Bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ, là siêu bão với cường độ rất mạnh (gió giật cấp 17); sức tàn phá rất lớn; thời gian tàn phá trên đất liền và duy trì cường độ bão dài. Bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, các hạ tầng kinh tế - xã hội; ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch.
Qua thống kê, báo cáo của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đến hết ngày 20/10/2024 đã có 21.266 khách hàng, với tổng dư nợ bị ảnh hưởng là 47.546 tỷ đồng, dư nợ bị thiệt hại 10.590 tỷ đồng do hậu quả cơn bão số 3 gây ra, cụ thể:
Ngành nông, lâm, thủy sản: có 11.943 khách hàng (chiếm 56% số khách hàng bị thiệt hại), dư nợ bị thiệt hại là 1.706 tỷ đồng (chiếm 16,1% dư nợ bị thiệt hại);
Ngành công nghiệp - xây dựng: có 2.965 khách hàng (chiếm 13,9% số khách hàng bị thiệt hại), dư nợ bị thiệt hại là 4.100 tỷ đồng (chiếm 38,7% dư nợ bị thiệt hại);
Ngành thương mại - dịch vụ: có 6.358 khách hàng (chiếm 30,1% số khách hàng bị thiệt hại), dư nợ bị thiệt hại là 4.784 tỷ đồng (chiếm 45,2% dư nợ bị thiệt hại).
Một số khách hàng bị ảnh hưởng rất nặng nề, điển hình như: trong lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt thủy sản (do bị trôi dạt, vỡ, mất bè nuôi trồng thủy sản, nhiều tàu đánh cá bị chìm); trong lĩnh vực lâm nghiệp (cây rừng bị gãy, đổ); dịch vụ - du lịch (có 35 tàu du lịch bị đắm; nhiều khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng khu vui chơi ngoài trời bị tàn phá nghiêm trọng).
Ngay sau cơn bão số 3, ngày 9/9/2024, NHNN Việt Nam đã ban hành Công văn số 7417/NHNN-TD, Quyết định số 2163/QĐ-NHNN ngày 20/9/2024, Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 25/9/2024 về triển khai các giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra, theo đó đã chỉ đạo các TCTD triển khai thực hiện các giải pháp: (i) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; (ii) Xem xét miễn, giảm lãi vay; (iii) Cho vay mới; (iv) Thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định. Đoàn công tác của NHNN Việt Nam do Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú chủ trì về làm việc với ngành Ngân hàng Quảng Ninh và Hải Phòng để nắm tình hình hoạt động ngân hàng và triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do bão số 3 (YAGI) gây ra, đồng thời NHNN Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương và ngành Ngân hàng 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 để triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh, ngành Ngân hàng Quảng Ninh đã triển khai quyết liệt, kịp thời các giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, HTX bị thiệt hại do bão số 3 để sớm khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão. NHNN chi nhánh tỉnh Quảng Ninh (Chi nhánh) đã ban hành Công văn số 785/QUN1 ngày 10/9/2024; số 793/QUN1 ngày 16/9/2024 về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam tại Công văn số 7417/NHNN-TD, theo đó đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn:
Khẩn trương rà soát, thực hiện phương án sửa chữa, thay thế tài sản hư hỏng, khắc phục hậu quả do bão gây ra để đưa hoạt động bình thường trở lại, đảm bảo hoạt động ngân hàng thông suốt, góp phần sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống của nhân dân trên địa bàn.
Chủ động rà soát, nắm bắt, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn tại đơn vị, đồng thời thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng: (i) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; (ii) Xem xét miễn, giảm lãi vay; (iii) Tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành; (iv) Thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định.
Phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức thăm hỏi, động viên đối với các gia đình, khách hàng bị thiệt hại, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để động viên người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh; thực hiện công tác an sinh xã hội đối với các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3.
NHNN chi nhánh tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 2747/UBND-KTTC ngày 20/9/2024 về việc triển khai thực hiện chính sách khoanh nợ cho khách hàng vay vốn bị thiệt hại do cơn bão số 3 theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 06/9/2024 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018).
Đồng thời, ban hành Công văn số 814/QUN1 ngày 23/9/2024 chỉ đạo các NHTM, tổ chức tài chính vi mô và các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn khẩn trương triển khai thực hiện chính sách và hoàn thiện hồ sơ khoanh nợ của khách hàng vay vốn bị thiệt hại do cơn bão số 3 theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ.
Chi nhánh đã tham gia các buổi làm việc do UBND tỉnh tổ chức với Đại diện lãnh đạo Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam và các NHTM cùng hệ thống trên địa bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3; Tham gia các buổi làm việc, tháo gỡ khó khăn tại các địa bàn, lĩnh vực ngành nghề do UBND tỉnh tổ chức.
Kết quả thực hiện
Về hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do bão số 3: Tính đến ngày 20/10/2024 đã thực hiện (i) cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 12.809 khách hàng với dư nợ 873,3 tỷ đồng (trong đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 12.680 khách hàng, dư nợ 106,5 tỷ đồng); (ii) Giảm lãi suất cho vay đối với 5.532 khách hàng, với tổng dư nợ được giảm lãi suất là 18.808 tỷ đồng (mức giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm, tùy từng đối tượng khách hàng và mức độ thiệt hại); (iii) Thực hiện cho vay mới đối với 5.655 khách hàng, với tổng số tiền cho vay là 2.404 tỷ đồng (trong đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mới với 4.606 khách hàng, số tiền 335,7 tỷ đồng); (iv) Về khoanh nợ: Hiện nay các TCTD trên địa bàn đã lập và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị khoanh nợ theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010, Quyết định 08/2021/QĐ-TTg ngày 11/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ; (v) Về xóa nợ: Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã xóa nợ cho 1 khách hàng với số tiền 46 triệu đồng (do khách hàng đã mất, có tài sản bị thiệt hại do bão số 3).
Một số khó khăn phát sinh
Bão số 3 đã gây thiệt hại rất lớn đối với tất cả các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, sau bão nhiều khách hàng đang vay vốn tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn bị thiệt hại nặng nề, phần lớn đối tượng này có nhu cầu vay thêm vốn để tái đầu tư, phục hồi sản xuất kinh doanh, tuy nhiên, hiện không còn tài sản bảo đảm cho khoản vay nên việc tiếp cận vốn tín dụng tại các tổ chức tín dụng khó khăn.
Khó khăn trong việc xác định mức độ thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra, trong đó có tài sản hình thành từ nguồn vốn vay ngân hàng, nhất là đối với các hộ nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp… để thực hiện chính sách khoanh nợ.
Việc xác nhận thiệt hại của chính quyền địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 gặp vướng mắc do nhiều người dân, doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mặt nước để sản xuất kinh doanh; cá nhân, tổ chức không đăng ký, khai báo ban đầu khi thực hiện nuôi trồng. Trong khi, đối tượng hưởng chính sách theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP phần lớn thuộc đối tượng hưởng chính sách theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, nên việc xác nhận thiệt hại của khách hàng để thực hiện chính sách khoanh nợ theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP cũng gặp khó khăn, vướng mắc.
Khó khăn trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất (do chưa có bảng giá để làm cơ sở tính thuế) do đó, ảnh hưởng đến việc nhận, xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất của các tổ chức tín dụng phục vụ việc cho vay và thu hồi nợ vay.
Đề xuất
Để tiếp tục có những cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão số 3 gây ra sớm khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh có một số đề xuất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành nghiên cứu ban hành hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, quy định như:
Nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 9, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018).
Hướng dẫn cách thức xác định mức độ thiệt hại về tài sản của người dân, doanh nghiệp, HTX do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng hoặc do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng trong đó có tài sản hình thành từ vốn vay để làm cơ sở thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ.
Có cơ chế về cho vay không có tài sản đảm bảo và có cơ chế riêng về phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với các khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 để tạo hành lang pháp lý và khuyến khích các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay không có tài sản bảo đảm nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Xem xét sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống thiên tai hoặc xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp trong đó có tình trạng thiên tai ảnh hưởng nặng nề, phạm vi rộng (như cơn bão số 3) được áp dụng các chính sách, giải pháp nhất định để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đề nghị Chính phủ xem xét ban hành chính sách miễn lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 thuộc đối tượng vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Nguyễn Đức Hiển - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Quảng Ninh