Một trong những sứ mệnh của chuyển đổi số là phổ cập, cá nhân hóa dịch vụ số như giáo dục, y tế, ngân hàng để hướng tới người dân. Ngành Ngân hàng luôn phấn đấu tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng dịch vụ trên môi trường điện tử, trong đó có hướng đến phổ cập tài chính tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh vô vàn tiện ích từ các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số, cũng có những rủi ro mà người dân khu vực nông thôn cần được tuyên truyền, phổ biến để đảm bảo an toàn tài khoản, dữ liệu cá nhân...
1. Tăng cường cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số đến người dân nông thôn
Ngân hàng, tài chính là một trong những lĩnh vực đang đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, người dân nói chung, nông dân nói riêng đang ngày càng tham gia sâu rộng vào các hoạt động này. Theo Viện An ninh phi truyền thông (Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện nay, ở khu vực nông thôn (chiếm khoảng 63% dân số và 60% GDP của cả nước), trong số 89% dân số sử dụng điện thoại di động, thì đã có 68% trong số đó sở hữu một chiếc điện thoại thông minh.
Ngày 11/5/2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, để triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án của Chính phủ, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã đặt ra các mục tiêu rất cụ thể: Đến năm 2025, 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động...
Với chỉ tiêu trên, NHNN hướng đến cung cấp các dịch vụ, sản phẩm số đến người dân, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. NHNN đã và đang triển khai hoàn thiện hành lang pháp lí để các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán triển khai cung cấp dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số tới người dân. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các tổ chức tín dụng, tỉ lệ bao phủ phát triển nhanh với tỉ lệ xã/thị trấn có điểm cung ứng dịch vụ tài chính trên tổng số xã/thị trấn trên toàn quốc đạt 32,6%. Ứng dụng Mobile Banking cho phép người nông dân đăng kí, sử dụng các dịch vụ ngân hàng (tiền gửi, thanh toán, vay...) không cần đến phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng. Đến cuối năm 2023, đã có khoảng 27 tổ chức phát hành thẻ triển khai phát hành thẻ bằng phương thức điện tử (eKYC), số lượng thẻ ngân hàng phát hành bằng eKYC đang hoạt động đạt 12,9 triệu thẻ. Nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như thẻ ngân hàng, mã QR, ví điện tử... được các ngân hàng, trung gian thanh toán triển khai, cung ứng.
Đến cuối năm 2023, kết quả triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money do 03 doanh nghiệp (Viettel, VNPT, MobiFone) thực hiện thí điểm cung ứng ra thị trường đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần vào phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), thúc đẩy chuyển đổi số, cụ thể: Tổng số tài khoản Mobile-Money được đăng kí và sử dụng là hơn 7,2 triệu tài khoản, trong đó số lượng khách hàng đăng kí và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là hơn 5,2 triệu khách hàng (chiếm khoảng 71% tổng số khách hàng đăng kí và sử dụng dịch vụ); có 11,88 nghìn điểm kinh doanh được thiết lập, với gần 250,85 nghìn đơn vị chấp nhận thanh toán; tổng số lượng giao dịch qua tài khoản Mobile-Money của khách hàng từ khi triển khai thí điểm lũy kế đến cuối năm 2023 (bao gồm giao dịch nạp/rút/chuyển tiền/thanh toán) là hơn 70,3 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch gần 3.093 tỉ đồng. Nhìn chung, qua kết quả thực tế triển khai của 03 doanh nghiệp thực hiện thí điểm cho thấy mục tiêu tiếp cận khách hàng tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam đã đạt được mục tiêu đặt ra. Ngày 18/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 192/NQ-CP gia hạn thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money đến hết ngày 31/12/2024.
Về an toàn dữ liệu, Bộ Công an xác định việc xây dựng hành lang pháp lí về bảo vệ dữ liệu cá nhân là giải pháp căn bản để giải quyết thực trạng dữ liệu cá nhân bị mua bán, bị lộ, bị mất tràn lan như hiện nay. Thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật của Chính phủ, Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Cụ thể, ngày 17/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân sau 04 năm xây dựng, đánh dấu bước tiến lớn đầu tiên trong nỗ lực xây dựng hành lang pháp lí nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam một cách hiệu quả; giảm thiểu tối đa những nguy cơ và hệ quả của các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, chung tay với cộng đồng quốc tế trong xử lí các nguy cơ, thách thức đến từ không gian mạng. Đây là văn bản nền móng để từ đó đúc rút kinh nghiệm tổng kết thực tiễn tiến tới xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Mặc dù chuyển đổi số ngành Ngân hàng diễn ra mạnh mẽ nhưng vẫn còn một số khó khăn, thách thức như: (i) Thói quen, tâm lí sử dụng tiền mặt của người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tâm lí e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới của một bộ phận người dân gây trở ngại cho phát triển TTKDTM; (ii) Xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tội phạm lợi dụng dịch vụ ngân hàng cho mục đích bất hợp pháp, rửa tiền, trốn thuế, gian lận, lừa đảo...; (iii) Các quy định pháp lí tạo thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cần tiếp tục được rà soát, bổ sung và ban hành.
2. Nhận diện rủi ro với khách hàng nông dân trong sử dụng dịch vụ ngân hàng trên môi trường điện tử
Cùng với sự bùng nổ của Internet, Mobile, mạng xã hội... các dịch vụ ngân hàng hiện đại Internet Banking, Mobile Banking, SMS Banking được khách hàng nông dân đón nhận... Bên cạnh những ưu điểm của các dịch vụ ngân hàng kĩ thuật số mang lại cho khách hàng vẫn còn không ít những rủi ro trong lĩnh vực này cũng đã và đang tác động, ảnh hưởng đến người nông dân, trong đó có tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, gây hoang mang, bức xúc trong xã hội. Do đó, những hiện tượng này cần được nhận diện, cảnh báo để góp phần phòng ngừa rủi ro cho hàng triệu nông dân đang có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm.
Theo các chuyên gia về công nghệ ngân hàng, hiện nay các nạn nhân phải đối diện với các rủi ro liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, tài chính trên không gian mạng, đặc biệt trong thanh toán điện tử như sau:
- Đánh cắp thông tin bảo mật như số tài khoản, mật khẩu, mã OTP, mã PIN... để chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản ngân hàng điện tử/thẻ để trục lợi; đánh cắp thông tin truy cập dịch vụ của khách hàng: Tên đăng nhập, mật khẩu truy cập dịch vụ Internet Banking, mật khẩu truy cập email cá nhân, mã xác nhận giao dịch một lần sau đó thực hiện việc giao dịch lấy cắp tiền của khách hàng dưới nhiều hình thức.
- Lừa khách hàng tự chuyển tiền cho kẻ gian. Việc lừa lấy thông tin thường được kẻ gian thực hiện bằng cách thông báo về việc khách hàng đã trúng thưởng, được ngân hàng hoàn tiền và họ cần xác nhận để được nhận lại tiền hoặc giả danh bạn bè trên mạng xã hội để nhờ khách hàng chuyển tiền, nạp tiền điện tử trên các kênh ngân hàng kĩ thuật số vào tài khoản hay số điện thoại của kẻ gian để lấy cắp tiền.
- Đối tượng lừa đảo lợi dụng giấy tờ bị thất lạc của khách hàng để thực hiện đăng kí mới/kích hoạt lại dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng tại quầy để chiếm đoạt quyền sử dụng.
- Các đối tượng còn sử dụng nhiều hình thức lừa đảo như hình chụp chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sao chép thông tin chứng minh nhân dân thật để làm phiên bản giả rồi thay ảnh của chính mình vào để chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.
- Các đối tượng nghiên cứu thông tin trên chứng minh nhân dân, căn cước công dân như hình ảnh, tên tuổi, quê quán, nơi ở, giới tính... của nạn nhân rồi giả người của các cơ quan chức năng (công an, kiểm sát viên, thanh tra, tòa án...) gọi điện đến hù dọa hoặc mồi chài các khoản có lợi để nạn nhân mắc bẫy. Theo thống kê của Bộ Công an, thủ đoạn giả danh này chiếm hơn 65% số vụ lừa đảo.
- Lừa đảo qua SMS (giả mạo tin nhắn SMS Brandname của chính ngân hàng).
