Mới đây, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB - Mã: MSB) vừa công bố kết quả kinh doanh trước kiểm toán riêng lẻ với lợi nhuận trước thuế tăng gấp đôi so với năm trước đạt 5.168 tỷ đồng (năm trước là 2.410 tỷ đồng), vượt gần 58% so với kế hoạch.
Ngân hàng cho biết, tăng trưởng tín dụng năm 2021đạt trên 20% theo chỉ tiêu được NHNN cấp (22%) đưa thu nhập lãi thuần tăng gần 30% so với năm trước và chiếm tỷ trọng hơn 58% trong tổng thu hoạch.
Thu nhập ngoài lãi của MSB tăng trưởng đột biến gần gấp đôi so với năm 2020 nhờ doanh thu hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và góp vốn mua cổ phần.
Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của MSB đạt 203.700 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với đầu năm, vốn điều lệ tăng 30% lên 15.275 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng hơn 8% đạt 94.616 tỷ đồng trong đó CASA chiếm tỷ trọng khoảng 36%,
Hệ số CAR riêng lẻ của MSB kết năm 2021 đạt 11,24%. Nợ xấu kết năm ở mức 1,15%.
Cách đây không lâu, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank - Mã: BVB) cũng đã công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt hơn 311 tỷ đồng, vượt 7% so với kế hoạch năm, tăng 54,6% so với năm 2020.
Tuy nhiên, riêng trong quý IV, ngân hàng báo lỗ 74,2 tỷ đồng. Nguyễn nhân chính là sự sụt giảm lãi thuần từ nhiều mảng như chứng khoán đầu tư, kinh doanh ngoại hối (lỗ gần 1 tỷ đồng) và sự gia tăng của chi phí hoạt động, dự phòng rủi ro trong kỳ.
Kết quả kinh doanh của Ngân hàng Bản Việt năm 2021 (Nguồn: BCTC VietCapitalBank)
Trước đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng công bố lợi nhuận trước thuế 2021 tăng 37,6% so với năm trước và vượt hơn 4% so với kế hoạch với 6.038 tỷ đồng. Tính đến cuối năm, tổng tài sản của TPBank tăng gần 42% so với đầu năm, tăng trưởng tín dụng 23,4% theo hạn mức NHNN cho phép.
Trong khi các ngân hàng cổ phần tương đối mạnh dạn công bố kết quả khả quan của mình thì các "ông lớn" quốc doanh lại khá dè dặt.
Trong nhóm Big4, chỉ mới có Agribank công bố con số lợi nhuận hơn 14.000 tỷ đồng trong năm 2021, cao hơn nhiều con số lợi nhuận trước thuế năm 2020 là 13.200 tỷ đồng. Cùng với đó, tổng tài sản của Agribank tính đến cuối năm đạt 1,68 triệu tỷ, tăng 7,3%; huy động vốn đạt 1,56 triệu tỷ, tăng 7,5%; tín dụng đạt 1,316 triệu tỷ, tăng 8,5%.
Tuy nhiên, lãnh đạo các ngân hàng Vietcombank, VietinBank và BIDV cũng đều đã "hé lộ" kết quả kinh doanh đạt hoặc vượt chỉ tiêu đã đề ra đầy năm.
Trong lần chia sẻ gần đây, Chủ tịch VietinBank Trần Minh Bình cho biết lợi nhuận năm 2021 của ngân hàng đạt khoảng 16.800 tỷ đồng. Đồng thời, trong năm 2022, VietinBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế 10% - 20%; tổng tài sản tăng trưởng khoảng 5% - 10%; tín dụng tăng trưởng khoảng 10% - 14%; nguồn vốn huy động tăng trưởng 10% - 12%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Với kết quả kinh doanh đạt và vượt kế hoạch (kế hoạch đầu năm là lợi nhuận 25.585 tỷ đồng), Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 8%, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 12% trong năm 2022.
Nhiều chuyên gia phân tích nhận định lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực trong năm 2022, thậm chí có thể cao hơn mức trung bình thị trường.
Động lực tăng trưởng lợi nhuận đến từ triển vọng tăng trưởng tín dụng khi nhu cầu vay vốn trở lại cùng với sự hồi phục của nền kinh tế. Cùng với đó là triển vọng nguồn thu từ phí khả quan hơn, tăng 20% so với cùng kỳ và chi phí tín dụng được kiểm soát; bộ đệm rủi ro tín dụng được tăng cường tại các ngân hàng có tiềm lực.
Trong kết quả điều tra do Ngân hàng Nhà nước thực hiện mới đây, 95% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2022 của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 2% lo ngại lợi nhuận giảm.
Lưu Lâm (TH)
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam