Ngân hàng "khát" tiền, lãi suất huy động tăng "chóng mặt"

26/10/2022 - 23:54
(Bankviet.com) Trưa nay, nhiều ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 và 3 tháng lên 6%/năm, riêng kỳ hạn từ 15 tháng có nơi lên 9,3%/năm.
Lãi suất huy động ồ ạt tăng nóng tại nhiều ngân hàng Top các ngân hàng gửi tiền có lãi cao nhất hiện nay “Cuộc đua” lãi suất huy động lại “nóng”, gửi tiền tại đâu nhận lãi cao?

Theo ghi nhận, trưa 26/10 cho thấy có 18 trong số 35 ngân hàng thương mại tăng mạnh lãi suất tiền gửi sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng trần huy động từ 1 tháng đến dưới 6 tháng lên 6% một năm.

Các đơn vị chủ yếu tăng thêm 1% một năm cho lãi suất tiền gửi 1 tháng và 3 tháng. Riêng kỳ hạn từ 15 tháng có nơi lên 9,3%/năm.

Cụ thể, biểu lãi suất mới công bố hôm nay của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), lãi suất tiền gửi online các kỳ hạn từ 15 tháng đều tăng lên mức 9,3%/năm, cũng là mức cao nhất thị trường hiện nay.

Lãi suất kỳ hạn 12 và 13 tháng cũng trên mức 9%/năm. Kỳ hạn 12 tháng lãi suất ở mức 9,15%/năm, còn kỳ hạn 13 tháng lãi suất ở mức 9,25%/năm.

Các kỳ hạn dưới 6 tháng tại ngân hàng SCB lãi suất cũng lên mức kịch trần 6%/năm, từ 6 tháng lãi suất đã ở mức 8,7%/năm, còn 9 tháng lãi suất là 8,85%/năm.

Với hình thức gửi tại quầy, lãi suất cao nhất là 8,8%/năm, nếu cộng thêm coupon 0,5%/năm thì nếu gửi từ 12 tháng người gửi tiền cũng được hưởng lãi suất lên đến 9,3%/năm.

Ngân hàng
Ngân hàng "khát" tiền, lãi suất huy động tăng "chóng mặt"

Hôm nay, Ngân hàng Bản Việt cũng tăng lãi suất tiền gửi ở một số kỳ hạn, với mức tăng từ 0,5 - 1,2%/năm tùy theo kỳ hạn gửi. Trong đó lãi suất các kỳ hạn ngắn đồng loạt lên mức kịch trần 6%/năm, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-11 tháng từ mức 6,5 - 6,7%/năm lên 7,6 - 8,1%/năm.

Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất Bản Việt đưa ra đã tăng từ 7%/năm lên 8,2%/năm. Trong khi đó, các khoản tiền gửi kỳ hạn dài 18, 24, 36, 48 và 60 tháng lãi suất tăng lên đến 8,9%/năm.

Nếu gửi tiền qua kênh trực tuyến, khách hàng sẽ nhận được mức lãi suất 8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng, 8,6%/năm với kỳ hạn 12 tháng và 8,9%/năm với kỳ hạn 24 tháng.

VPBank cũng thông báo điều chỉnh lãi suất huy động từ ngày 26/10. Theo đó, tất cả các khoản tiền gửi trên 300 triệu có kỳ hạn dưới 6 tháng theo hình thức gửi trực tuyến đều được áp dụng mức lãi suất kịch trần 6%/năm.

Với các kỳ hạn dài hơn, lãi suất huy động đã tăng thêm khoảng 1%/năm. Mức lãi suất cao nhất đang được VPBank áp dụng đã lên tới 8,7% dành cho các khoản tiền gửi trên 50 tỉ đồng tại các kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng. Với số tiền ít hơn, lãi suất cao nhất dao động trong khoảng 8 - 8,6%.

Theo biểu lãi suất áp dụng từ hôm nay tại Ngân hàng Nam Á, lãi suất huy động cao nhất lên đến 8,4%/năm cho các kỳ hạn gửi từ 18 tháng trở lên, còn các kỳ hạn từ 12 - 17 tháng lãi suất huy động ở mức 8,2%/năm. Các kỳ hạn 6 và 9 tháng lãi suất ở mức 7,9%/năm.

Ngân hàng Nam Á cũng tăng lãi suất các kỳ hạn gửi dưới 1 tháng lên mức 1%/năm, còn các kỳ hạn từ 1-5 tháng lãi suất dao động từ 5,75 - 5,9%/năm.

Tương tự, Techcombank cũng công bố biểu lãi suất mới, theo đó lãi suất huy động tại quầy đối với khách hàng mới theo sản phẩm Tiền gửi Phát lộc lên mức tối đa cho phép là 6%/năm.

Như vậy, so với hồi đầu tháng, lãi suất huy động của Techcombank tại các kỳ hạn dưới 6 tháng đã tăng thêm 2 - 2,3%/năm. Đối với các kỳ hạn dài hơn, lãi suất huy động hiện tại của Techcombank cũng tăng thêm 0,5 - 1%/năm tùy từng kỳ hạn và số tiền gửi.

Thời gian qua, nhiều ngân hàng lao vào cuộc đua nâng lãi suất huy động sau khi cơ quan quản lý tiền tệ nâng trần. Áp lực điều hành đang đè nặng lên Ngân hàng Nhà nước khi phải đánh đổi giữa việc kiểm soát lạm phát, giữ giá tiền đồng và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.

Tiền đồng đang mất giá mạnh so với USD. Tính tới ngày 25/10, tỷ giá USD trong ngân hàng đã tăng hơn 8,5% so với đầu năm lên mức kịch trần 24.888 đồng, giá ngoài chợ đen cũng lần đầu vượt 25.300 đồng. Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đến nay đã phải can thiệp bằng cách bán hơn 20% từ quỹ dự trữ ngoại hối, đồng thời liên tiếp điều chỉnh lãi suất điều hành trong một tháng gần đây.

Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), cơ quan điều hành tiền tệ cũng đã hút ròng hơn 133.500 tỷ đồng trên hoạt động thị trường mở. Đây là lượng hút ròng cao kỷ lục của Ngân hàng Nhà nước sau 3 tuần liên tiếp thực hiện bơm ròng. Khi lãi suất cho vay liên ngân hàng hạ từ 7-8% xuống quanh 5% một năm, cơ quan điều hành thực hiện hút tiền để kìm đà tăng của tỷ giá.

Ngoài việc chịu ảnh hưởng từ chính sách vĩ mô, nội tại hệ thống ngân hàng cũng đang “khát” tiền gửi. Tính đến hết tháng 6, tín dụng đã tăng gần 10% trong khi huy động vốn chỉ tăng gần 4%. Tăng trưởng tín dụng nhanh hơn nhiều so với huy động vốn khiến chênh lệch giữa số dư huy động và dư nợ tín dụng của hệ thống xuống thấp nhất 5 năm.

Các công ty chứng khoán gần đây đều cùng quan điểm cho rằng, đà tăng lãi suất tiết kiệm sẽ còn diễn ra mạnh đến cuối năm và có thể kéo dài sang năm 2023. Trong đó, VnDirect đưa ra dự báo lãi suất huy động tiếp tục tăng thêm khoảng 50 điểm cơ bản, lên mức bình quân 7-7,2% cho kỳ hạn 12 tháng vào cuối năm sau.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương