Ngân hàng ‘chạy đà’ 2025: Những tiếng nói từ đại hội cổ đông

20/04/2025 - 01:36
(Bankviet.com) PGBank giữ thế ổn định, ABBANK chuyển mình số hóa, VietinBank vươn mình mạnh mẽ,… là gam màu nổi bật tại các đại hội cổ đông ngân hàng vừa qua.
Cổ đông ngân hàng nhận 'mưa vàng' cổ tức Mục tiêu lợi nhuận - điểm nóng mùa đại hội cổ đông Không chỉ đường sắt cao tốc, Hòa Phát sẽ tham gia các dự án ngoài khơi

Mùa đại hội đồng cổ đông thường niên của ngành ngân hàng 2025 tiếp tục sôi động với các “gam màu” khác biệt: Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) giữ vững tôn chỉ ổn định sau sáp nhập; Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) điềm đạm chuyển mình với chiến lược chuyển đổi số, trong khi Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) thể hiện rõ vị thế đầu tàu qua những con số kỷ lục…

“An toàn” và ổn định

Ở PGBank, dấu ấn sau một quý về với HDBank vẫn là sự “an toàn” đúng nghĩa. Đại hội diễn ra với tinh thần một loạt các “không”: không thay đổi nhân sự hội đồng quản trị, không chia cổ tức, không điều chỉnh vốn điều lệ nhằm nhấn mạnh một điều: Thời điểm hiện tại là để củng cố nền móng. Dù kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2025 chỉ dừng ở 385 tỷ đồng, nhưng trong bối cảnh còn nhiều dư âm sáp nhập, con số ấy phản ánh sự cẩn trọng cần thiết. PGBank năm nay không “tham vọng”, nhưng không vì thế mà thiếu nội lực, khi tính đến hết quý I/2025, ngân hàng đã hoàn thành tới 53% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Tính đến 31/3/2025, tổng tài sản của PGBank đạt 74.890 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ (58.763 tỷ đồng) và tăng 2,5% so với cuối năm 2024 (73.015 tỷ đồng). Huy động vốn thị trường 1 (huy động vốn từ người dân và tổ chức) tăng trưởng ổn định, đạt 46.717 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ (37.244 tỷ đồng), trong khi dư nợ tín dụng đạt 45.347 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ (35.186 tỷ đồng),… những con số này phản ánh sự linh hoạt trong điều hành tín dụng phù hợp định hướng Ngân hàng Nhà nước của PGBank.

Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng tăng trưởng tích cực 34,4%, đạt 505,7 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 242,5 tỷ đồng, tăng mạnh 53,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế quý I đạt 95,9 tỷ đồng, hoàn thành 13,4% kế hoạch tạm giao năm nay. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 2,09%, tiếp tục duy trì ở ngưỡng an toàn.

Ngân hàng ‘chạy đà’ 2025: Những tiếng nói từ đại hội cổ đông
Hết quý I/2025, PGBank đã hoàn thành tới 53% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Ảnh: Duy Minh

Về cơ cấu thu nhập hoạt động, thu nhập lãi thuần của PGBank tăng 21,4% cùng kỳ, tương ứng tăng 80,7 tỷ đồng, đạt 458,3 tỷ đồng, cao nhất trong nhiều năm qua, nhờ ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng khách hàng và đa dạng hóa nguồn thu. Nguồn thu từ hoạt động tín dụng chiếm tỷ trọng lớn, chiếm đến 90,6% tổng thu nhập của ngân hàng.

Bên cạnh đó, thu nhập ngoài lãi trong quý cũng ghi nhận chuyển biến tích cực, do tăng trưởng cao từ hoạt động dịch vụ, đầu tư chứng khoán, ngoại hối, và kinh doanh khác.

Cũng hướng mục tiêu an toàn và ổn định, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) tái khẳng định chiến lược phát triển có chọn lọc, đặt trọng tâm vào hiệu quả, kiểm soát rủi ro và tăng trưởng bền vững.

Theo lộ trình tái cơ cấu đã được phê duyệt, năm 2025, PVcomBank hướng tới mục tiêu doanh thu hợp nhất 19.949 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 111 tỷ đồng. Ngân hàng tiếp tục ưu tiên các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, hiện đại hóa công nghệ, xử lý nợ hiệu quả và phát triển nguồn nhân lực, từng bước xây dựng nền tảng tài chính vững chắc, sẵn sàng thích ứng với biến động thị trường và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Ngân hàng ‘chạy đà’ 2025: Những tiếng nói từ đại hội cổ đông
Đại hội đồng cổ đông ABBANK. Ảnh: Duy Minh

Chuyển mình với chiến lược chuyển đổi số

Ở một lát cắt khác của bức tranh ngân hàng, tại đại hội đồng cổ đông, ABBANK xác lập 5 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025: Đẩy mạnh kinh doanh nền tảng, tinh gọn bộ máy, tăng cường năng lực cạnh tranh, quản trị rủi ro chủ động và triển khai các sáng kiến phát triển bền vững theo chuẩn ESG. Đặc biệt, chiến lược “lấy khách hàng làm trung tâm” tiếp tục được cụ thể hóa qua việc tái cấu trúc mạng lưới và số hóa sâu rộng.

Theo đó, tâm điểm là kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 1.800 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng 131% so với năm 2024. Đồng thời, nhiều chỉ tiêu tài chính chủ lực cũng được đặt ra: Tổng tài sản kỳ vọng đạt 200.000 tỷ đồng (tăng 13%), huy động từ khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 115.458 tỷ đồng (tăng 5%), dư nợ tín dụng đạt 127.810 tỷ đồng (tăng 16%). ABBANK đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, phấn đấu kéo giảm xuống còn 2%, tuân thủ theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN.

Chủ tịch Hội đồng quản trị ABBANK, ông Đào Mạnh Kháng khẳng định: “ABBANK đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ trên nền tảng chuyển đổi quyết liệt. Chúng tôi tiếp tục tăng tốc chuyển đổi số, củng cố nội lực và thực thi chiến lược phát triển bền vững với quyết tâm cao”.

Ngân hàng ‘chạy đà’ 2025: Những tiếng nói từ đại hội cổ đông
Năm 2025 được VietinBank xác định là năm bản lề, tăng tốc thực hiện Chiến lược phát triển đến 2025 và tầm nhìn đến 2030. Ảnh: Duy Minh

Với VietinBank, không khí đại hội lại sôi động bởi loạt kết quả kỷ lục. Năm 2024, tổng tài sản hợp nhất đạt 2,39 triệu tỷ đồng (tăng 17,4%), dư nợ tín dụng đạt 1,73 triệu tỷ đồng (tăng 16,8%), vốn huy động gần 1,76 triệu tỷ đồng (tăng 15,2%). Đáng chú ý, nguồn vốn CASA đạt gần 400 nghìn tỷ đồng, đưa VietinBank vào nhóm dẫn đầu ngành về quy mô và tốc độ tăng trưởng CASA. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2024 đạt 30.400 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước và hoàn thành 115% kế hoạch cổ đông giao.

Trong chuyển đổi số, VietinBank đã triển khai 45 sáng kiến trọng tâm, cho ra đời nhiều sản phẩm tiện ích như DigiGOLD, giải ngân online, bảo lãnh online. Nhà máy số (Digital Factory) đi vào vận hành theo phương pháp Agile, tối ưu hóa thời gian đưa sản phẩm ra thị trường và cải tiến liên tục theo phản hồi thực tế.

Năm 2025 được VietinBank xác định là năm bản lề, tăng tốc thực hiện Chiến lược phát triển đến 2025 và tầm nhìn đến 2030. Ngân hàng đặt trọng tâm vào 4 chiến lược: Tăng trưởng thu nhập lõi; tăng gắn kết và trở thành ngân hàng giao dịch chính của khách hàng; quản trị nguồn lực hiệu quả; nâng cao năng lực quản trị rủi ro. Đặc biệt, chuyển đổi số tiếp tục là trụ cột cốt lõi, song hành cùng tăng trưởng thu nhập, khai thác hệ sinh thái và phát triển bền vững.

Bốn ngân hàng, bốn nhịp điệu khác nhau. Nhưng điểm chung đáng chú ý là sự dịch chuyển từ tăng trưởng nóng sang quản trị hiệu quả, kiểm soát rủi ro, và tái định vị chiến lược. Sự linh hoạt và thích ứng sẽ là yếu tố quyết định trong năm 2025, một năm được dự báo nhiều biến động không chỉ ở thị trường tài chính trong nước mà còn ở kinh tế toàn cầu.

Thuỳ Linh

Theo: Báo Công Thương