Yên Bái: Xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững Sàn thương mại điện tử chung tay tiêu thụ nông sản cho bà con miền núi, vùng dân tộc |
Xác định vai trò nòng cốt quan trọng của lực lượng phụ nữ, nông dân trong đảm bảo thực phẩm an toàn, Chính phủ đã tiếp tục ký kết Chương trình phối hợp số 01 giai đoạn 2021-2025 nhằm phát huy vai trò của hai tổ chức là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam trong việc tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm, kinh doanh, tiêu thụ, sản xuất nông sản an toàn.
Nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản an toàn. Ảnh VOV |
Trong quá trình thực hiện, Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh, thành đã chủ động đề xuất với UBND triển khai hoạt động bằng nhiều hình thức sáng tạo, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Thông qua công tác tuyên truyền đã hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống bằng việc tích cực, chủ động tham gia hoạt động kết nối cung cấp, tiêu thụ nông sản an toàn có chất lượng cao, giá trị gia tăng bền vững.
Cũng nhờ đẩy mạnh thông tin đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tích cực đồng hành với mong muốn nâng cao vai trò của phụ nữ trong kết nối cung cấp tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn, bền vững.
Điển hình trong đó phải kễ đến Chuỗi Organic Green. Đồng hành cùng Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Hà Nội hơn 4 năm, Chuỗi Organic Green không chỉ giúp hơn 35.000 hội viên phụ nữ tiếp cận, dùng thử, mua sử dụng sản phẩm an toàn, mà thông qua việc phối hợp với các đơn vị đã tổ chức cho cán bộ, hội viên phụ nữ tham quan các cơ sở chăn nuôi liên kết với chuỗi, nhà máy giết mổ, chế biến thực phẩm, rau sạch... qua đó, nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ biết đến và sử dụng.
Tại các phường, hội viên phụ nữ đã đứng ra và nhận làm điểm cung cấp thực phẩm an toàn của chuỗi cung ứng, vừa thuận tiện cho người tiêu dùng, vừa được sử dụng những sản phẩm an toàn, chất lượng mà nhà sản xuất cũng được quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình với hơn 100 điểm bán đang hoạt động tích cực tại 12 quận nội thành.
Cùng quan điểm đồng hành nhằm góp phần giúp phụ nữ có thể tham gia trọn vẹn mọi hoạt động kinh tế tại nơi làm việc và cộng đồng, Nestlé Việt Nam bên cạnh triển khai chương trình canh tác cà phê bền vững theo hướng nông nghiệp tái sinh, chương trình NESCAFÉ Plan được Nestlé triển khai tại các tỉnh Tây Nguyên từ năm 2011 đến nay còn góp phần nâng cao vai trò của phụ nữ trong canh tác cây cà phê bền vững.
Là nữ trưởng nhóm tiêu biểu của chương trình, chị Mai Thị Nhung tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk cho biết: Trước đây, gia đình chị canh tác cà phê theo tập quán truyền thống với cây giống cũ, năng suất và chất lượng không cao. Tuy nhiên, các kỹ thuật canh tác bền vững được tập huấn thông qua NESCAFÉ Plan, như cách chọn giống cây trồng mới có năng suất cao, kháng sâu bệnh, đã giúp gia đình đã tái canh và cải tạo thành công vườn cà phê già cỗi, nâng cao năng suất và chất lượng hạt cà phê.
Chị Mai Thị Nhung chia sẻ về phương pháp sản xuât nhằm tiết kiệm chi phí cũng như tạo giá trị sản xuất an toàn |
Đặc biệt áp dụng sáng kiến ủ vỏ cà phê làm phân vi sinh, đo độ ẩm của đất bằng chai nước… đã giúp chị Nhung giảm 20-30% lượng phân bón hóa học, tiết kiệm được 40-60% nước dùng cho tưới tiêu, giảm chi phí tưới nước khoảng 1-2 lần so với trước. Chị cũng kết hợp các biện pháp làm cỏ bằng tay và bằng máy, không sử dụng thuốc trừ cỏ và các loại thuốc bảo vệ thực vật khác, giúp cải tạo đất và tăng tỷ lệ vi sinh vật trong đất, giúp đất tơi xốp hơn, sản phẩm an toàn.
Nhờ kỹ thuật trồng xen canh hợp lý cây cà phê với các loại cây khác (cây hồ tiêu, cây muồng đen…) sản lượng cà phê của nông trại gia đình chị Nhung trong năm 2022 đạt 3,5 tấn nhân/ha (cao hơn mức 2,5 tấn/ha trước đó), sản lượng tiêu đạt 2,5 tấn/ha và sầu riêng 1,5 tấn, góp phần cải thiện thu nhập của gia đình.
Theo giới chuyên gia, phụ nữ là một trong những lực lượng lao động quan trọng trong nông nghiệp, nông thôn. Việc nâng cao quyền năng kinh tế và vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội tạo điều kiện cho phụ nữ ngày càng phát huy được năng lực, tiếp cận và thích nghi với cơ hội mới, có đóng góp quan trọng cho mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh của Việt Nam.
Song để giúp nhiều phụ nữ có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hàng nông sản an toàn và bền vững, rất cần sự quan tâm của địa phương, đặc biệt có sự góp sức của doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện cho liên kết phát triển bền vững; đưa sản vào các chuỗi siêu thị thuận lợi hơn.
Thanh Tâm