Tóm tắt: Khuyến khích người lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là một chính sách cần thiết để đảm an sinh và duy trì sự phát triển bền vững cho xã hội. Nhưng ở Việt Nam số người tham gia bảo hiểm tự nguyện ở khu vực lao động này hiện còn rất thấp. Bài viết phân tích những nhân tố cơ bản có ảnh hưởng đến quyết định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của đối tượng lao động phi chính thức, từ đó đưa ra một số đề xuất giúp nâng cao tỷ lệ người lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội.
Từ khóa: An sinh xã hội, Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Lao động khu vực phi chính thức, Phát triển bền vững.
ENHANCING THE RATE OF WORKERS IN THE INFORMAL SECTOR PARTICIPATING VOLUNTARY SOCIAL INSURANCE
Abstract:
Promoting the participation of workers in the informal sector in voluntary social insurance is a necessary policy to secure social welfare and sustain development for society. However, in Vietnam, the number of participants in voluntary insurance in this labor sector is currently very low. This article analyzes the fundamental factors influencing the decision to participate in voluntary social insurance of workers in the informal sector, thereby providing some suggestions to improve the participation rate of informal sector workers in social insurance
Keywords: Social security, Voluntary social insurance, Informal sector workers, Sustainable development
NỘI DUNG
1. Vai trò của bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người lao động thuộc khu vực phi chính thức
1.1. Một số khái niệm chung
Đối tượng lao động ở khu vực phi chính thức là những người lao động làm việc nhưng không ký kết hợp đồng lao động và không có sự ràng buộc giữa người sử dụng lao động và người lao động. Bởi vậy, theo luật định hoặc trên thực tế họ không được pháp luật bảo vệ, không phải đóng thuế thu nhập cá nhân hoặc hưởng các chế độ bảo trợ xã hội và chế độ làm việc khác như không được trợ cấp thai sản, không được thông báo trước về việc sa thải, không được trợ cấp thôi việc. Đối tượng này thường có thu nhập không ổn định và thường xuyên thay đổi nơi làm việc nên khi bị giảm hoặc mất thu nhập họ sẽ gặp phải những rủi ro. Đặc biệt khi về già, họ bị mất khả năng lao động họ rất cần có sự hỗ trợ của bảo hiểm xã hội.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là một loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình nhằm góp phần ổn định cuộc sống cho người lao động. Đồng thời, bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ góp phần đảm bảo công bằng, tiến bộ, văn minh và an sinh xã hội. Có thể nói bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng mạng lưới an sinh xã hội, đặc biệt đối với nhóm lao động khu vực phi chính thức tại Việt Nam.
1.2. Lợi ích của bảo hiểm xã hội tự nguyện
Bảo hiểm xã hội tự nguyện giúp người lao động khu vực phi chính thức có cơ hội tiếp cận các quyền lợi bảo hiểm xã hội, giúp họ có thu nhập khi nghỉ hưu, hỗ trợ tài chính khi gặp rủi ro về sức khỏe, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Khuyến khích tham gia mua bảo hiểm xã hội tự nguyện rất cần thiết đối với người lao động thuộc khu vực phi chính thức. Khi có bảo hiểm, thay vì phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ gia đình hay xã hội khi về già, người lao động sẽ được nhận tiền lương hưu từ quỹ bảo hiểm để chủ động xây dựng quỹ an sinh cho bản thân, tạo sự ổn định tài chính lâu dài
Việc nhiều người lao động tham gia bảo hiểm tự nguyện còn mang lại lợi ích cho Nhà nước. Ngân sách nhà nước sẽ giảm được gánh nặng về các khoản trợ cấp xã hội trong tương lai, góp phần đảm bảo nguồn lực tài chính cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác. Nó giúp tăng cường tính chủ động của người lao động. Khi nhiều lao động tham gia bảo hiểm, họ có động lực làm việc, giảm nguy cơ nghèo khó khi tuổi đã cao, không còn khả năng làm việc từ đó đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Theo đó, khi người lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không những mang lại lợi ích cho khi về già, mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm gánh nặng cho hệ thống phúc lợi xã hội.
