Nông sản Yên Bái rộn ràng xuất ngoại Longform | Chứng nhận OCOP: “Giấy thông hành” cho nông sản Yên Bái |
Chủ động xây dựng tiêu chí để đạt chỉ dẫn địa lý
Vừa qua, 7 sản phẩm nông sản chủ lực của huyện Trấn Yên bao gồm: Chè xanh Trấn Yên, bưởi Trấn Yên và vỏ quế khô Trấn Yên, măng tre Bát độ Yên Bái, mật ong Trấn Yên, gà đồi Trấn Yên, miến đao Quy Mông đều đã được đăng ký nhãn hiệu và xây dựng chỉ dẫn địa lý.
Miến dong là một trong những sản phẩm chủ lực của Yên Bái |
Nhờ được cấp chỉ dẫn địa lý, các sản phẩm này ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài xã biết đến. Thống kê của UBND xã Kiên Thành - vùng trồng măng tre Bát độ lớn nhất của Trấn Yên cho thấy, sản lượng thu hoạch măng tre Bát độ của xã năm 2023 sẽ đạt hơn 20.000 tấn, giá trị thu nhập khoảng 120 tỷ đồng. Nhờ trồng tre măng Bát độ mà đời sống của nhân dân trong xã được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đã đạt khoảng 50 triệu đồng/người/năm.
Cùng với măng tre Bát độ, toàn huyện Trấn Yên đang sở hữu 32 sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc và dự kiến đến hết năm 2023 sẽ có 43 sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc.
Trong nỗ lực nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông sản địa phương, huyện Trấn Yên đã xây dựng được 17 vùng, cơ sở sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn chứng nhận trong nước, quốc tế với diện tích trên 3.340 ha cây trồng và 275.000 con gia cầm (6 chứng nhận VietGAP, 3 chứng nhận hữu cơ trong nước; 1 chứng nhận hữu cơ organic và 5 chứng nhận VietGAP).
Trong những năm gần đây, huyện Trấn Yên cũng tích cực khai thác tiềm năng và thế mạnh về đất đai, khí hậu tại địa phương bằng cách quy hoạch cụ thể chi tiết vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng trồng cây ăn quả, vùng trồng chè, quế…
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các địa phương lựa chọn giống cây, con có giá trị, rõ ràng về nguồn gốc, chất lượng, sạch bệnh vào sản xuất để chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả; mở các lớp tập huấn kỹ thuật cho người dân với phương châm cầm tay chỉ việc. Nhờ đó, địa phương đã có nhiều sản phẩm định danh được thương hiệu, có giá trị trên thị trường.
Cùng với Trấn Yên, nhiều địa phương khác của tỉnh Yên Bái cũng chủ động xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý. Cụ thể, chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2023, tỉnh Yên Bái đã xác lập quyền Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm: Gạo nếp Lếch, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình; rượu thóc La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải; hoa hồng Mù Cang Chải; chè Shan tuyết Púng Luông, huyện Mù Cang Chải; nếp Lẩu Cáy Trạm Tấu...
Trước đó, Yên Bái cũng có nhiều sản phẩm được bảo hộ về sở hữu trí tuệ dưới các hình thức nhãn chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý bao gồm: Nhãn hiệu chứng nhận đối với cá hồ Thác Bà, gạo nếp Làng Mu - Khánh Thiện, gà xương đen Mù Cang Chải, vịt bầu Lâm Thượng, khoai sọ nương Trạm Tấu, lợn đen bản địa Trạm Tấu, gà trống thiến Lục Yên, măng mai Lục Yên...; nhãn hiệu tập thể đối với thịt hun khói Mường Lò, chè xanh Hán Đà, gạo nếp 87 Trạm Tấu, măng ớt Trạm Tấu...; chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm mật ong Mù Cang Chải, măng tre Bát độ Yên Bái, chè shan Phình Hồ.
Hiệu quả kinh tế cao
Các sản phẩm sau khi được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mở ra hướng đi mới cho đồng bào vùng cao phát triển kinh tế. Đồng thời, giúp nâng cao vị thế, giá trị, danh tiếng, thương hiệu của sản phẩm; thúc đẩy mở rộng sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên ở từng địa phương.
Theo thống kê, các sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu tập thể có giá bán tăng lên khoảng 15 - 20% so với trước đó. Từ đó, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị.
Đơn cử, sản phẩm miến đao của Hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh miến đao Giới Phiên hiện sản xuất trung bình từ 60 - 70 tấn sản phẩm/tháng. Sản phẩm được tiêu thụ tại các siêu thị lớn trên địa bàn các tỉnh: Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… và thành phố Hà Nội. Vừa qua, HTX cũng được hỗ trợ kết nối xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Anh.
Ông Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh miến đao Giới Phiên cho biết, HTX đã xuất khoảng 250 kg sang thị trường Anh. Sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, lựa chọn hàng tiêu chuẩn chất lượng… HTX hi vọng, sản phẩm miến đao Giới Phiên sẽ được người tiêu dùng Anh quốc đón nhận, mở ra cơ hội xuất khẩu nhiều sản phẩm sang thị trường châu Âu.
Trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh thương mại khốc liệt, các sản phẩm mang đặc trưng của một vùng nhất định có nguy cơ phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại nhưng kém chất lượng, hoặc sản phẩm gắn nhãn hiệu giả mạo, chưa kể những đòi hỏi ngày càng cao từ thị trường về kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm.
Do đó, việc xây dựng, thực hiện và quản lý nhãn hiệu tập thể giúp bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn của sản phẩm đối với người tiêu dùng và thị trường tiêu thụ. Những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai công tác xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Bảo Ngọc