- Lừa đảo qua tài khoản Facebook Messenger (giả mạo người thân, người quen của khách hàng); hack tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook…) của bạn bè, người thân của khách hàng và giả mạo bạn bè, người thân của khách hàng sau đó đề nghị khách hàng cung cấp thông tin, tự chuyển tiền tới tài khoản lừa đảo hoặc nhờ nhận tiền hộ sau đó dụ khách hàng truy cập vào link lừa đảo.
- Lừa đảo qua email (chủ yếu là gửi email chứa link độc hại): Các đối tượng sẽ gửi email cảnh báo giả tới email cá nhân của khách hàng với danh nghĩa là ngân hàng, từ đó yêu cầu khách hàng khai báo thông tin trên các đường dẫn độc được đính kèm email.
- Đánh cắp thông tin từ website giả mạo (phishing website): Hacker tạo trang web với giao diện sao chép giống hệt website chính thống của ngân hàng và lừa người dùng truy cập để đánh cắp thông tin hoặc lây nhiễm mã độc.
Về phía người sử dụng dịch vụ, đặc biệt khu vực nông thôn thường gặp các lỗi trong giao dịch trên không gian mạng liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, tài chính như: Thiếu kiến thức về công nghệ thông tin nên lúng túng khi thực hiện các giao dịch dẫn đến những sơ hở, thiếu sót để kẻ xấu lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo; cho mượn tài khoản, bị lộ mật khẩu (do mật khẩu yếu, dùng chung mật khẩu, lưu mật khẩu không an toàn); thiếu các giải pháp mang tính chống chối bỏ giao dịch hoặc chỉ áp dụng với các giao dịch hạn mức rất lớn trong khi các phương thức xác thực truyền thống như Username & Password, SMS OTP dễ bị đánh cắp và vượt qua...; mất cảnh giác với các giao dịch bất thường.
Một bộ phận không nhỏ người dân có thói quen sử dụng tiền mặt, nên khi giao dịch trên môi trường điện tử, tâm lí của nhiều người là muốn các giao dịch dễ dàng, sẵn sàng bỏ qua những biện pháp phòng, tránh cần thiết. Khách hàng nông dân thường nhẹ dạ, cả tin với các thông tin trên không gian mạng, thiếu kĩ năng phân tích, đánh giá rủi ro; không cập nhật, tìm hiểu những thông tin về phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng. Mặc dù các cơ quan chức năng và các cơ quan truyền thông đã thường xuyên tuyên truyền, thông báo, cảnh báo về hoạt động của tội phạm trên không gian mạng nhưng nhiều người vẫn trở thành nạn nhân của tội phạm do không quan tâm tìm hiểu về hoạt động của loại tội phạm này; thiếu kiến thức về pháp luật, không phân biệt được hành vi trái pháp luật do tội phạm thực hiện như các nguyên tắc giao dịch, làm việc của các cơ quan có thẩm quyền (ngân hàng, bưu điện, công an, tòa án, thanh tra...) nên bị tội phạm dẫn dụ, lừa đảo.
Không ít người dân còn đăng tải công khai dữ liệu cá nhân, dẫn tới bị chiếm đoạt. Xuất hiện tâm lí sẵn sàng đánh đổi dữ liệu cá nhân lấy tiện ích về mặt công nghệ. Việc đăng tải quá nhiều thông tin cá nhân trên không gian mạng trở thành “miếng mồi béo bở” cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, làm nhục, khủng bố, phá hoại..., ảnh hưởng tới tinh thần, vật chất của chủ thể dữ liệu.
Việc các công ty cho phép các bên thứ ba tiếp cận dữ liệu cá nhân nhưng không có yêu cầu, quy định chặt chẽ cũng là một nguyên nhân dẫn tới bị lộ, mất dữ liệu cá nhân.
3. Phòng ngừa, hạn chế rủi ro trong sử dụng dịch vụ ngân hàng số cho khách hàng nông dân
Về phía NHNN
(i) Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lí, cơ chế, chính sách về TTKDTM, chuyển đổi số.
(ii) Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng và Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNNVN (giữa Bộ Công an và NHNN) triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030), nhằm thúc đẩy, tạo thuận lợi cho các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng; trong đó tập trung triển khai, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho phép các tổ chức tín dụng có thể tổ chức xác minh thông tin nhận biết khách hàng, làm sạch dữ liệu và hỗ trợ khách hàng trong tiếp cận các dịch vụ ngân hàng.
(iii) Phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về dịch vụ Mobile-Money.
(iv) Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật hoạt động thanh toán, ngân hàng, phối hợp xử lí tội phạm công nghệ cao; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng; đồng thời đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kĩ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng.
Về phía các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán
Thiết lập cơ chế giám sát quản lí rủi ro hiệu quả trong các hoạt động dịch vụ ngân hàng kĩ thuật số; cần tuân thủ nguyên tắc đảm bảo an toàn thông tin khách hàng.
Có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi sử dụng dịch vụ, cụ thể bao gồm: Cung cấp thông tin dịch vụ Internet Banking trước khi khách hàng đăng kí sử dụng dịch vụ. Trong đó, bao gồm các điều kiện cần thiết về trang thiết bị sử dụng; cách thức truy cập dịch vụ; hạn mức giao dịch và các biện pháp xác thực giao dịch; các rủi ro liên quan đến sử dụng dịch vụ; hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ an toàn, bảo mật; cung cấp cho khách hàng thông tin về đầu mối tiếp nhận thông tin, số điện thoại đường dây nóng và chỉ dẫn cho khách hàng quy trình, cách thức phối hợp xử lí các lỗi và sự cố trong quá trình sử dụng dịch vụ; tăng cường đầu tư hạ tầng kĩ thuật số, chất lượng nhân lực về công nghệ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại địa bàn nông thôn nhằm đảm bảo an ninh, bảo mật dữ liệu và ứng cứu xử lí kịp thời các tình huống phát sinh; cảnh giác trước các giao dịch bất thường, có dấu hiệu lừa đảo, kịp thời thông tin, can thiệp với khách hàng và các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho khách hàng là nông dân qua đó giúp cho nông dân nâng cao hiểu biết trong quá trình sử dụng sản phẩm tài chính số, giảm thiểu rủi ro cho bà con; xây dựng đội ngũ giám sát và phân tích, cảnh báo rủi ro về gian lận; đào tạo đội ngũ chăm sóc khách hàng xử lí các trường hợp gian lận; xây dựng các kịch bản, quy trình, hướng dẫn ứng phó chi tiết với các sự cố về gian lận trực tuyến; xây dựng quy trình giám sát, cảnh báo các giao dịch gian lận; xây dựng quy trình kiểm soát chặt ngay từ khâu mở tài khoản tại quầy. Đặc biệt cần đẩy mạnh truyền thông, qua đó giúp cho nông dân nâng cao hiểu biết trong quá trình sử dụng sản phẩm tài chính số, giảm thiểu rủi ro cho bà con nông dân.
Với quan điểm coi dữ liệu cá nhân là tài nguyên đầu vào quan trọng của quá trình chuyển đổi số, các tổ chức, cá nhân cần tuân thủ nghiêm quy định của Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân; tuân thủ nguyên tắc xử lí dữ liệu cá nhân, trong đó đặc biệt lưu ý Nghị định quy định cấm mua, bán dữ liệu cá nhân dưới mọi hình thức, trừ trường hợp luật quy định khác.
Về phía khách hàng là nông dân
Cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn của các ngân hàng cung cấp dịch vụ ngân hàng, đăng kí nhận tin thông báo thay đổi số dư giao dịch; không mua/bán, không thuê/cho thuê/mượn tài khoản cá nhân...
Không cung cấp thông tin bảo mật các dịch vụ ngân hàng kĩ thuật số (trừ khi khách hàng chủ động gọi đến hotline của ngân hàng) như: Mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch một lần, mật khẩu truy cập địa chỉ email cá nhân… cho bất kì ai và bằng bất cứ hình thức nào. Không truy cập các trang web không đáng tin cậy, hoặc nhập vào bất kì đường link nào yêu cầu cung cấp, cập nhật thông tin cá nhân và thông tin dịch vụ ngân hàng kĩ thuật số. Không chọn chế độ lưu mật khẩu đăng nhập Internet Banking trên thiết bị sử dụng chung, trên máy tính công cộng... Bảo vệ và thay đổi thường xuyên mật khẩu truy cập các dịch vụ ngân hàng kĩ thuật số để bảo vệ toàn bộ giao dịch của bản thân và cài đặt mật khẩu bảo đảm nguyên tắc an toàn. Đăng kí sử dụng dịch vụ nhận tin nhắn chủ động để nhận thông báo các biến động liên quan đến tài khoản cá nhân. Ưu tiên sử dụng máy tính cá nhân có cài đặt cập nhật các phần mềm diệt virus để truy cập các dịch vụ ngân hàng kĩ thuật số... Trong trường hợp bị lộ hoặc nghi ngờ bị lộ tên đăng nhập/ mật khẩu khách hàng cần nhanh chóng thông báo tới ngân hàng để được hỗ trợ kịp thời.
Thường xuyên theo dõi, cập nhật các cảnh báo về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến từ các ngân hàng cung cấp dịch vụ, từ các phương tiện truyền thông đại chúng. Thường xuyên cập nhật về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng, qua đó có ý thức và kiến thức phòng ngừa rủi ro.
Người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo qua các dịch vụ ngân hàng điện tử. Mỗi người cần lường trước các kịch bản lừa đảo có thể xảy ra với mình và người thân, sẵn sàng thông báo cho cơ quan chức năng khi có những cuộc gọi, thư điện tử nghi ngờ gửi đến. Người dân cần thông báo nội dung vụ việc đến các tổ chức, cá nhân liên quan và trình bày rõ mình là nạn nhân của hành vi lừa đảo; đồng thời lập vi bằng để có cơ sở bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình...
Bà con nông dân cũng cần quan tâm tìm hiểu, nâng cao hiểu biết về pháp luật để có thể phân biệt được những chức năng, nhiệm vụ, các qui định về trình tự, thủ tục đối với các cơ quan chức năng (công an, tòa án, thanh tra, ngân hàng...) khi làm việc và có các yêu cầu pháp lí với các hành vi lừa đảo qua không gian mạng.
Về phía Hội Nông dân
Là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam có vai trò và trách nhiệm trong việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, tham gia vào nền kinh tế số và phòng ngừa rủi ro trong giao dịch trên nền tảng kĩ thuật số nói chung, trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính nói riêng.
Trước những rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính khi thực hiện chuyển đổi số, Hội Nông dân các cấp cần quan tâm một số nội dung sau đây:
- Chú trọng nâng cao chất lượng công tác truyền thông qua đó giúp nông dân nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và những rủi ro trong quá trình sử dụng dịch vụ ngân hàng trên môi trường điện tử. Trong đó tuyên truyền, phổ biến cho bà con nhận biết các phương thức, thủ đoạn của tội phạm hoạt động trên không gian mạng; cách thức nhận diện những rủi ro để nâng cao cảnh giác. Hình thức tuyên truyền cần đa dạng, phong phú, đơn giản, cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn.
Phổ biến các kĩ năng số cơ bản cho hội viên Hội Nông dân trên các website, fanpage, group zalo... của các tổ chức, tại cuộc sinh hoạt của các hội, chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân... như các kĩ năng cơ bản truy cập và sử dụng Internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.
Thông qua việc tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm trao đổi trực tiếp, trực tuyến để giúp cán bộ các hội và hội viên nông dân hiểu những vấn đề cơ bản của chuyển đổi số và những rủi ro trong giao dịch ngân hàng, tài chính trong quá trình chuyển đổi số.
Đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan chức năng trong hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ nông dân trong nắm bắt các vấn đề cơ bản, quan trọng trong chuyển đổi số lĩnh vực ngân hàng, tài chính. Phối hợp xây dựng, bổ sung những quy định pháp lí về giao dịch ngân hàng, tài chính trong chuyển đổi số nhằm bảo vệ nông dân được an toàn hơn trước những hành vi xâm hại của tội phạm.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
2. Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
3. Thông tư số 35/2016/TT-NHNN ngày 29/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên Internet.
Hà Lan (NHNN)