Điều đó cho thấy, Moscow đã tránh rơi vào tình trạng vỡ nợ kỹ thuật có thể xảy ra do các lệnh trừng phạt đối với dự trữ ngoại hối của nước này. Các chuyên gia cho rằng, giấy phép có thể được gia hạn thêm vì sẽ không có lợi cho Mỹ nếu từ chối doanh thu cho các nhà đầu tư của mình.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại trung tâm phân tích và thông tin TeleTrade, Mark Goikhman, giải thích: Lệnh thanh toán được chuyển đến Citibank, nơi Nga có tài khoản bằng đồng đô la đang bị đóng băng. Việc thanh toán có thể được thực hiện theo cách tương tự cho đến ngày 25/5 khi giấy phép của Mỹ hết hạn.
Nhà phân tích thị trường nợ hàng đầu tại Otkritie Investment Alexander Shurakov cho biết lần thanh toán nợ ngoại tệ tiếp theo của Nga là ngày 27/5. Đây là thời điểm Nga sẽ phải thanh toán 71 triệu USD cho các khoản lãi của trái phiếu châu Âu đáo hạn vào năm 2026. Vị chuyên gia này cũng lưu ý, nếu giấy phép của Mỹ không được gia hạn, Nga có thể quay lại ý tưởng thanh toán bằng đồng rúp.
Theo Phó giáo sư Dennis Domashchenko tại Đại học Kinh tế Nga Plekhanov, không có lý do gì để chính phủ Mỹ chọc tức các nhà đầu tư của họ bị mắc kẹt vào trái phiếu Nga.
Cũng trong ngày 18/3, tại cuộc họp Ban Giám đốc Ngân hàng Trung ương Nga đã quyết định tiếp tục giữ lãi suất cơ bản ở mức 20%/năm. Cơ quan quản lý này cho biết, trong bối cảnh thay đổi mạnh mẽ của các điều kiện bên ngoài, việc tăng mạnh tỷ giá ngày 28/2 đã giúp duy trì ổn định tài chính và ngăn chặn việc tăng giá không kiểm soát.
"Trong tương lai, trong quá trình ra quyết định tỷ giá chính, Ngân hàng Trung ương Nga sẽ tính đến diễn biến lạm phát thực tế và dự kiến so với mục tiêu và diễn biến kinh tế trong thời gian dự báo, cũng như rủi ro do các điều kiện trong và ngoài nước gây ra và phản ứng của thị trường tài chính, " cơ quan quản lý cho biết.
Theo thông cáo báo chí từ Ngân hàng Trung ương Nga, tình trạng bất ổn tăng mạnh trong nền kinh tế Nga có tác động tiêu cực đến tâm lý và kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp.
"Các chỉ số đánh giá nhanh, bao gồm khảo sát kinh doanh của Ngân hàng Trung ương Nga, cho thấy tình hình nền kinh tế Nga đang xấu đi. Các doanh nghiệp trong nhiều ngành đang báo cáo những khó khăn về sản xuất và logistics trong bối cảnh các hạn chế thương mại và tài chính áp đặt đối với Nga", cơ quan này cho biết.
Ngân hàng Trung ương Nga dự kiến GDP của nước này sẽ giảm trong những quý tới.
"Sự suy giảm này sẽ chủ yếu do các yếu tố từ phía cung thúc đẩy. Các biện pháp kích thích đang được Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nga áp dụng sẽ hạn chế quy mô của suy thoái kinh tế. Con đường phục hồi của nền kinh tế Nga sẽ phần lớn được định hình bởi mức độ và tốc độ điều chỉnh đối với các điều kiện mới," cơ quan quản lý cho biết.
Cũng theo thông cáo báo chí, nền kinh tế Nga "đang bước vào giai đoạn chuyển đổi cơ cấu quy mô lớn, kéo theo giai đoạn lạm phát gia tăng tạm thời nhưng không thể tránh khỏi, chủ yếu liên quan đến việc điều chỉnh giá tương đối trên nhiều loại sản phẩm và dịch vụ."
Cơ quan này cho biết: “Việc kinh doanh thích ứng với sự thay đổi của các điều kiện bên ngoài, bao gồm cả sự thay đổi trong sản xuất và chuỗi cung ứng, sẽ trở thành động lực chính cho sự biến động của giá cả tương đối trong những quý tới”.
Ngân hàng Trung ương Nga kỳ vọng chính sách tiền tệ sẽ tạo điều kiện cho nền kinh tế Nga thích ứng với các điều kiện mới và đưa lạm phát hàng năm trở lại mức 4% vào năm 2024.
Nga đã phải đối mặt với các vấn đề về thanh toán nợ nước ngoài do các lệnh trừng phạt của phương Tây, theo đó khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của nước này ở nước ngoài đã bị đóng băng. Bộ Tài chính Nga cho biết, nếu không thể sử dụng một phần tài sản bị phong tỏa, Moscow sẵn sàng thanh toán bằng đồng rúp. Tuy nhiên, nếu Nga không thể thanh toán vào ngày 16/3, nước này bị coi là rơi vào tình trạng vỡ nợ kỹ thuật. |
Hải Yến
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