Nâng cao hiệu quả cải cách hành chính trong bối cảnh chuyển đổi số ngành Ngân hàng ở Việt Nam

07/09/2023 - 20:03
(Bankviet.com) Với sự phát triển của khoa học, công nghệ do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đem lại, quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng là một đòi hỏi tất yếu khách quan.
Tóm tắt: Với sự phát triển của khoa học, công nghệ do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đem lại, quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng là một đòi hỏi tất yếu khách quan. Trước những thách thức đó, hoạt động cải cách hành chính trong lĩnh vực ngân hàng tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) triển khai nhằm tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát huy mọi tiềm năng. Bài viết tập trung phân tích thực trạng cải cách hành chính trong bối cảnh chuyển đổi số ngành Ngân hàng ở Việt Nam hiện nay, từ đó đưa ra một số kiến nghị, giải pháp.
 
Từ khóa: Cải cách hành chính, chuyển đổi số ngành Ngân hàng, NHNN.
 
IMPROVING THE EFFICIENCY OF ADMINISTRATIVE REFORM IN THE CONTEXT OF DIGITAL TRANSFORMATION IN THE BANKING INDUSTRY IN VIETNAM

Abstract: With the development of science and technology in the Fourth Industrial Revolution, the process of digital transformation of the banking industry is an indispensable and objective requirement. Facing these challenges, the administrative reform in the banking sector continues to be implemented by the State Bank of Vietnam to create a favorable environment and conditions for all economic sectors to promote their full potential. The article focuses on analyzing current situation of the administrative reform of the State Bank of Vietnam, thereby proposing some solutions to improve the effectiveness of the administrative reform in the context of digital transformation of the banking industry in Vietnam. 
 
Keywords: Administrative reform, digital transformation of the banking industry, the State Bank of Vietnam.
 
1. Khái quát về chuyển đổi số ngành Ngân hàng và yêu cầu cải cách hành chính trong bối cảnh chuyển đổi số ngành Ngân hàng ở Việt Nam
 
Quy mô ảnh hưởng và mức độ phức tạp của CMCN 4.0 đã làm thay đổi cơ bản cuộc sống và công việc của con người (Schwab, 2017). Nổi lên với việc ứng dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối... hệ sinh thái ngành tài chính nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng có những bước phát triển mạnh mẽ trong suốt thập kỉ vừa qua. Bên cạnh đó, sự tác động không nhỏ của đại dịch Covid-19, việc hạn chế giao tiếp đã thúc đẩy sự thay đổi nhanh chóng của các giao dịch số hóa (IDC Infobrief, 2021). Có thể thấy rằng, dưới sự tác động mạnh mẽ của CMCN 4.0 tới chính sách phát triển của các quốc gia, chuyển đổi số được đánh giá sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Các quốc gia đã và đang cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu để có vị thế về công nghệ số. Việt Nam đã tham gia “cuộc đua” khi coi chuyển đổi số là một trong những mục tiêu trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. 
 
Với trọng trách là huyết mạch của nền kinh tế, cung ứng những dịch vụ thiết yếu và nền tảng, thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, ngành Ngân hàng xác định chuyển đổi số không còn là xu hướng, mà là bắt buộc. Chuyển đổi số trong ngân hàng là việc tích hợp số hóa và công nghệ số vào mọi lĩnh vực ngân hàng. Sự tích hợp này cho phép tạo mới hoặc sửa đổi các quy trình kinh doanh, văn hóa và trải nghiệm khách hàng hiện có nhằm đáp ứng các yêu cầu thay đổi của thị trường và mong muốn của khách hàng. Chuyển đổi số giúp ngân hàng tiết kiệm chi phí và hợp lí hóa các quy trình hoạt động. Sự tích hợp này cũng mang lại trải nghiệm khách hàng dễ dàng và hấp dẫn hơn. 
 
Bên cạnh những thay đổi tích cực, CMCN 4.0 cũng đưa đến nhiều thách thức. Việc thay thế các dịch vụ của ngân hàng truyền thống bằng các dịch vụ của tổ chức phi ngân hàng có thể ảnh hưởng đến sự lành mạnh của toàn bộ hệ thống ngân hàng vì nó có tác động bất lợi đến khả năng sinh lời và các điều kiện tái cấp vốn (Joachim Nagel, 2022). Hàng loạt các rủi ro mới cũng xuất hiện như an ninh mạng, xâm phạm bí mật thông tin cá nhân, rửa tiền, lừa đảo... cũng hình thành trong môi trường số. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số, bộ máy hành chính cũng phải thực sự đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đơn giản hóa thủ tục hành chính. 
 
Trên phạm vi thế giới, cải cách hành chính là một vấn đề đang gây ra nhiều thách thức cho các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Việc giảm thiểu thời gian và chi phí trong xử lí các thủ tục hành chính đang trở thành một vấn đề cấp bách. Tuy nhiên, đảm bảo tính minh bạch và bảo mật vẫn là một thách thức lớn. Ngân hàng Thế giới (2008) đã chỉ ra vai trò quan trọng của cải cách tài chính và ngân hàng trung ương trong việc thúc đẩy cải cách cấu trúc rộng hơn của các ngành phi tài chính và cung cấp sự hỗ trợ cho ổn định kinh tế tổng thể. Cải cách hành chính có tác động rất lớn đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo tính minh bạch, loại bỏ những rào cản và cắt giảm chi phí khi thực hiện; củng cố môi trường kinh doanh và tăng chỉ số năng lực cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp (Hoàng Thị Ngân, 2022). Cải cách hành chính là quá trình nhằm khắc phục những hạn chế của hệ thống thủ tục hiện hành theo hướng đơn giản hóa, minh bạch hóa, công khai hóa, tạo ra sự chuyển biến căn bản trong quan hệ giải quyết công việc giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau và giữa các cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, công dân. Cải cách hành chính được coi là khâu đột phá để tạo sự chuyển biến của toàn bộ hệ thống nền hành chính quốc gia. Cải cách hành chính là một đòi hỏi tất yếu của thực tiễn khách quan trong công cuộc đổi mới. 
 
Kết luận lại, để có sự phát triển nhanh, mạnh, hiệu quả và phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng, hoạt động cải cách hành chính trong bối cảnh chuyển đổi số ngành Ngân hàng là vô cùng cần thiết nhưng cũng cần được tiến hành rất cẩn trọng. Chỉ thông qua hoạt động cải cách hành chính, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, người dân mới có khả năng tiếp cận dịch vụ công một cách rộng rãi, đảm bảo các yêu cầu về việc kiểm soát rủi ro, bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan, đồng thời, xây dựng cơ chế quản lí, giám sát phù hợp với bối cảnh Việt Nam và các chuẩn mực chung, thông lệ tốt của thế giới.
 
2. Thực tiễn hoạt động cải cách hành chính trong bối cảnh chuyển đổi số ngành Ngân hàng ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
 
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra định hướng phát triển đất nước đến năm 2030, đó là “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước”. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn giai đoạn vừa qua và tiếp tục thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp và xã hội trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của CMCN 4.0 và bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021. Tiếp đó, Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 6/10/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp đã tiếp tục xác định cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; đồng thời đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện, thủ tục trong  kinh doanh; đẩy mạnh chuyển đổi số về phương thức chỉ đạo, điều hành; tăng cường phân cấp thủ tục hành chính và cải cách thủ tục trong nội bộ các cơ quan hành chính nhà nước.
 
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2015. Theo đó, một trong những nhiệm vụ cụ thể được NHNN tập trung triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lí của NHNN liên quan đến người dân, doanh nghiệp, bảo đảm thủ tục hành chính mới ban hành phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; đồng thời cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, loại bỏ các quy định không hợp pháp, không cần thiết, không hợp lí, bảo đảm thực chất; rà soát, xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN; cụ thể hóa các quy định của Nhà nước về chế độ tài chính của NHNN để đổi mới cơ chế quản lí, phân bổ ngân sách nhà nước phù hợp với đặc thù hoạt động của NHNN.
 
Trong giai đoạn vừa qua, căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ tại các kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025 và nhiệm vụ cụ thể tại kế hoạch cải cách hành chính hằng năm1, NHNN đã tổ chức triển khai và đạt được những thành tựu nhất định. Cụ thể, NHNN đã tập trung chỉ đạo triển khai toàn diện 06 lĩnh vực cải cách hành chính, trọng tâm vào 03 trụ cột, đó là: (i) Cải cách hoàn thiện thể chế; (ii) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ; (iii) Quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và công chức, công vụ nói riêng. Đồng thời, NHNN chỉ đạo toàn Ngành tiếp cận ứng dụng nhanh công nghệ số, chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng, đưa ra nhiều sản phẩm tiện lợi, an toàn nhất, có nhiều lựa chọn cho doanh nghiệp và người dân trong các lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, thanh toán.
 
Với quan điểm xuyên suốt của nền hành chính phục vụ là đặt doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, từ năm 2020 đến nay, NHNN đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 quyết định phê duyệt phương án đơn giản hóa 33 quy định thuộc 04 nhóm ngành, nghề kinh doanh. Tính đến đầu năm 2023, NHNN đã hoàn thành thực thi 27/33 quy định đơn giản hóa theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo đúng thời gian theo yêu cầu tại phương án đề ra. Trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, NHNN đã ban hành 23 thông tư sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa 101 thủ tục hành chính, trong đó tập trung vào 02 lĩnh vực chính là hoạt động ngoại hối và thủ tục thành lập, hoạt động ngân hàng để tạo thuận lợi hơn cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và người dân. 
 
Không chỉ tập trung cải cách hành chính nội Ngành, NHNN cũng trở thành hạt nhân trong việc thúc đẩy cải cách hành chính quốc gia khi chủ động đề xuất với Chính phủ và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các chương trình cải cách thủ tục hành chính, triển khai các giải pháp thanh toán điện tử đối với dịch vụ công và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hiện nay, NHNN đang cung cấp 62 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công NHNN, Trang điện tử Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) và Cổng Hải quan một cửa quốc gia. Số lượng hồ sơ trực tuyến bình quân hằng năm chiếm trên 40% tổng số hồ sơ dịch vụ công NHNN đã tiếp nhận và xử lí. NHNN tiếp tục nâng cấp 25 thủ tục hành chính lên dịch vụ công mức độ 3, 4 và đang trong quá trình hoàn hiện để đưa vào sử dụng.
 
Năm 2022, NHNN đã tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử theo Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ số và đảm bảo an toàn thông tin mạng của NHNN2, đẩy mạnh tin học hóa trong hoạt động điều hành, nghiệp vụ trên môi trường số, hoàn thiện hệ thống báo cáo định kì của NHNN theo quy định tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019; ban hành và tổ chức thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới ứng cứu sự cố an ninh; xây dựng, triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tổ chức triển khai các nhiệm vụ tại Kế hoạch của ngành Ngân hàng thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
 
Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, NHNN thời gian qua đã đổi mới phương thức phục vụ để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng với các thủ tục hành chính của Ngành.
 
Những nỗ lực, hành động cải cách thiết thực của NHNN đã được Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, người dân ghi nhận, đánh giá cao. Năm 2022, NHNN đứng đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính - PAR INDEX 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ với điểm chỉ số cải cách hành chính là 91,77%, giá trị trung bình chỉ số cải cách hành chính của 17 bộ, cơ quan ngang bộ năm 2022 là 84,05%. NHNN cũng là một trong 03 đơn vị có Chỉ số cải cách hành chính tăng cao hơn so với năm 2021. Đây là lần thứ 7, NHNN đứng đầu PAR INDEX sau 6 năm đứng đầu liên tiếp (2014 - 2020). NHNN đứng đầu chỉ số thành phần “Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính” với điểm chỉ số 98,28%. NHNN cũng là đơn vị duy nhất đạt số điểm tối đa tại các tiêu chí thành phần thuộc Tiêu chí “Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao”. Tiêu chí thành phần “Chất lượng cung cấp thông tin trên cổng thông tin điện tử của bộ” thuộc Tiêu chí “Phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, tổ chức” được đánh giá thông qua điều tra xã hội học, NHNN đạt được tỉ lệ điểm số cao nhất với giá trị 83,42%. Các tiêu chí khác như xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số; cải cách chế độ công vụ, cải cách tổ chức bộ máy, NHNN đứng thứ hai trong các bảng xếp hạng chỉ số thành phần... 
 
Có thể nói, việc xác định rõ cải cách hành chính là xu hướng tất yếu khách quan để ngành Ngân hàng làm tốt chức năng, nhiệm vụ trong điều hành kinh tế vĩ mô và cung ứng vốn, các dịch vụ tiền tệ, thanh toán cho nền kinh tế cũng như nhanh chóng hội nhập và phát triển, thời gian qua, NHNN đã lựa chọn những mô hình cải cách mới nhất của hoạt động ngân hàng trên thế giới phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, hoạch định lộ trình áp dụng rõ đến từng năm và thường xuyên bổ sung các nhiệm vụ cải cách mới với mục tiêu cao hơn. Bằng chính những thành quả trong cải cách hành chính này, NHNN đã tạo được những công cụ hữu hiệu để nâng cao chất lượng điều hành trong các lĩnh vực hoạt động tiền tệ, ngân hàng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và xã hội vượt qua những khó khăn của dịch Covid-19, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới, đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các nền kinh tế có tăng trưởng dương, an sinh xã hội được đảm bảo.
 
3. Một số giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách hành chính trong bối cảnh chuyển đổi số ngành Ngân hàng ở Việt Nam hiện nay
 
Trong giai đoạn vừa qua, hoạt động cải cách hành chính trong ngành Ngân hàng đã có thành tựu nhất định, tuy nhiên, bên cạnh đó, những tồn tại, hạn chế là điều không thể tránh khỏi. Các quy định pháp luật còn chưa rõ ràng, chưa đồng bộ gây khó khăn trong quá trình thực hiện; còn tồn tại trong vấn đề liên quan đến bảo mật thông tin cá nhân, vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao, am hiểu công nghệ còn thiếu, chưa đáp ứng được các yêu cầu trong quá trình chuyển đổi số... Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của hoạt động cải cách hành chính trong bối cảnh chuyển đối số, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:
 
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lí, cơ chế, chính sách phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế; đảm bảo hệ thống pháp luật ngân hàng đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lí nhà nước đối với hoạt động ngân hàng và tiền tệ trong giai đoạn tới; các thủ tục hành chính phải được xây dựng, thiết kế đảm bảo đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng, kịp thời, dễ hiểu, dễ tiến hành cho các chủ thể khi tham gia các quan hệ pháp luật hành chính; thường xuyên rà soát, đánh giá các quy định hành chính, thủ tục hành chính nội bộ để kiến nghị đơn giản hóa hoặc loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết; giảm chi phí, rút ngắn thời gian giải quyết, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước.
 
Thứ hai, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa công tác điều hành, thực hiện chế độ báo cáo và hoạt động giải quyết thủ tục hành chính. Cụ thể: (i) Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và gia tăng các tính năng của cổng dịch vụ công trực tuyến để đẩy mạnh việc cung cấp đa dạng các dịch vụ của NHNN trên nền tảng số; (ii) Tiếp tục nghiên cứu và phát triển hệ thống giám sát tự động nhằm kịp thời thu thập thông tin, theo dõi, giám sát và phân tích các thông tin của tổ chức tín dụng; (iii) Xây dựng và hoàn thiện nền tảng lưu trữ và chia sẻ dữ liệu thông tin an toàn giữa NHNN với các bộ, ngành, các tổ chức tín dụng trên cơ sở học tập kinh nghiệm các ngân hàng trung ương trên thế giới.
 
Thứ ba, thiết lập hệ thống phản hồi và giải quyết khiếu nại hiệu quả; mở rộng mô hình một cửa, một cửa liên thông; duy trì và áp dụng hệ thống quản lí chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của NHNN. Việc thiết lập hệ thống phản hồi và giải quyết khiếu nại hiệu quả là một yếu tố quan trọng để tăng cường sự minh bạch và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. NHNN cần có một hệ thống phản hồi và giải quyết khiếu nại rõ ràng và nhanh chóng, cùng với việc đào tạo nhân viên về kĩ năng giải quyết khiếu nại và đối phó với các tình huống khó khăn. Ngoài ra, việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như tiêu chuẩn ISO 9001 để đánh giá và cải tiến các quy trình và thủ tục hành chính là cần thiết để đạt được các tiêu chuẩn thế giới về đơn giản hóa và nâng cao hiệu quả thủ tục hành chính. Việc áp dụng các tiêu chuẩn này cũng giúp NHNN có thể tham khảo các kinh nghiệm và các giải pháp thành công của các quốc gia khác.
 
Thư tư, phát triển nhân lực về công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo; nâng cao nhận thức và tinh thần của cán bộ, nhân viên về cải cách hành chính. Để triển khai các giải pháp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, cần đầu tư vào đào tạo nhân lực để cải thiện kĩ năng và nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên trong việc sử dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, việc đầu tư vào đào tạo nhân lực được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức và tinh thần của cán bộ, nhân viên trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính là rất quan trọng. NHNN cần tiếp tục tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn để nâng cao nhận thức và kĩ năng của cán bộ, nhân viên về các phương pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính; đồng thời, cần tạo ra môi trường làm việc tích cực và động lực để khuyến khích nhân viên tham gia đóng góp ý kiến và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả và đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
 
Thứ năm, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị; sử dụng hiệu quả Chỉ số cải cách hành chính trong theo dõi, đánh giá; quan tâm việc triển khai khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan của ngành Ngân hàng; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính.
 
Có thể nói, cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba nhiệm vụ đột phá chiến lược. Đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển. Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục phát huy những thành công đã có và khắc phục những vấn đề còn tồn tại trong công tác cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn, dịch vụ ngân hàng.
 
1 Quyết định số 2147/QĐ-NHNN ngày 31/12/2021 của Thống đốc NHNN về việc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2022; Quyết định số 2220/QĐ-NHNN ngày 30/12/2022 của Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch công tác cải cách hành chính năm 2023.
2 Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, Hệ thống ngân hàng lõi, quản lí tài chính, tài sản và ngân sách (Core Banking và ERP); Hệ thống Báo cáo và Kho dữ liệu tập trung; Hệ thống Quản lí và phát hành kho quỹ (CMO); Hệ thống quản lí văn bản và điều hành tác nghiệp của NHNN (E-doc); Hệ thống quản trị nhân sự (HR)... 

Tài liệu tham khảo:
 
1. Báo điện tử Chính phủ (2021), Thúc đẩy chuyển đổi số trong ngân hàng: Cơ hội và thách thức, http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Thuc-day-chuyen-doi-so-trong-ngan-hang-Co-hoi-va-thach-thuc/428777.vgp
2. Báo điện tử Chính phủ (2021), Trí tuệ nhân tạo là công nghệ được ưu tiên hàng đầu, https://baochinhphu.vn/tri-tue-nhan-tao-la-cong-nghe-duoc-uu-tien-hang-dau-102220727143941131.htm
3. IDC Infobrief (2021), Báo cáo Fintech và Ngân hàng số 2025 tại châu Á - Thái Bình Dương.
4. Joachim Nagel (2022), The Role of Central Banks in The Digital Transformation of Financial Markets, https://www.obserwatorfinansowy.pl/bez-kategorii/rotator/the-role-of-central-banks-in-the-digital-transformation-of-financial-markets/
5. Hoàng Thị Ngân (2022), Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để giải quyết tốt công việc giữa các cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, người dân, https://moha.gov.vn/danh-muc/tiep-tuc-day-manh-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-de-giai-quyet-tot-cong-viec-giua-cac-co-quan-hanh-chinh-nha-nuoc-voi-to-chuc-nguoi-dan-48395.html
6. Hồng Nhật (2022), Vận dụng thành quả cải cách hành chính nâng cao chất lượng điều hành và hỗ trợ nền kinh tế, https://tapchinganhang.gov.vn/van-dung-thanh-qua-cai-cach-hanh-chinh-nang-cao-chat-luong-dieu-hanh-va-ho-tro-nen-kinh-te.htm
7. Schwab, K. (2017), The fourth industrial revolution, Crown Business, New York.
8. Thanh Thúy (2023), Năm 2022: Chuyển đổi số ngành Ngân hàng góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chuyển đổi số quốc gia, https://www.sbv.gov.vn/
9. Thu Phương (2022), NHNN cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. http://www.hanoimoi.com.vn/ban-in/Cai-cach-hanh-chinh/985342/ngan-hang-nha-nuoc-viet-nam-can-tiep-tuc-day-manh-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh
10. World Bank (2008), Public Sector Reform: What Works and Why? An IEG Evaluation of World Bank Support, The International Bank for Reconstruction and Development, https://documents1.worldbank.org/curated/en/311251468150314338/pdf/Public-sector-reform-what-works-and-why-An-IEG-evaluation-of-World-Bank-support.pdft

TS. Phan Đăng Hải
Khoa Luật - Học viện Ngân hàng
Theo: Tạp chí Ngân hàng