ACBS: Lãi suất điều hành có thể tăng thêm 1-2 điểm % vào năm 2023 | |
Cổ phiếu ngân hàng ngập sắc xanh, KLB 'tím lịm' với lực cầu lớn |
Kích cầu tín dụng cuối năm
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây vừa tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) từ 1,5 - 2% cho toàn hệ thống, tương đương 240.000 tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế. Quyết định này nhằm mục đích mở rộng tín dụng song song với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán.
Đồng thời, NHNN cũng thường xuyên chỉ đạo các ngân hàng thương mại cổ phần quan tâm và tạo điều kiện tối đa để giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Các ngân hàng thương mại cần coi việc giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế là trách nhiệm; tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động một cách tích cực nhất để có thể giảm lãi suất.
Ngân hàng đẩy mạnh tín dụng cuối năm. Ảnh minh họa |
Thêm vào đó, ngày 15/12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức cuộc họp với các tổ chức tín dụng hội viên để bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Tại đây, NHNN đã quán triệt, chỉ đạo tất cả các tổ chức tín dụng căn cứ quy mô, tiềm lực giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Thực hiện kịp thời các chủ trương của NHNN, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nhằm cung ứng vốn, tháo gỡ khó khăn, giúp khách hàng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Thực tế, việc các ngân hàng thường xuyên thông báo giảm lãi suất cho vay, là động thái cần thiết và kịp thời trước các tác động của đại dịch Covid và nguy cơ suy thoái kinh tế.
Với hàng loạt chính sách vĩ mô, việc điều chỉnh lãi suất cho vay phù hợp với từng thời kỳ là một trong những hoạt động kịp thời của các ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng khách hàng phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là dịp cận Tết, góp phần tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế hiện nay.
Lãnh đạo Nam A Bank cho biết: “Bên cạnh việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng còn triển khai nhiều gói giải pháp nhằm mang đến các giải pháp tài chính linh hoạt cho khách hàng. Trước bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức, Nam A Bank cam kết sẽ tiếp tục chủ động, tiên phong đồng hành cùng Chính phủ, NHNN và khách hàng vượt qua khó khăn”.
Theo đại diện OCB, trong giai đoạn vừa qua, chứng kiến sự trầm lắng của thị trường bất động sản, ngay sau khi NHNN nới hạn mức tín dụng thêm 1,5 - 2%, tương ứng có khoảng 350.000 - 400.000 tỷ đồng vốn tín dụng được đẩy ra thị trường trong 3 tuần cuối năm thì hầu hết các chuyên gia đều đánh giá việc nới room tín dụng sẽ có ý nghĩa tích cực tới thị trường bất động sản, đặc biệt là các dự án nhà ở, sắp bàn giao đến khách hàng.
Do đó, việc ban hành quyết định giảm lãi suất, đặc biệt là vay mua bất động sản ở thời điểm này của OCB cũng được kỳ vọng như một trong những “nút gỡ” thực tế giúp cho các khách hàng có nhu cầu mua nhà, đất thực hiện được kế hoạch của mình, từ đó thị trường bất động sản cũng sẽ “ấm” lên trong giai đoạn cuối năm.
Đồng loạt giảm lãi suất cho vay
Các "ông lớn" Big4 ngân hàng như Agribank giảm 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng VND tại thời điểm 30/11 và giảm tối đa 20% với các khoản vay trong tháng 12 tuỳ từng đối tượng, lĩnh vực.
Vietcombank giảm lãi suất tới 1% một năm đối với các khoản vay VND cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu đến hết 31/12/2022. Ngân hàng ước tính tổng số khách hàng được giảm lãi suất là 175.000 khách hàng với quy mô tín dụng hơn 500.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% dư nợ hiện hữu.
Các ngân hàng tích cực đẩy vốn ra nền kinh tế |
BIDV với mức giảm cao hơn từ 0,5%- 2,5%/năm với các khách hàng vay vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên; khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; khách hàng có hoạt động xuất nhập khẩu; khách hàng doanh nghiệp nước ngoài, khách hàng cá nhân…
Tại Nam A Bank vừa triển khai giảm lãi suất cho vay từ 1,5 - 2,5%/năm nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh dịp Tết. Đây cũng là một trong những hoạt động kịp thời của Ngân hàng nhằm đồng hành cùng NNNH thực hiện các chủ trương trên.
Bên cạnh đó, đối với khách hàng cá nhân, một số gói sản phẩm cho vay trung và dài hạn, Nam A Bank giảm từ 1,8 - 2,7%/năm. Trong khi đó đối với khoản vay ngắn hạn ở kỳ đầu tiên, Ngân hàng sẽ giảm lãi 1,5%/năm.
Để liên tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, giúp khách hàng ổn định cuộc sống, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, Nam A Bank đã chú trọng đầu tư và phát triển công nghệ hiện đại, từ quản trị điều hành đến sản phẩm dịch vụ nhằm tiết giảm chi phí hoạt động, vận hành xanh, góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững.
Từ tháng 12/2022 đến hết 31/3/2023, những khách hàng cá nhân vay với mục đích sản xuất kinh doanh, bổ sung vốn lưu động, trồng trọt, chăn nuôi, sẽ được áp dụng lãi suất ưu đãi ở mức 8,99%/năm. Riêng đối với khách hàng có nhu cầu vay mua nhà, đất đã có giấy chứng nhận, OCB hỗ trợ với lãi suất ưu đãi 11,99%/năm. Tổng gói tín dụng dự kiến hơn 2.000 tỷ đồng.
