Ngày 17/10/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức công bố quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Xây dựng Việt Nam (CBBank) cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB).
Đây là một bước đi đáng chú ý trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng yếu kém tại Việt Nam, đặt Vietcombank - một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất hệ thống - vào vị thế “đầu tàu” trong việc dẫn dắt phục hồi một ngân hàng đang gặp khó khăn.
Quyết định này mở ra nhiều cơ hội cho Vietcombank nhưng cũng đồng thời đặt ra không ít thách thức. Câu hỏi đặt ra là: Vietcombank sẽ được gì và mất gì khi nhận chuyển giao một ngân hàng từng được coi là “bài toán khó” của ngành Ngân hàng?
Cơ hội mở rộng hệ sinh thái
CBBank là ngân hàng được thành lập trên cơ sở hợp nhất, xử lý các tồn đọng nghiêm trọng về tài chính, tín dụng từ TrustBank, từng lâm vào tình trạng thua lỗ kéo dài và buộc phải trở thành ngân hàng được Nhà nước mua lại với giá 0 đồng. Trong gần một thập kỷ, CBBank tồn tại dưới sự kiểm soát đặc biệt của NHNN, không phát triển quy mô nhưng vẫn duy trì hoạt động ổn định nhờ vào hỗ trợ từ các cơ quan chức năng.
Với quyết định chuyển giao mới, CBBank vẫn tiếp tục hoạt động dưới mô hình ngân hàng thương mại TNHH một thành viên, nhưng lần này, chủ sở hữu 100% vốn là Vietcombank. Đây là sự thay đổi mang tính bước ngoặt: CBBank vẫn là một pháp nhân độc lập và không được hợp nhất vào báo cáo tài chính của VCB, tuy nhiên toàn bộ quyền kiểm soát và trách nhiệm tái cơ cấu thuộc về Vietcombank.
Dễ thấy nhất là Vietcombank có cơ hội mở rộng quy mô hoạt động nhanh chóng thông qua mạng lưới sẵn có của CBBank. Theo số liệu cập nhật mới nhất, CBBank đang sở hữu mạng lưới 92 điểm giao dịch vốn hiện diện ở nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt tại khu vực phía Nam. Trong bối cảnh Vietcombank đang nỗ lực tăng trưởng quy mô, tăng thị phần và phát triển ngân hàng số, việc “mượn tay” CBBank để phủ sóng thương hiệu và dịch vụ là lựa chọn tiết kiệm thời gian và chi phí so với việc mở rộng theo cách truyền thống.
Đề cập đến lợi ích khi nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém, lãnh đạo Vietcombank từng khẳng định: Đây là một phần trách nhiệm và cũng là cơ hội cho Vietcombank. Bởi ngân hàng chỉ làm tốt khi nằm trong một hệ thống ngân hàng ổn định.
Cũng theo lộ trình, Vietcombank có quyền sáp nhập hoặc thoái vốn tại CBBank cho nhà đầu tư khác sau khi kết thúc phương án chuyển giao bắt buộc. Điều này tạo ra một “chiến lược rút lui” rõ ràng, giúp Vietcombank có thêm lựa chọn linh hoạt trong dài hạn. Trong kịch bản thuận lợi, CBBank sau tái cơ cấu có thể trở thành “tài sản có giá” để VCB khai thác hoặc chuyển nhượng, tạo lợi nhuận gián tiếp.
Ngoài ra, Vietcombank được kỳ vọng sẽ khai thác tiềm năng phát triển ngân hàng số từ CBBank thông qua một thương hiệu mới - VCBNeo - hướng tới mô hình ngân hàng số độc lập, cạnh tranh với các Fintech và Neo-bank trong khu vực. Với lợi thế hạ tầng sẵn có, cộng thêm sự hỗ trợ từ hệ sinh thái công nghệ, đây có thể là “phòng thí nghiệm” hoàn hảo để Vietcombank thử nghiệm các mô hình tài chính mới.
Không chỉ nhận về cơ hội mở rộng, Vietcombank còn được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi từ NHNN để đảm bảo quá trình chuyển giao diễn ra suôn sẻ. Đầu tiên là hạn mức tăng trưởng tín dụng được nới lỏng - một lợi thế rất lớn trong bối cảnh toàn ngành vẫn đang trong cơ chế giao chỉ tiêu tăng trưởng. Với vị thế dẫn đầu và nhu cầu tín dụng từ khách hàng lớn, dư địa tăng trưởng này sẽ trực tiếp giúp Vietcombank mở rộng lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi.
Bên cạnh đó, Vietcombank được tiếp cận các khoản vay đặc biệt từ NHNN với lãi suất ưu đãi, thậm chí là 0% trong thời gian thực hiện chuyển giao. Đây là nguồn lực tài chính cực kỳ quý giá để xử lý các tồn đọng tài chính, nợ xấu hoặc bổ sung vốn lưu động cho CBBank mà không gây áp lực lên bảng cân đối kế toán của Vietcombank.
Đáng chú ý, trong giai đoạn đầu tái cơ cấu, Vietcombank cũng không phải tuân thủ các tỷ lệ an toàn hoạt động đối với CBBank - điều này giúp ngân hàng có thể chủ động xử lý các khoản nợ xấu, tái cấu trúc tài sản và nhân sự mà không lo bị vi phạm quy định.
Công ty Chứng khoán NHSV cũng đánh giá, việc nhận chuyển giao CBBank không chỉ giúp Vietcombank gia tăng số lượng khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu giao dịch ngoại hối mà còn tận dụng hệ thống công nghệ và nền tảng tài chính số của CBBank để phát triển mạnh hơn nữa trong lĩnh vực ngoại hối. Điều này tạo ra cơ hội mở rộng quy mô kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ và gia tăng doanh thu từ hoạt động ngoại hối trong những năm tiếp theo.
Gánh nặng tái cơ cấu và bài toán nợ xấu
Tuy nhiên, mọi đặc quyền đều đi kèm với trách nhiệm. CBBank vẫn là một “ca khó” trong hệ thống ngân hàng, với gánh nặng nợ xấu hàng chục nghìn tỷ đồng. Vietcombank sẽ phải dồn nguồn lực đáng kể về tài chính, công nghệ và đặc biệt là nhân sự để tái cấu trúc CBBank một cách toàn diện - từ xử lý tài sản xấu, thay đổi văn hóa doanh nghiệp, tới nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin.
Một trong những rủi ro lớn nhất là việc xử lý các khoản nợ xấu tồn đọng - vốn không chỉ phức tạp về mặt pháp lý mà còn tiềm ẩn rủi ro về thời gian thu hồi. Trong khi đó, mọi chi phí tái cơ cấu, bao gồm xử lý nợ, đầu tư công nghệ, đào tạo nhân sự… đều sẽ phải được Vietcombank cân nhắc kỹ lưỡng để không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Thực tế, mô hình ngân hàng số VCBNeo tuy có tiềm năng nhưng cũng đòi hỏi đầu tư lớn và rủi ro cao nếu không đạt được tốc độ tăng trưởng người dùng như kỳ vọng.
Một điểm khác, việc tiếp nhận CBBank, dù không hợp nhất vào báo cáo tài chính vẫn có thể tác động gián tiếp đến tâm lý cổ đông và nhà đầu tư. Câu hỏi đặt ra là liệu Vietcombank có thể giữ vững tỷ suất sinh lời (ROE, ROA) cao như hiện nay trong giai đoạn tập trung tái cơ cấu CBBank? Nếu việc xử lý kéo dài hoặc phát sinh vấn đề ngoài dự kiến, không loại trừ khả năng ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu và kỳ vọng cổ tức trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, nếu thành công, thương vụ này sẽ chứng minh năng lực lãnh đạo, điều hành và chiến lược dài hạn của ban lãnh đạo Vietcombank - yếu tố ngày càng được các nhà đầu tư dài hạn quan tâm.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2025 của VCBNeo, lãnh đạo Vietcombank cho biết đã triển khai một số giải pháp tích cực hỗ trợ ngân hàng này, đồng thời định hướng cho sự phát triển trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch HĐQT Vietcombank nhận định VCBNeo sẽ còn nhiều vấn đề cần giải quyết trong ngắn và trung hạn, song khẳng định Vietcombank cam kết hỗ trợ tối đa cho VCBNeo trong giai đoạn phát triển mới.
Trong bối cảnh Vietcombank bước vào giai đoạn đầu tiên của quá trình tái cơ cấu CBBank, ĐHĐCĐ 2025 diễn ra vào cuối tháng 4 này được kỳ vọng sẽ làm rõ hơn lộ trình, nguồn lực và quyết tâm của VCB trong thương vụ này.
Điểm đáng chú ý trong chương trình đại hội lần này là việc Vietcombank sẽ trình cổ đông thông qua phương án khắc phục trong trường hợp được can thiệp sớm theo quy định của NHNN - một tín hiệu cho thấy ngân hàng đã chuẩn bị sẵn sàng về chiến lược, cả trong kịch bản thuận lợi lẫn thách thức.
Đặc biệt, việc Vietcombank vừa hoàn tất đợt phát hành hơn 2,76 tỷ cổ phiếu cho 33.163 cổ đông, qua đó tăng vốn điều lệ từ 55.891 tỷ đồng lên 83.557 tỷ đồng - là ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất trong hệ thống - không chỉ nhằm tăng năng lực tài chính phục vụ hoạt động cốt lõi, mà còn tạo “bộ đệm vốn” vững chắc cho quá trình hỗ trợ CBBank. Với tiềm lực này, Vietcombank hoàn toàn có thể chủ động trong việc đầu tư hạ tầng, xử lý nợ xấu và củng cố năng lực vận hành của VCBNeo trong giai đoạn đầu tái cơ cấu.
Theo giới phân tích, tăng vốn không chỉ giúp đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn (CAR) khi nhận thêm rủi ro từ một tổ chức tín dụng yếu kém, mà còn là điều kiện tiên quyết để duy trì đà tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận.
Thương vụ nhận chuyển giao CBBank vì thế không chỉ đơn thuần là “câu chuyện tái cấu trúc một ngân hàng yếu kém”, mà đang trở thành một phần trong chiến lược phát triển dài hạn, nâng tầm Vietcombank trở thành ngân hàng quốc gia với quy mô toàn diện, năng lực quản trị rủi ro vượt trội và vị thế dẫn dắt toàn ngành.
Nguyễn Nga