Lãi lớn nhưng không chia cổ tức tiền mặt
Năm nay, với sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng đã bổ sung ngay phương án chia cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm chỉ được chia cổ tức bằng cổ phiếu. Trước đó, trong năm 2022, tổng lợi nhuận sau thuế của 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính đạt 196.450 tỷ đồng, tăng 33,8% so với năm trước, theo đó nhiều cổ đông đã kỳ vọng vào một mùa cổ tức "bội thu".
Thế nhưng, qua mùa ĐHCĐ, chỉ 6 nhà băng triển khai phương án chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông là TPBank, VIB, MB, ACB, VPBank và HDBank. Cụ thể, TPBank đã chi khoảng 3.955 tỷ đồng để thanh toán cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 25%, tương ứng 2.500 đồng/cổ phiếu. VIB tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% vào ngày 3/3, và ngày 7/4 đã chốt danh sách chi trả phần còn lại với tỷ lệ 5% bằng tiền.
Năm nay, phần nhiều các nhà băng sẽ tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn |
Tương tự, ACB sẽ chia cổ tức năm 2022 với tổng tỷ lệ 25%, trong đó 15% là cổ phiếu và 10% là tiền mặt khoảng 3.377 tỷ đồng. VPBank trích 7.934 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 10%, tương đương 1.000 đồng/CP. HDBank cũng dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt 10%, trong khi MB là 5%.
Còn lại phần nhiều các nhà băng sẽ tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Vietcombank dự kiến trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 18,1% trong tháng 5. VietinBank sẽ dùng 12.330 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức bằng cô. BIDV trả cổ tức tỷ lệ 12,69%.
Sau 9 năm nói không với cổ tức, Eximbank đã có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%. LienVietPostbank dự kiến trả cổ tức tỷ lệ 19%. Saigonbank chi trả tỷ lệ 10%. SeABank trả cổ tức và CP thưởng với tỷ lệ 20,3%. OCB sẽ phát hành gần 685 triệu cổ phiếu thưởng, tương đương với tỷ lệ 50% cho cổ đông hiện hữu...
Song, khá nhiều nhà băng không chia cổ tức. Ở nhóm có quy mô lớn, Techcombank tiếp tục không có kế hoạch chia lợi nhuận nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Theo đó, tổng lợi nhuận chưa sử dụng của Techcombank tính đến ngày 1/1/2023 hơn 58.000 tỷ đồng.
Tương tự, Sacombank không chia cổ tức do vì ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu. Lần gần nhất Sacombank chia cổ tức là năm 2015 với tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu. Ở nhóm quy mô vừa và nhỏ, năm nay cũng là năm thứ 11 PG Bank không chia cổ tức. MSB, VietABank, VietBank cũng không có kế hoạch chia cổ tức, cổ phiếu thưởng trong năm 2023.
Giải thích của các ngân hàng
Nói về lý do không chia cổ tức bằng cổ phiếu, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết, ngân hàng đã thực hiện việc này với tỷ lệ tới 200% vào năm 2017, và phương án này chỉ nên thực hiện khi có những đòi hỏi về cải thiện các chỉ số.
Về cổ tức tiền mặt, theo ông, việc thực hiện còn phụ thuộc vào chỉ số an toàn vốn, mức độ đầu tư phát triển của ngân hàng. Ông Anh nhấn mạnh điều quan trọng là làm sao đảm bảo quyền lợi dài hạn cho cổ đông, đảm bảo ngân hàng hoạt động hiệu quả. Thế nhưng, sau ĐHCĐ Techcombank đã có năm thứ 5 liên tiếp không chia cổ tức.
Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam cho biết, tình hình thị trường cổ phiếu nhiều biến động, ảnh hưởng tiêu cực từ xu thế lãi suất, yêu cầu chú trọng quản trị rủi ro cao từ cơ quan quản lý. Vì vậy, ngân hàng muốn giữ nguyên phần vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ hiện tại để tạo nguồn vốn đệm vững chắc.
Còn lý do PG Bank đưa ra là cổ đông lớn Petrolimex vừa tiến hành thoái vốn. Vì vậy, việc chia cổ tức trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào quyết định của các cổ đông mới.
Ngân hàng Quân đội năm nay chia cổ tức 20%, nhiều cổ đông đề nghị chia theo tỷ lệ 22%, trong đó 15% chia theo cổ phiếu và phần còn lại 7% chia cổ tức tiền mặt, nhưng HĐQT đã bác đề xuất này. Cổ đông MSB cũng bức xúc khi lợi nhuận trước thuế là 5.700 tỷ đồng và hệ số CAR 12,9%, ngân hàng vẫn nói không với cổ tức tiền mặt.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB, giải thích không phải ngân hàng không chia cổ tức, lợi nhuận để lại ngoài việc trích lập quỹ, phần còn lại là tài sản, giá trị của cổ đông. “Việc chia bao nhiêu, vào thời điểm nào HĐQT sẽ cân nhắc và xin ý kiến cổ đông” - đại diện MSB nói.
Cổ đông nhiều ngân hàng tỏ ra bức xúc khi bỏ vốn đầu tư nhưng nhiều năm liền chỉ nhận cổ tức giấy hoặc thậm chí “tay trắng”. Trong khi đó, các ngân hàng lại rất mạnh tay chi thù lao cho HĐQT. Theo báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán, tổng thù lao cho 10 thành viên HĐQT MB là 14,4 tỷ đồng (tăng 1,6 tỷ đồng so với năm 2021). Mức chi thù lao HĐQT và Ban kiểm soát (BKS) 19 tỷ đồng (thù lao của HĐQT 15,3 tỷ đồng và BKS 3,6 tỷ đồng). Tại Vietcombank, thù lao của thành viên HĐQT năm 2022 hơn 14,4 tỷ đồng (năm 2021 gần 13,7 tỷ đồng) và BKS hơn 5,4 tỷ đồng (năm 2022 hơn 3,8 tỷ đồng). Tại BIDV, mức thù lao cho HĐQT gần 19 tỷ đồng, tăng so với mức 18,1 tỷ đồng năm 2021. Tại VPBank, thù lao HĐQT 10,8 tỷ đồng tương đương năm 2021, thù lao BKS tăng từ hơn 7,4 tỷ đồng lên 7,9 tỷ đồng. Mức thù lao cho HĐQT và BKS Sacombank trong năm tài chính 2022 là 60,22 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 31/12/2022, tổng chi phí thực tế VIB đã trả cho HĐQT tổng cộng hơn 6,05 tỷ đồng, cho BKS gần 3,7 tỷ đồng... |
Chứng khoán phiên sáng 16/5: Tiền chảy sang đầu tư công, VN-Index tăng hơn 3 điểm Thị trường chứng khoán phiên giao dịch sáng ngày 16/5 chứng kiến dòng tiền chảy mạnh vào cổ phiếu nhóm xây dựng, đầu tư công, ... |
Vụ "hô biến" tiền gửi SCB thành bảo hiểm: Manulife thay đổi hướng xử lý đơn khiếu nại gửi sau ngày 30/4 Sau khi nhiều khách hàng tỏ ra không hài lòng với thông tin chỉ cân nhắc giải quyết những đơn khiếu nại gửi từ trước ... |
Người nhà lãnh đạo OCB không bán hết lượng cổ phiếu đã đăng ký Theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), bà Nguyễn Việt Triều - vợ ông Ngô Hà Bắc, Thành viên HĐQT ngân hàng ... |
Lãi suất ngân hàng mới nhất ngày 16/5/2023: Nhiều ngân hàng vẫn giữ lãi suất 9%/năm Lãi suất ngân hàng mới nhất ngày 16/5/2023, nhiều ngân hàng ồ ạt giảm lãi suất huy động theo định hướng của Ngân hàng Nhà ... |
Nguyên Nam