Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tham gia phiên đối thoại |
Đoàn Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tham dự do ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội dẫn đầu; cùng tham dự có ông Phạm Quang Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội; ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội; cùng đại diện Ủy viên Hội đồng Hiệp hội, lãnh đạo các Ban, đơn vị trong Cơ quan thường trực Hiệp hội.
Tham gia điều phối Đối thoại có: ông CHEA Chanto, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Campuchia; bà Daw Khin Saw Oo, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng ASEAN (ABA) kiêm Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Myanmar (MBA); ông Raymond Sia, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Campuchia (ABC).
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Daw Khin Saw Oo, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng ASEAN (ABA) cho rằng, cuộc họp này là dấu mốc quan trọng của ABA, với chủ đề chính của cuộc họp này là: Dữ liệu liên thông, thanh toán bằng mã QR không biên giới và nâng cao khả năng kết nối tài chính trong khu vực ASEAN. Buổi họp cập nhật các tiến độ đối với những chủ đề trên và đưa ra những thảo luận xu hướng trong tương lai.
Đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tham gia phiên đối thoại |
Cập nhật của nhóm làm việc về mã QR có tính tương thích cho ASEAN – ABA do bà Jacquelyn Tan đến từ Ngân hàng UOB, Singapore cho biết, sự phát triển của việc áp dụng thanh toán điện tử bằng mã QR trong khu vực ASEAN đóng vai trò là bệ phóng về kỹ thuật số đầy hứa hẹn cho các quốc gia ASEAN hướng tới số hóa quốc gia và tài chính toàn diện.
Theo đó, quý IV/2019 nhóm làm việc ABA bao gồm các quốc gia thành viên ASEAN về Mã QR có tính tương thích trong khu vực ASEAN được thành lập với hai luồng công việc - Nhóm làm việc về mặt nghiệp vụ (do ABS chủ trì) và Nhóm làm việc về mặt kỹ thuật (do TBA chủ trì). Năm 2021, nhóm làm việc về mặt nghiệp vụ đã đề xuất tuyên bố giá trị Thương mại điện tử để thu thập mã QR.
Tuy nhiên, trước những thách thức thực tế trong việc tạo ra một mã QR có tính tương thích theo tiêu chuẩn ASEAN cho thanh toán xuyên biên giới và với những tiến bộ mà một số quốc gia đạt được về liên kết song phương/đa phương, tháng 9/2021, nhóm làm việc đã thống nhất xây dựng bản hướng dẫn thực hành tốt nhất nhằm hỗ trợ liên kết song phương/đa phương trong tương lai.
Đến tháng 1/2022, khung cơ sở dựa trên kinh nghiệm của Thái Lan đã được lưu hành và lấy ý kiến phản hồi. Dự kiến quý II/2022 sẽ hoàn thành dự thảo và đến quý III/2022 sẽ có bản cuối.
Với Khung dữ liệu liên thông, đại diện Nhóm đặc nhiệm quản lý dữ liệu ASEAN trình bày tiến độ thực hiện Sáng kiến Khung dữ liệu liên thông ASEAN – giai đoạn 1.
Theo đó, giai đoạn 1 đã hoàn tất với việc xây dựng nền tảng khung bao gồm: Tầm nhìn, Mục tiêu và Nguyên tắc thiết kế cho Khung để duy trì sự liên kết hướng tới các mục tiêu chung.
Về mục tiêu, có 3 mục tiêu được xác định: Thúc đẩy sự đổi mới các các dịch vụ tài chính; Thành lập các tiêu chuẩn liên thông để chia sẻ dữ liệu; Thúc đẩy sự hợp tác nhằm hướng tới tính hiệu suất, hiệu quả thông qua chia sẻ dữ liệu, như trong vấn đề tội phạm tài chính, phát hiện gian lận...
Về nguyên tắc thiết kế, các nguyên tắc đã được nghiên cứu để phù hợp với nhiều khuôn khổ chia sẻ dữ liệu xuyên biên giới và Khung quản lý dữ liệu ASEAN. Khung sẽ được phát triển theo các nguyên tắc: đáng tin cậy, thực tế, tiêu chuẩn hóa, tính mở.
Các đại biểu tham gia trực tuyến tại các điểm cầu |
Đại diện Nhóm đặc nhiệm cũng cho biết, từ quý II/2022, giai đoạn 2 của nghiên cứu sẽ được bắt đầu với nhiệm vụ phát triển Khung Dữ liệu liên thông và các tài liệu hướng dẫn liên quan trên cơ sở phù hợp với các nội dung được cung cấp từ giai đoạn 1. Trong giai đoạn 2, danh sách rút gọn gồm 2 trường hợp tiềm năng (thanh toán xuyên biên giới, đánh giá khoản nợ xấu) sẽ được tiếp tục xem xét dựa trên tính sẵn có của dữ liệu, khả năng mở rộng cũng như thời gian hợp lý (trong 1-2 năm) để kiểm tra các ứng dụng thực tế của Khung.
Đối với trường hợp thanh toán xuyên biên giới, vấn đề hiện nay trong thực hiện các thỏa thuận song phương thanh toán xuyên biên giới giữa các quốc gia ASEAN có những chậm trễ bắt nguồn từ sự thiếu vắng thỏa thuận về dữ liệu quan trọng cần được chia sẻ, định dạng dữ liệu, tiêu chuẩn và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Do vậy, lợi ích của việc chia sẻ thông tin thanh toán sẽ tạo điều kiện thúc đẩy thương mại xuyên biên giới, giúp hội nhập tài chính và thương mại sâu hơn trong nội khối ASEAN, tăng cường tính cạnh tranh và bao trùm của khu vực ASEAN, tăng năng lực sẵn sàng tiếp cận cho các ngân hàng chưa có hiện diện tại các quốc gia ASEAN.
Còn đối với đánh giá khoản nợ xấu, trong cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc thiếu các thông tin được chuẩn hóa có thể khiến các ngân hàng gặp nhiều rủi ro tín dụng hơn và ảnh hưởng tiềm tàng đến sự ổn định tài chính. Vì thế, khi có được Khung dữ liệu liên thông sẽ giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế, thúc đẩy tài chính bao trùm, thúc đẩy thương mại và đầu tư cũng như tăng cường tính tin cậy của các ngân hàng đối với các khách hàng SME.
Đối với việc nâng cao khả năng kết nối tài chính trong khu vực, đại diện Nhóm công tác cho biết, một số bước cơ bản có thể được thực hiện để đánh giá tiềm năng chung của một mạng lưới thanh toán tức thì được kết nối với nhau giữa các quốc gia trong ASEAN, bao gồm: thành lập Nhóm công tác về mặt kỹ thuật/Nhóm làm việc với các nguồn lực chuyên môn sẽ làm việc để phát triển một khuôn khổ đa phương nhằm tích hợp không biên giới tất cả các Hệ thống thanh toán toàn diện của ASEAN. Nhóm công tác về mặt kỹ thuật/Nhóm làm việc này có khả năng cộng tác với các Ủy ban hiện có, ví dụ: Ủy ban công tác về Hệ thống thanh toán và bù trừ (WC-PSS), Trung tâm đổi mới BIS…; đánh giá số tiền tài trợ cần thiết để thực hiện và vận hành; khởi chạy thử nghiệm.
Tại hội nghị, đại diện Hiệp hội Ngân hàng ASEAN mong muốn thúc đẩy việc kết nối xuyên biên giới giữa các quốc gia trong khu vực. Đồng thời kỳ vọng, thời gian tới sẽ hoàn thành Khung dữ liệu liên thông và thanh toán bằng mã QR không biên giới trong khu vực ASEAN.
P.V