSI sẽ giảm còn 1,98% vào năm 2021 (từ mức đỉnh 4,69% vào năm 2015). Tuy nhiên, SSI cũng lưu ý, một số rủi ro tín dụng vẫn có thể bị trì hoãn trong ghi nhận do các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ (Thông tư 01).

SSI cho rằng, cấu trúc vốn được cải thiện, cho phép các ngân hàng có bộ đệm vốn hợp lý cho rủi ro tín dụng. Và theo SSI, hệ thống ngân hàng đang ở vị thế tốt hơn so với chu kỳ tín dụng trước đây, khi hầu hết các ngân hàng đã giải quyết hết hoặc gần hết tài sản có vấn đề. Ước tính của SSI cho thấy, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tài sản có vấn đề đã cải thiện từ 2,48 lần và 2,30 lần trong năm 2015 và 2016, lên 6,67 lần vào năm 2020.

Nhìn nhận về triển vọng ngân hàng năm 2021, báo cáo của SSI viết: “Trích lập dự phòng rủi ro tín dụng là yếu tố tạo nên sự phân hóa triển vọng ngân hàng”. Bởi, thông thường chi phí tín dụng biến động cùng chiều với việc hình thành nợ xấu.

Quan sát thực tế trong năm 2020, SSI cho biết có sự phân hóa trong quý III/2020 khi tỷ lệ nợ xấu mới hình thành tăng vọt nhưng chi phí tín dụng ở các NHTM cổ phần lại giảm. Trong khi đó, các NHTM quốc doanh liên tục trích lập dự phòng mạnh mẽ đến hết 9 tháng năm 2020.

Đối với năm 2021, do kỳ vọng nền kinh tế phục hồi, sự hình thành nợ xấu sẽ giảm so với năm 2020. Các NHTM quốc doanh có thể hưởng lợi nhiều hơn từ xu hướng này, vì đã xóa phần lớn tài sản có vấn đề (bao gồm trái phiếu VAMC) trong năm 2020. SSI ước tính chi phí tín dụng cho NHTM quốc doanh và NHTM cổ phần trong năm 2021 lần lượt là 1,36% và 1,57% (so với 1,67% và 1,63 % vào năm 2020).

“Chúng tôi nhận thấy các ngân hàng Techcombank, Vietcombank, BIDV, MB ACB đã tích cực trích lập dự phòng rủi ro. Do đó, chúng tôi cho rằng chi phí tín dụng giảm có thể thúc đẩy lợi nhuận năm 2021”, báo cáo của SSI nhấn mạnh.

Ngô Hải

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo: