Kiểm soát hóa chất độc hại: Quyết liệt vào cuộc Tăng cường quản lý và kiểm soát tiền chất công nghiệp Từ hàng loạt vụ đầu độc bằng xyanua, giải pháp nào ngăn chặn? |
Thời gian qua, xuất hiện tình trạng sử dụng hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (hóa chất hạn chế) sai mục đích, ảnh hưởng đến tính mạng và an toàn sức khỏe con người, điển hình là vụ việc Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi) đầu độc 4 người thân trong gia đình bằng xyanua tại Đồng Nai, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội được phát hiện vào tháng 7/2024.
Nghi phạm Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi) đầu độc 4 người thân trong gia đình bằng xyanua tại Đồng Nai (Ảnh: ST) |
Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm soát hóa chất hạn chế, ngăn ngừa việc lạm dụng hóa chất hạn chế sai mục đích, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý hóa chất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng, tồn trữ hóa chất hạn chế trên địa bàn quản lý; báo cáo kết quả thực hiện trong Báo cáo công tác quản lý hoạt động hóa chất năm 2024 theo chế độ báo cáo hàng năm quy định tại Thông tư số 32/2017/TT-BCT, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 17/2022/TT-BCT.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về quản lý hóa chất tới các cơ sở hoạt động hóa chất trên địa bàn, đặc biệt là các quy định về kiểm soát hóa chất hạn chế, quy định về lập phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc, quy định về thực hiện chế độ báo cáo.
Cùng với đó, Cục Hóa chất cũng đề nghị các tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến hóa chất hạn chế, thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về quản lý hóa chất, an toàn hóa chất và các quy định khác có liên quan, trong đó lưu ý một số nội dung như: Áp dụng các biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa thất thoát hóa chất hạn chế trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tồn trữ, vận chuyển, sử dụng hóa chất.
Để kiểm soát hóa chất hạn chế kinh doanh, Cục Hóa chất đề nghị các tổ chức, cá nhân chỉ được sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế khi được Bộ Công Thương cấp giấy phép. Cùng với đó, thực hiện đúng theo các nội dung của Giấy phép và các cam kết đã nêu tại hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép. Duy trì đủ điều kiện trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, nếu có thay đổi, phải báo cáo ngay về Cục Hóa chất.
Cục Hóa chất yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác quản lý, kiểm soát hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (Ảnh: ST) |
Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến hóa chất không được bán hóa chất hạn chế cho các đối tượng không đủ điều kiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định 113/2017/NĐ-CP (khách hàng mua để kinh doanh phải có Giấy phép kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp, khách hàng mua để sử dụng phải đảm bảo đáp ứng đủ các yêu cầu về sử dụng hóa chất.
Các tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến hóa chất cần thực hiện nghiêm túc quy định lập và lưu giữ phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc, xây dựng và cung cấp Phiếu an toàn hóa chất. Khuyến khích tổ chức, cá nhân mua hóa chất chủ động yêu cầu tổ chức, cá nhân bán cho xem Giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế và cung cấp Phiếu an toàn hóa chất. Đặc biệt, chỉ tồn trữ hóa chất hạn chế tại địa điểm đáp ứng đầy đủ các quy định, quy chuẩn về an toàn, trong đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế phải tồn trữ hóa chất hạn chế tại đúng địa điểm kho chứa ghi trên Giấy phép. Không tồn trữ hóa chất với khối lượng hóa chất vượt quá sức chứa của kho. Thực hiện nghiêm túc các quy định về xây dựng, cập nhật và thực hiện Kế hoạch, Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.
Chỉ sử dụng dịch vụ vận chuyển của các đơn vị có Giấy phép vận chuyển hóa chất nguy hiểm theo quy định, đảm bảo Giấy phép vận chuyển còn hiệu lực và phù hợp với hóa chất được vận chuyển. Thực hiện huấn luyện an toàn hóa chất và huấn luyện lại cho các đối tượng thuộc nhóm I, II, III theo quy định.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh hóa chất hạn chế phải thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ hàng năm về hoạt động hóa chất thông qua Hệ thống cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia theo quy định. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân nhập thông tin về hoạt động mua, bán hóa chất hạn chế lên Hệ thống cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia ngay sau khi thực hiện mua bán, giao nhận hóa chất. Chủ động cập nhật các quy định về hoạt động hóa chất, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công nhân viên về mức độ nguy hiểm của hóa chất, ý thức tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý hóa chất, đảm bảo an toàn trong hoạt động hóa chất.
Cục Hóa chất đề nghị tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tồn trữ, vận chuyển, sử dụng các hợp chất xyanua và N2O, ngoài các nội dung nêu tại mục 2, đề nghị thực hiện các nội dung báo cáo tình hình hoạt động hóa chất từ đầu năm 2024 đến nay (áp dụng theo Mẫu 05a quy định tại Thông tư số 17/2022/TT-BCT), gửi về Cục Hóa chất trước ngày 15/8/2024. Bên cạnh đó, rà soát hệ thống phân phối và khách hàng, nếu phát hiện có bán hóa chất xyanua cho khách hàng Nguyễn Thị Hồng Bích (nghi phạm trong vụ đầu độc tại Đồng Nai) cần báo cáo ngay với cơ quan có thẩm quyền.
Trước đó vào tháng 7/2024, dư luận cả nước bàng hoàng trước thông tin một người phụ nữ tên Nguyễn Thị Hồng Bích, 38 tuổi ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai dùng xyanua giết hại 4 người thân của mình. Theo lời khai ban đầu, nghi phạm thừa nhận, do xuất phát từ mâu thuẫn gia đình, từ tháng 10/2023 đến tháng 6/2024, đã sử dụng xyanua đầu độc 4 người thân, khiến 3 người tử vong và 1 người may mắn sống sót. Tiến hành khám xét nơi ở của Bích, cơ quan chức năng đã tìm được vật chứng là bình xyanua được Bích giấu tại nghĩa trang gần nhà. |