Trước đó, ACB giảm 1%/năm cho lãi vay đối với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp, với hạn mức tín dụng 4.000 tỷ đồng. Tương tự, HDBank dành 120 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay VND cho hơn 43.000 khách hàng ở nhiều lĩnh vực kinh doanh.
ABBank ưu đãi lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh chỉ 5,5%/năm, dành riêng cho các khách hàng có nhu cầu vay vốn ngắn hạn bằng VND phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc một số lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên. SHB cũng cho biết, đã triển khai chương trình hỗ trợ giảm lãi suất từ 1,5 - 2%/năm cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên.
Tại Shinhan Bank, với gói vay VND, kể từ nay đến ngày 31/12/2022 được giảm từ 0,9%- 1,3%/năm. Nếu vay bằng ngoại tệ, giảm 0,6%/năm lãi suất cho vay cho kỳ hạn từ 1 - 6 tháng. VIB giảm lãi suất đến 1,5%/năm và miễn phí trả nợ trước hạn cho khách hàng vay kinh doanh khi duy trì nguồn tiền trong tài khoản thanh toán.
Phó Thống đốc NHNN thường trực Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng đều phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
"Đây là chỉ đạo chứ không phải kêu gọi. Tinh thần tiết giảm chi phí, giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp là chỉ đạo của Thủ tướng và NHNN. Còn ngân hàng nào khó khăn không làm được thì báo cáo NHNN để chúng tôi có biện pháp hỗ trợ", ông Tú nhấn mạnh và cho biết thêm, giảm lãi suất không thể để các ngân hàng rơi vào tình trạng lỗ, suy yếu về mặt năng lực tài chính và tạo ra bất cập về cơ chế điều hành chung.
Vì thế, để giảm để giảm được lãi suất cho vay, sau lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, một số ngân hàng đã giảm lãi suất huy động về mức tối đa 9,5%/năm.
Nới room tín dụng dịp cuối năm là rất cần thiết
Nhận định về động thái nới room tín dụng của NHNN, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng quyết định room tín dụng là hơi muộn nhưng vẫn cần thiết.
"Nới room tín dụng là động thái NHNN nên làm vì giai đoạn vừa qua đã thắt chặt quá mức", ông Cung cho hay.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, chắc chắn rằng với việc nới room tín dụng thêm 1,5 - 2%, thanh khoản của nền kinh tế sẽ đỡ cạn kiệt. Doanh nghiệp nói chung và cả các doanh nghiệp bất động sản sẽ có sự dễ dàng hơn trong tiếp cận nguồn vốn để nhiều dự án có thể tiếp tục thực hiện. "Doanh nghiệp sẽ có cơ hội tồn tại, tiếp tục duy trì và vượt qua được giai đoạn khó khăn", ông nói.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản Thuận Phước, cho hay từ đầu năm đến tháng 10 là thời điểm sản xuất tăng cao. Khi đó doanh nghiệp đã kỳ vọng được nới room tín dụng để trả nợ và để doanh nghiệp phát triển thì room tín dụng ngân hàng lại thắt chặt.
"Khi NHNN mới quyết định nới room thì sản xuất đã có phần chững lại trong hai tháng cuối năm, tỷ giá cũng leo cao, lãi suất lại tăng, dòng tiền không kịp nên việc nới room không còn nhiều ý nghĩa", ông chia sẻ.
Trong khi đó, TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, khẳng định vốn tín dụng không thiếu. Ông cho biết, room tín dụng 3,5% - 4% trong ba tuần cuối năm là cực kỳ nhiều, thống kê tháng 12 hàng năm thường chỉ cần từ 2 - 2,2% room tín dụng. Các ngân hàng cũng rất muốn cho vay vì họ phải trả lãi tiền gửi cho khách hàng, càng đọng vốn càng tăng chi phí.
Trong một thời gian ngắn làm sao để "tiêu" được 300.000 - 400.000 tỷ đồng là một thách thức lớn với các ngân hàng, ông Quang nhận định.
"Trong bối cảnh này, ngân hàng thương mại cũng phải đốt đuốc tìm doanh nghiệp tốt, không chỉ một ngân hàng mà nhiều ngân hàng cùng cấp hạn mức tín dụng, duy trì quan hệ tín dụng", ông Quang cho biết.
Vụ trưởng cho rằng nên tìm giải pháp để phát triển các kênh huy động vốn khác, để ngân hàng thực hiện đúng chức năng cung cấp vốn ngắn hạn. Nguồn vốn trung dài hạn nên được lấy từ các kênh như vốn tự có hoặc thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Ông cho hay ngành ngân hàng hiện nay, tổng nguồn vốn ngắn hạn trên 80%, 20% còn lại là vốn tự có và các nguồn vốn trung và dài hạn trong khi đó họ đang phải cho vay 50% tổng dư nợ cho nề kinh tế là trung và dài hạn.
Con số này cho thấy ngành ngân hàng đang chạy với biên độ chênh lệch rất lớn về mặt kỳ hạn giữa huy động và cho vay. Điều này dẫn đến hai rủi ro rất lớn cho ngành ngân hàng là rủi ro về thanh khoản và rủi ro chi trả cho người gửi tiền.
Thu Thủy