16 ngân hàng giảm hơn 21 nghìn tỷ đồng lãi vay hỗ trợ khách hàng Các ngân hàng tiếp tục giảm lãi vay, khơi thông dòng vốn tín dụng Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm thêm 1,5-2,0% lãi vay |
Ưu đãi vay lớn cho doanh nghiệp
Không chỉ được giảm lãi suất, giờ đây, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) còn được tặng đến 3 triệu đồng khi vay online trên các nền tảng số của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB). Đây là chương trình mà MSB đang tích cực triển khai đồng hành cùng doanh nghiệp trong những tháng tăng tốc kinh doanh cuối năm này.
Cụ thể, từ ngày 19/7, MSB thông báo điều chỉnh giảm đến 1% lãi suất cho vay với SME có món vay giải ngân bằng VND ở tất cả các kỳ hạn. Bên cạnh đó, MSB vẫn đang tiếp tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi lên đến 10.000 tỷ đồng cho các SME tiềm năng thuộc lĩnh vực ưu tiên như xuất nhập khẩu, thương mại, sản xuất và xây dựng.
Chưa dừng lại ở việc ưu đãi lãi suất, trong thời gian từ nay đến 31/12, khách hàng SME vay vốn tại MSB được tặng đến 3 triệu đồng khi đáp ứng đủ điều kiện của chương trình. Theo đó, MSB sẽ tặng ngay một triệu đồng cho khách hàng hoàn tất nộp hồ sơ vay online trên các nền tảng cho vay và tặng ngay 2 triệu đồng khi kích hoạt hạn mức lần đầu.
Ngoài ưu đãi lãi suất, trong thời gian từ nay đến 31/12, khách hàng SME vay vốn tại MSB được tặng đến 3 triệu đồng |
Các chương trình ưu đãi của MSB nhằm hưởng ứng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về việc điều chỉnh giảm lãi suất, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là vào giai đoạn cuối năm.
Còn dư địa để giảm lãi suất cho vay
Trong báo cáo thị trường mới đây, Công ty Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống 6 - 6,2%/năm và lãi suất cho vay giảm mạnh trong thời gian tới, nhờ chi phí vốn của các ngân hàng đang giảm nhanh do tác động từ 4 đợt hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép các ngân hàng thương mại giãn trích lập dự phòng nợ xấu.
“Lãi suất cho vay có thể giảm thêm 1 - 1,5%/năm trong những quý tới và đây sẽ là động lực chính cho sự phục hồi trong tiêu dùng tư nhân và đầu tư”, VNDIRECT nhận định.
Mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn có thể tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp mạnh dạn vay vốn hơn. Tuy nhiên theo chuyên gia, dư địa giảm thêm lãi suất là có, nhưng không nhiều vì áp lực tỷ giá dần hiện hữu, vì vậy cần phối hợp với các chính sách khác để hỗ trợ doanh nghiệp từ nhiều phía.
Theo chuyên gia, còn dư địa giảm lãi suất, nhưng không nhiều vì áp lực tỷ giá dần hiện hữu |
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ, khi có điều kiện, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành. Nếu không, các ngân hàng sẽ phấn đấu giảm lãi suất cho vay dựa trên giảm chi phí. Tuy nhiên, giảm lãi suất chỉ là một phần của vấn đề, chưa đủ để kéo tăng trưởng tín dụng đi lên. Vì thế, bên cạnh việc giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải cắt giảm các loại phí, các thủ tục...
Ông Đào Minh Tú tiết lộ, dự kiến, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về lãi suất và phí đối với từng nhóm ngân hàng, bởi vì đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giá đầu vào của các doanh nghiệp.
Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ ngành ngân hàng tính đến cuối tháng 7/2023 là 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022, giảm so với mức tăng 4,7% trong nửa đầu năm nay và thấp hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ năm 2022 (khoảng 9,54%). Trong khi đó, định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 là 14 - 15%.
Tăng trưởng tín dụng giảm cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang ở mức thấp. Phó thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, các ngân hàng cần tiếp tục chia sẻ với các doanh nghiệp, bởi khó khăn của kinh tế thế giới cũng như trong nước và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã bào mòn tất cả nguồn lực của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Song giải quyết vấn đề này sao cho có hiệu quả là thách thức lớn của ngành ngân hàng, tuy đang trong tình trạng “tồn kho” tiền, nhưng nếu hạ lãi suất nhanh và mạnh thì ngân hàng có thể thua lỗ, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh khuyến nghị, ngành ngân hàng có thể tiếp tục hạ lãi suất, nhưng tránh nóng vội và tránh hạ lãi suất chính sách dồn dập, cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh mức 10%, ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khóa để kích thích kinh tế.
Ngân Thương