Ngân hàng nào vẫn chưa 'có mặt' trên sàn chứng khoán?

06/07/2021 - 20:40
(Bankviet.com) Trong số 3 ngân hàng chưa lên sàn, duy nhất SCB là ngân hàng đã có lộ trình lên sàn. Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường tổ chức cuối năm 2020 của ngân hàng này đã thông qua chủ trương tăng vốn và lộ trình niêm yết cổ phiếu SCB trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), chậm nhất là năm 2025.

Hiện tại, nếu tính cả VietABank, hầu hết các ngân hàng đều đã niêm yết trên sàn chứng khoán, chỉ còn 3 ngân hàng là Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và Ngân hàng TMCP Bảo Viêt (BaoVietBank).

Đầu năm nay, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là sẽ kiên quyết yêu cầu các ngân hàng phải lên sàn, muộn nhất là trong quý I/2021. Nếu ngân hàng nào không tuân thủ sẽ áp dụng biện pháp kỷ luật.

Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ ban hành yêu cầu thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức hoặc sàn UPCoM.

Trước đó, yêu cầu niêm yết đối với các cổ phiếu ngân hàng cũng được đề ra tại Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 8/2018.

Vì sao chưa lên sàn?

Trong số 3 ngân hàng chưa chịu lên sàn, BaoVietBank là ngân hàng có tình hình tài chính bí hiểm nhất. Báo cáo tài chính mới nhất mà ngân hàng này công bố là Báo cáo quý I/2020.

Năm 2019, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế 104 tỷ đồng, lãi ròng 84 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2018. Tuy vậy, sau kiểm toán, lợi nhuận của Ngân hàng chỉ còn 82 tỷ đồng, giảm 3,5% so với năm 2018. Đáng lo nhất là, tính đến cuối năm 2019, tổng nợ xấu của BaoVietBank tăng tới 26% so với hồi đầu năm, chiếm tỷ lệ 5,22%, cao nhất hệ thống.

Quý I/2020, lợi nhuận sau thuế của BaoVietBank sụt giảm tới 68% so với cùng kỳ. Tổng tài sản và cho vay của ngân hàng này cũng sụt giảm mạnh. Tỷ lệ nợ xấu tuy giảm nhẹ, nhưng vẫn ở mức trên 5%.

PVComBank năm 2020 báo lãi 73,6 tỷ đồng, song theo Công ty kiểm toán AASC, PVComBank chưa thực hiện phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng và thoái lãi dự thu đầy đủ đối với các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết theo quy định. Theo công ty này, nếu hạch toán đúng theo quy định, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này sẽ giảm gần 570 tỷ đồng và chuyển từ lãi sang lỗ.

Quý I/2021, ngân hàng chỉ ghi nhận vỏn vẻn gần 9 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong số 3 ngân hàng chưa lên sàn, duy nhất SCB là ngân hàng đã có lộ trình lên sàn. Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường tổ chức cuối năm 2020 của ngân hàng này đã thông qua chủ trương tăng vốn và lộ trình niêm yết cổ phiếu SCB trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), chậm nhất là năm 2025.

Năm 2020, SCB ghi nhận hơn 658 tỷ đồng lợi nhuận riêng lẻ trước thuế, tăng gần 460 tỷ đồng so với mức lợi nhuận trong năm 2019. Quý I/2021, ngân hàng này cũng ghi nhận lợi nhuận đạt 266,8 tỷ đồng, tăng 6,8 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, mặc dù thị trường chứng khoán đang rất thuận lợi, song có rất nhiều lý do khiến ngân hàng chần chừ lên sàn, như như sợ công khai minh bạch, nhất là những ngân hàng có kết quả kinh doanh yếu kém. Hoặc có những ngân hàng nợ xấu lớn chưa được xử lý - chủ yếu là hậu quả tồn đọng trong thời gian dài để lại - nếu lên sàn tại thời điểm này thì định giá cổ phiếu chưa tối ưu, nên lãnh đạo muốn chọn thời điểm thuận lợi hơn…

Tuy vậy, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, dù lý do có hợp lý đến đâu, thì Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng nên yêu cầu các ngân hàng này phải có lộ trình niêm yết rõ ràng, thậm chí phải dùng biện pháp mạnh như xử phạt hành chính, không cho phép mở phòng giao dịch mới, cấp room tín dụng hạn chế… Đây cũng là động lực để các ngân hàng này tái cơ cấu mạnh mẽ hơn.

Ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm, việc lên sàn không chỉ giúp ngân hàng tiếp cận dễ dàng hơn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để huy động vốn, mà còn giúp ngân hàng tăng độ minh bạch. Cụ thể, một khi lên sàn, các ngân hàng sẽ phải công bố kịp thời, minh bạch hơn trong cung cấp thông tin về tình hình tài chính, đồng thời bị “soi” cặn kẽ hơn về kết quả kinh doanh, sở hữu chéo, vốn ảo…

Anh Khôi

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán