Ngân hàng gia tăng phát hành trái phiếu riêng lẻ và mua lại trái phiếu trước hạn

30/07/2024 - 03:45
(Bankviet.com) Thị trường trái phiếu doanh nghiệp quý 2/2024 ghi nhận sự ấm lên bởi nhóm ngân hàng.
Cải thiện hệ số an toàn vốn, nhiều ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu Agribank phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng năm 2024 Bắc Ninh liệu có vào nhóm “đội sổ” giải ngân vốn đầu tư công năm 2024?

Báo cáo Thị trường trái phiếu quý 2 được Công ty CP Chứng khoán VNDirect công bố ngày 29/7/2024 nhấn mạnh: Hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ ấm lên nhờ sự gia tăng phát hành của nhóm ngân hàng. Cụ thể, trong quý 2/2024 có 119 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước thành công với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 119.270 tỷ đồng, cao gấp 4,1 lần so với quý 1 và cao gấp gần 3 lần so với cùng kỳ. Trong đó có 117 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành đạt 116.770 tỷ đồng, chiếm 97,9% tổng giá trị phát hành. Và 2 đợt phát hành ra công chúng với giá trị phát hành đạt 2.500 tỷ đồng, chiếm 2,1% tổng giá trị phát hành.

Đặc biệt, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã có sự phục hồi mạnh trong quý 2 với tổng giá trị phát hành cao gấp 7,7 lần so với quý liền trước và tăng 232,8% so với cùng kỳ năm trước. “Sự phục hồi của hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong quý 2 đến từ sự gia tăng phát hành trở lại của nhóm ngân hàng. Cụ thể, nhóm này đã phát hành 85.037 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chiếm 72,8% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành” - chuyên viên phân tích của VNDirect chỉ ra.

Ngân hàng gia tăng phát hành trái phiếu riêng lẻ và mua lại trái phiếu trước hạn
Ngân hàng gia tăng phát hành trái phiếu riêng lẻ nhằm tăng tỷ lệ vốn huy động trung và dài hạn

Báo cáo của VNDirect cũng cho thấy, nếu loại trừ nhóm ngân hàng, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý 2/2024 đạt 32.233 tỷ đồng, tăng 53,9% so với quý 1/2024, trong đó giá trị phát hành riêng lẻ đạt 31.733 tỷ đồng, tăng 125,7%, phát hành công chúng đạt 500 tỷ đồng, giảm 92,7% so với quý 1/2024.

Lý giải việc các ngân hàng đã gia tăng phát hành trái phiếu riêng lẻ, chuyên gia phân tích cho rằng, đây là hoạt động với mục đích tăng tỷ lệ vốn huy động trung và dài hạn nhằm đảm bảo đủ tỷ lệ tối đa vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Liên quan tới lãi suất, các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý 2/2024 có lãi suất phát hành trung bình là 7,28%, giảm mạnh so với lãi suất phát hành trung bình 9,16% trong quý 1. Tỷ trọng số đợt phát hành của nhóm ngân hàng tăng mạnh trong quý 2 là nguyên nhân khiến lãi suất phát hành trung bình của quý này giảm mạnh so với quý 1.

Do các đợt phát hành của nhóm ngân hàng trong quý 2/2024 có kỳ hạn phổ biến là 2 - 3 năm, với lãi suất từ 4,5% - 6,2%, thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng lãi suất phát hành của các nhóm ngành khác. Kỳ hạn phát hành trung bình của các đợt phát riêng lẻ trong quý là 4,44 năm giảm nhẹ so với mức trung bình 4,56 năm của quý 1/2024 và thấp hơn so với mức trung bình 5,07 năm của năm 2023. Các tổ chức đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất trong quý 2 gồm: Techcombank là 2.000 tỷ đồng, BIDV là 10.745 tỷ đồng, ACB là 10.000 tỷ đồng, VINHOMES phát hành 8.500 tỷ đồng…

Trái phiếu
Cùng với phát hành trái phiếu riêng lẻ, hoạt động mua lại trước hạn cũng tăng trở lại

Cùng với phát hành trái phiếu riêng lẻ, hoạt động mua lại trước hạn cũng tăng trở lại trong quý 2 với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn đạt hơn 53.115 tỷ đồng, tăng 125,9% so với quý 1, tuy nhiên vẫn giảm 37% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ngân hàng là nhóm thực hiện mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn nhiều nhất với tổng giá trị đạt hơn 43.715 tỷ đổng, chiếm 82,3% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn trong quý 2/2024. “Những trái phiếu được nhóm ngân hàng mua lại trước hạn phần lớn là những trái phiếu có thời gian đáo hạn còn lại dưới 1 năm. Do đó, nhiều khả năng các ngân hàng đã thực hiện mua lại những trái phiếu có thời hạn đáo hạn còn lại dưới 1 năm nhằm mục đích giảm tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn” - báo cáo của VNDirect nhận định.

Các tổ chức phát hành đã mua lại nhiều nhất trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trước hạn có thể kể đến như: Techcombank mua lại hơn 10.900 tỷ đồng, MB mua lại hơn 9.600 tỷ đồng, OCB mua lại 4.900 tỷ đồng, HDBank đã mua lại 2.600 tỷ đồng …

Theo các chuyên gia phân tích của VNDirect, áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ hạ nhiệt trong quý 3/2024 trước khi tăng mạnh trở lại vào quý 4 năm nay. Ước tính, trong quý 3 sẽ có khoảng hơn 38,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn, giảm 27,2% so với quý 2. Trong đó, nhóm bất động sản có tỷ trọng lớn nhất, chiếm 49%, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn; đứng thứ 2 là nhóm ngân hàng chiếm tỷ lệ 26,7% tổng giá trị đáo hạn. Bên cạnh đó, dự báo, nhóm ngân hàng có thể vẫn tích cực phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý 3 này. Với ước tính sẽ có khoảng gần 50 nghìn tỷ đồng trái phiếu của nhóm ngân hàng sẽ chuyển từ thời gian đáo hạn còn lại từ trên 1 năm xuống dưới 1 năm thì nhiều khả năng trong quý 3/2024 nhóm ngân hàng sẽ tiếp tục gia tăng phát hành trái phiếu có kỳ hạn dài hơn để thay thế và mua lại những trái phiếu sắp đến hạn này.

Duy Minh

Theo: Báo Công Thương