2. Thực trạng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của lao động khu vực phi chính thức tại Việt Nam
Người lao động thuộc khu vực phi chính thức thường có đặc điểm là: 1. Thu nhập thường không ổn định, công việc có thể thay đổi theo mùa vụ, theo nhu cầu của thị trường hoặc theo tính chất công việc; 2. Họ thường không được bảo vệ pháp lý đầy đủ, vì luật lao động không có nhiều nội dung nói tới quyền lợi của các đối tượng này; 3. Họ phải tự tạo việc làm hoặc tìm việc ở nhiều nơi nên thường không được công ty và tổ chức cụ thể hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế; 4. Khả năng tiếp cận tín dụng hạn chế vì không có tài sản đảm bảo, cũng không có nơi làm việc cố định để xác nhập thu nhập cho họ, khiến họ sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển kinh tế; 5. Các ngành nghề trong khu vực phi chính thức này rất đa dạng nên có thể có những người thu nhập rất cao, nhưng phần lớn có thu nhập thấp và không thường xuyên. Bởi lao động phi chính thức thường ở thế yếu trong thương lượng để bảo đảm điều kiện làm việc cũng như cơ hội, yêu cầu nâng cao thu nhập.
Chính vì những khó khăn trên nên không phải đối tượng nào trong khu vực lao động phi chính thức cũng sẵn sàng tham gia bảo hiểm xã hội hoặc họ chưa biết đến bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nếu biết thì họ cũng không muốn hoặc không có điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện là một trong những mục tiêu quan trọng trong các chính sách đảm bảo an sinh xã hội của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Năm 2006 Luật Bảo hiểm xã hội đã bổ sung chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện cho tất cả các đối tượng không phải là lao động làm trong các cơ quan, tổ chức và nhà máy, từ đó tạo điều kiện cho người lao động khu vực phi chính thức có cơ hội được hưởng lương hưu khi về già, giúp đảm bảo cuộc sống thiết yếu và sức khỏe về tinh thần cho họ. Luật đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2008 và qua những lần sửa đổi bổ xung năm 2014 tại Khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có quy định thì người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật, lần sửa đổi luật gần nhất là năm 2024 (có hiệu lực từ 1/7/2025) quy định “người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu, tham gia đóng Bảo hiểm xã hội đủ 15 năm thì đủ điều kiện hưởng lương hưu” (BHXH 2024). Tại Khoản 2 Điều 36 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 cũng quy định người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện được đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần cho nhiều năm về sau và một lần cho thời gian đóng Bảo hiểm xã hội còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Theo thống kê Tổng cục thống kê (nay là Cục thống kê) về lao động có việc làm ở khu vực phi chính thức ở Việt Nam: năm 2022 Việt Nam có hơn 33 triệu lao động có việc làm phi chính thức, trong đó có gần 78% tập trung ở khu vực nông thôn, các hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, các tổ hợp tác không qua đào tạo hoặc không có chứng chỉ công nhân trình độ kỹ năng nghề nghiệp; 40,9% lao động phi chính thức làm việc trong 3 nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng và bán buôn - bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy. Lao động phi chính thức có cả trong khu vực chính thức, khoảng 6 triệu lao động (GSO 2022). Dù đã có luật về bảo hiểm tự nguyện, nhưng hiện số lượng lao động khu vực phi chính thức tham gia chưa nhiều. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thống kê tính hết năm 2019, Việt Nam có hơn 36 triệu lao động đang tham gia làm việc trong lĩnh vực phi chính thức nhưng chỉ khoảng 2,2% trong số đó là tham gia bảo hiểm xã hội. Điều này cho thấy độ phủ của Bảo hiểm xã hội ở khu vực lao động này còn rất thấp (tới 97,8%) (ILO (2021).
Do vậy, cần phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến khả năng người lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội, từ đó đưa ra những biện pháp để khuyến khích và hỗ trợ nhằm nâng cao tỷ lệ người lao động ở khu vực phi chính có thể tham gia vào bảo hiểm xã hội tự nguyện, giúp đảm bảo tốt hơn hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam.
3. Các nhân tố ảnh hưởng đến việc tham gia bảo hiểm xã hội của lao động thuộc khu vực phi chính thức
3.1. Tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng đến việc tham gia bảo hiểm tự nguyện qua một số đề tài nghiên cứu
Trên thế giới và tại Việt Nam đã có một số đề tài nghiên cứu về những nhân tố ảnh hưởng đến ý định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Có thể kể đến các công trình sau: Nghiên cứu của Nguyễn Hồng Hà & Lê Long Hồ (2020) và Nguyễn Ngọc Hiền & Lê Thị Thanh Hoa (2023) về ý định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đưa ra các nhân tố là thái độ, chuẩn mực chủ quan, nhận thức kiểm soát hành vi, nhận biết, rào cản giá trị, rủi ro tài chính, rủi ro hiệu quả và ý thức sức khỏe. Nghiên cứu của Phạm Xuân Giang & Nguyễn Thị Thu Hằng (2021) thì cho rằng nhân tố nhận thức kiểm soát hành vi có ảnh hưởng yếu tới ý định tham gia bảo hiểm do người dân chưa tự tin vào khả năng của bản thân mình khi tham gia bảo hiểm. Nghiên cứu của Zakaria & cộng sự (2016) cho thấy những người có tự tin về năng lực, có tiềm lực và hiểu biết về tài chính càng nhiều thì ý định mua bảo hiểm càng cao. Ngoài ra, theo nghiên cứu của Yamada & cộng sự (2009) cũng cho rằng thu nhập là một yếu tố cần cân nhắc. Các tác giả cho rằng những người có thu nhập cao hơn sẽ có xu hướng mua bảo hiểm tự nguyện nhiều hơn. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Nguyệt Dung & Nguyễn Thị Sinh (2019) thì đưa ra các yếu tố Nhận thức sự dễ dàng tham gia, Truyền thông, Nhận thức về sự hữu ích, Thu nhập có ảnh hưởng tới ý định tham gia bảo hiểm.
Về các yếu tố nhân khẩu học, theo Lê Cảnh Bích Thơ & cộng sự (2017), những yếu tố bao gồm giới tính và trình độ học vấn được xem xét là có ảnh hưởng sâu sắc đến nhu cầu và ý định mua bảo hiểm của khách hàng. Còn trong nghiên cứu của Lê Thị Mỹ Như & Nguyễn Tuấn Kiệt (2020) thì chỉ ra tuổi tác cũng có ảnh hưởng quan trọng tới ý định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của người dân.
Các nhân tố được chỉ ra ở các trên đây, chủ yếu là nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến ý định mua bảo hiểm tự nguyện của các đối tượng ở một số khu vực ở Việt Nam. Trên cơ sở kế thừa những nhân tố ảnh hưởng đến tố quyết định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được nói đến trong các tài liệu được kể ở trên. Nhóm tác giả tập trung nghiên cứu về đối tượng lao động thuộc khu vực phi chính thức, trong đó có đưa ra một số nhân tố mới, phù hợp với đặc điểm của đối tượng lao động này.
Với những đặc điểm của đối tượng lao động thuộc khu vực phi chính thức, kế thừa những nhân tố được chỉ ra ở những nghiên cứu trước đó, nhóm tác giả cho rằng quyết định việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của đối tượng lao động thuộc khu vực kinh tế phi chính thức sẽ bị ảnh hưởng bởi những tố sau:
Thu nhập: Lao động khu vực phi chính thức thường có thu nhập không ổn định hoặc thấp vì vậy chỉ những người có mức thu nhập tương đối cao hoặc có tình hình tài chính ổn định mới có khả năng và quyết định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tính chất công việc: Những lao động thuộc khu vực phi chính thức thường không có hợp đồng lao động hoặc không có những ràng buộc pháp lý rõ ràng giữa người lao động và người sử dụng lao động. Một số công việc trong khu vực phi chính thức có thể không có người sử dụng lao động cụ thể hoặc cố định, gây khó khăn trong việc xác định trách nhiệm đóng bảo hiểm. Vì vậy, việc tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho đối tượng này rất phức tạp. Theo đó, người lao động thuộc khu vực phi chính thức thường không được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm, bản thân họ cũng có tâm lý ngại tham gia bảo hiểm xã hội vì hoàn cảnh làm việc bấp bênh, thu nhập không ổn định.
Tiếp cận thông tin tích cực về bảo hiểm xã hội: Nếu người lao động khu vực phi chính thức nhận thức được các quyền lợi mà bảo hiểm xã hội như: quyền lợi về hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp, lợi ích lâu dài và khả năng bảo vệ tài chính khi về già họ sẽ có xu hướng muốn tham gia hơn.
Thủ tục tham gia bảo hiểm: ngoài việc được cung cấp thông tin về bảo hiểm một cách rõ ràng, thì người lao động cần nhận được sự tư vấn nhiệt tình của bên bán bảo hiểm, đặc biệt thủ tục tham gia bảo hiểm phải dễ dàng, thuận tiện thì người lao động mới quyết định tham gia. Ngược lại, họ ngại ngần tham gia bảo hiểm nếu các thủ tục hành chính phức tạp và mất thời gian.
Các chính sách của nhà nước: Các gói hỗ trợ hoặc trợ cấp từ chính phủ (như hỗ trợ chi phí tham gia bảo hiểm xã hội, hoặc các chương trình hỗ trợ khác) có thể làm tăng tỷ lệ tham gia. Nếu chính quyền địa phương có các chương trình khuyến khích, tư vấn và hỗ trợ các lao động khu vực phi chính thức, điều này có thể tạo động lực cho họ tham gia.
Ảnh hưởng từ gia đình: Môi trường gia đình có ảnh hưởng lớn đến quyết định tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động phi chính thức. Nếu trong gia đình hoặc cộng đồng có những người có ý thức cao về tham gia bảo hiểm xã hội, đã được hưởng lợi từ hệ thống bảo hiểm, họ sẽ khuyến khích tạo động lực cho người trong gia đình tham gia bảo hiểm.
Ảnh hưởng từ cộng đồng: Nếu người lao động sống trong một số cộng đồng chưa phổ biến hoặc chưa được xem là cần thiết thì người lao động thường ít hoặc không tham gia bảo hiểm xã hội. Hoặc trong một số cộng đồng, ý thức tập thể và tương trợ lẫn nhau cũng có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội. Bởi họ sẽ dựa vào sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè khi gặp khó khăn, thay vì dựa vào bảo hiểm xã hội.
Cảm giác tin tưởng vào hệ thống bảo hiểm xã hội: Nếu lao động không tin tưởng vào hiệu quả của hệ thống bảo hiểm xã hội, hoặc lo ngại về sự minh bạch và khả năng chi trả khi họ cần, họ có thể không muốn tham gia. Những trải nghiệm tiêu cực của người tham gia bảo hiểm xã hội như không nhận được quyền lợi như mong đợi, thủ tục rườm rà hoặc những thông tin không tốt về bảo hiểm xã hội trên các Phương tiện truyền thông cũng có thể giảm niềm tin của họ.
Tóm lại, việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của lao động khu vực phi chính thức phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ nhận thức cá nhân đến môi trường xã hội, chính sách của nhà nước, đặc biệt là phụ thuộc và cá nhân người tham gia như: thu nhập, nhận thức, điều kiện công việc...
4. Một số đề xuất nhằm nâng cao tỉ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của đối tượng lao động khu vực phi chính thức
Tâm lý của đối tượng lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức khi quyết định mua bảo hiểm xã hội tự nguyện thường mang tính phức tạp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Theo đó, các chính sách bảo hiểm cần phải được thiết kế sao cho phù hợp với hoàn cảnh tài chính và tâm lý của đối tượng này để khuyến khích họ tham gia. Trên cơ sở những nhân tố ảnh hưởng kể trên, có thể đưa một số đề xuất giúp nâng cao tỷ lệ tham gia bảo hiểm của nhóm người lao động phi chính thức.
Tuyên truyền để người lao động có hiểu biết về bảo hiểm xã hội: Tăng cường truyền thông thông qua nhân viên bảo hiểm hoặc tăng cường các bài viết trên các mạng xã hội để tiếp cận tới các đối tượng lao động phi chính thức, những người làm công việc tự do để họ hiểu rõ về quyền lợi và lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Phối hợp với các tổ chức, cộng đồng: Hợp tác với các tổ chức xã hội, các đơn vị xã-phường, các tổ chức công đoàn để vận động và kết nối lao động phi chính thức với các cơ quan bảo hiểm xã hội. Tạo ra các chương trình cộng đồng giúp chia sẻ thông tin và kết nối những người lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội.
Linh hoạt trong mức đóng bảo hiểm xã hội: Đối tượng thuộc khu vực phi chính thức phần lớn có thu nhập không cao và không ổn định, bởi vậy cần tạo ra các lựa chọn linh hoạt về mức đóng, giúp người lao động phi chính thức có thể tham gia bảo hiểm xã hội một cách thuận lợi. Ngoài ra, cần đưa ra các mức đóng phù hợp với khả năng tài chính của đối tượng lao động này, có thể bắt đầu từ mức thấp và tăng dần theo thời gian. Hoặc có thể khuyến khích nhóm lao động phi chính thức đóng thành các khoản đóng nhỏ, đóng theo từng giai đoạn hoặc theo nhóm.
Chính sách hỗ trợ tài chính: Chính phủ có thể áp dụng các chính sách hỗ trợ tài chính hoặc trợ cấp cho người lao động khu vực phi chính thức khi họ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cung cấp các gói hỗ trợ cho nhóm lao động có thu nhập thấp hoặc các hộ gia đình khó khăn.
Xây dựng mô hình bảo hiểm linh hoạt cho nhóm lao động phi chính thức: Một trong những đặc thù của nhóm lao động phi chính thức là thu nhập không ổn định bởi vậy nên xây dựng các mô hình bảo hiểm xã hội tự nguyện linh hoạt, phù hợp với tính chất công việc của lao động phi chính thức.
Cải cách thủ tục hành chính: Đơn giản hóa thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để người lao động dễ dàng đăng ký và đóng bảo hiểm, đặc biệt là đối với lao động phi chính thức không có giấy tờ lao động chính thức. Cung cấp các công cụ hỗ trợ trực tuyến, ứng dụng di động giúp người lao động dễ dàng tra cứu thông tin và thực hiện đóng bảo hiểm xã hội.
Hiện nhà nước cũng đã đưa ra một số chính sách để khuyến khích người lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, tỷ lệ người lao động phi chính thức không tham gia bảo hiểm xã hội vẫn chưa cao, điều này dẫn đến hệ thống hỗ trợ người lao động trong những trường hợp rủi ro, gặp biến cố trong quá trình lao động bị hạn chế rất nhiều. Có thể thấy lao động phi chính thức được bao phủ bởi mạng lưới an sinh còn vẫn rất ít.
Bởi vậy, trên cơ sở những nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tham gia bảo hiểm xã hội của những người lao động khu vực phi chính thức, cần tăng cường truyền thông để họ hiểu biết về lợi ích của bảo hiểm, đồng thời hỗ trợ họ về kinh phí và chính sách đóng bảo hiểm. Bên cạnh đó cũng cần kết hợp với các ban ngành, đoàn thể địa phương để kết nối người tham gia với bảo hiểm xã hội, đơn giản hóa thủ tục hành chính và linh hoạt trong cách đóng tiền. Tất cả những giải pháp này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, nhằm giúp lao động khu vực phi chính thức nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và giúp họ dễ dàng tham gia hơn. Có thể thấy, cần có nhiều sự hỗ trợ từ nhiều phía và chính sách bảo hiểm linh hoạt để phù hợp mới có thể nâng cao tỷ lệ tham gia bảo hiểm của nhóm lao động này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Dung, N. T. N., & Sinh, N. T. (2019). Study on the factors affecting the participating intention of voluntary social insurance of employees in Thach That, Hanoi. Jounal of Science&Technology, 53, 107-112.
Giang, P. X., & Hằng, N. T. T. (2021). Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định mua Bảo hiểm nhân thọ của người dân: Trường hợp nghiên cứu tại quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. Journal of Science and Technology-IUH, 54(06).
Hà, N. H. (2020). Lê Long Hồ.(2020).‘. Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện của người lao động khu vực phi chính thức tại tỉnh Kiên Giang,’Tạp chí Tài chính, tháng, 9, 106-109.
Hiền, N. N., & Hoa, L. T. T. (2023). Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định mua bảo hiểm xã hội tự nguyện của người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh. https://doi.org/10.52932/jfm.vi2.328
ILO (2021). “Lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam: Xu hướng và các yếu tố tác động”, ILO (2021)
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (Quốc hội khóa XIII).
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 (Quốc hội khóa XV).
Như, L. T. M. & Kiệt, N. T. (2020) sự sẵn sàng chi trả bảo hiểm y tế tự nguyện của các cá nhân SỰ SẴN SÀNG CHI TRẢ BẢO HIỂM Y TẾ TỰ NGUYỆN CỦA CÁC CÁ NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG.
Thơ, L. C. B., Tuấn, V. V., & Tâm, T. T. T. (2017). Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua BHYT tự nguyện của người dân thành phố Cần Thơ. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 48, Phần D (2017), 20-25.
Tổng cục Thống kê (GSO). (2022, 12). Tổng quan về lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam. https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2022/12/LAO-DONG-CO-VIEC-LAM-PHI-CHINH-THUC-O-VIET-NAM-final-25.11-2.pdf
Yamada, T., Chen, C. C., Yamada, T., Noguchi, H., & Miller, M. (2009). Private health insurance and hospitalization under Japanese national health insurance. The Open Economics Journal, 2, 61-70.Zakaria, Z., Azmi, N. M., Hassan, N. F. H. N., Salleh, W. A., Tajuddin, M. T. H. M., Sallem, N. R. M., & Noor, J. M. M. (2016). The intention to purchase life insurance: A case study of staff in public universities. Procedia Economics and Finance, 37, 358-365.
TS. Nguyễn Lan Anh - Th.S Trần Thị Thu Phương