Phát biểu tại sự kiện, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022.
Sáng nay (3/1), tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2024. |
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, 2023 là một năm rất khó khăn của điều hành chính sách tiền tệ. Tính đến ngày 28/12, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt khoảng 13%, đến nay tăng trưởng tín dụng tối thiểu ở mức 13,5%, dù chưa đạt chỉ tiêu cả năm là 14 - 15%, nhưng cũng đã tăng tốc trong những tuần cuối năm.
Năm 2023, nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai đồng bộ, quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khoảng 5% (thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức tăng cao trên thế giới), hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Trong đó, đặc biệt là tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cho vay, đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt hồ sơ vay, đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên toàn quốc; gia tăng các chương trình, sản phẩm tín dụng đặc thù, ưu đãi... tạo điều kiện thuận lợi hơn để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng.
“Năm 2023, NHNN đã liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay”, Phó Thống đốc NHNN cho biết.
Năm 2024: Tăng trưởng tín dụng khoảng 15%
Theo lãnh đạo NHNN, định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. |
Theo đánh giá của NHNN, năm 2024, triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong nước, nền kinh tế dự kiến vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Trong bối cảnh đó, về điều hành chính sách tiền tệ và định hướng nhiệm vụ năm 2024, NHNN sẽ tập trung vào một số định hướng, giải pháp trọng tâm trong đó, định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
NHNN cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; phấn đấu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) dưới 3%.
Song song với việc điều hành hiệu quả lãi suất, tỷ giá và tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ quyết liệt hơn trong xử lý ngân hàng yếu kém. Theo ông Đào Minh Tú, đến nay hệ thống ngân hàng được đảm bảo an toàn. Tất cả các ngân hàng 0 đồng, ngân hàng SCB đang hoạt động ổn định.
Riêng trường hợp SCB, ông Tú cho biết đây là lần đầu tiên có ngân hàng yếu kém quy mô lớn. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý từng bước.
"Bước đầu chúng tôi đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, duy trì hoạt động ổn định của ngân hàng. Lộ trình năm 2024 sẽ quyết liệt hơn trong xử lý ngân hàng yếu kém", ông Tú nói.
Vũ Thành Đạt