Ngân hàng Nhà nước đề xuất thành lập Cục Phòng, chống rửa tiền

29/08/2023 - 02:14
(Bankviet.com) Ngân hàng Nhà nước đề xuất tách Cục Phòng, chống rửa tiền ra khỏi Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thành Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm thêm 1,5-2,0% lãi vay Ngân hàng Nhà nước: Dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh vẫn được vay tín dụng

Tiếp nhận và xử lý khoảng 19.400 giao dịch đáng ngờ trong phòng chống rửa tiền

Theo dự thảo đề án thành lập Cục Phòng, chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ năm 2009 đến tháng 6/2023, Cục Phòng, chống rửa tiền đã tiếp nhận khoảng 19.400 báo cáo giao dịch đáng ngờ từ các đối tượng báo cáo, trong đó đã xử lý xong 16.500 báo cáo, chuyển giao thông tin cho cơ quan chức năng gần 8.694 báo cáo liên quan đến khoảng 1262 vụ việc.

Kể từ năm 2013 đến nay, số lượng báo cáo giao dịch đáng ngờ của Cục Phòng, chống rửa tiền không ngừng gia tăng qua các năm. Từ những thông tin mà Cục Phòng, chống rửa tiền cung cấp, các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, thanh tra, kiểm tra. Trong đó, có 21 vụ việc có quyết định khởi tố; 15 vụ việc được truy thu thuế với tổng số tiền truy thu được trên 257 tỷ đồng; 159 vụ việc có văn bản đề nghị cung cấp bổ sung thông tin; 1 vụ việc có có quyết định xử phạt vi phạm hành chính; 5 vụ việc có kết quả xử lý khác.

Về cung cấp thông tin theo yêu cầu, Cục Phòng, chống rửa tiền đã nhận và xử lý khoảng 2.297 lượt văn bản, vụ việc từ các cơ quan có thẩm quyền đề nghị rà soát, cung cấp thông tin liên quan tới bị can hoặc đối tượng trong các vụ án. Trong đó, rất nhiều đề nghị liên quan đến các vụ án lớn, có sự chỉ đạo của lãnh đạo các cấp như vụ án rửa tiền tại Công ty TNHH TM và DV kỹ thuật Nhật Cường; vụ án đánh bạc, rửa tiền tại Phú Thọ; vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại Nhà máy ô tô Veam thuộc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam; vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao; vụ việc Công ty cổ phần thiết bị quốc tế (AIC) - Nguyễn Thị Thanh Nhàn; vụ việc Công ty Việt Á; vụ việc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát...

Đồng thời, cung cấp thông tin về một số đối tượng hoạt động phức tạp liên quan đến an ninh quốc gia; cung cấp thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân thuộc chuyên án sai phạm đăng kiểm tại các tỉnh trên cả nước; cung cấp thông tin liên quan đến vụ án 'lạm quyền trong khi hành công vụ" và "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" do Diệp Dũng cùng đồng phạm thực hiện xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.Hồ Chí Minh (Saigon Co.op); cung cấp thông tin hỗ trợ điều tra, làm rõ vụ việc xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; cung cấp thông tin hỗ trợ trong điều tra vụ án mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy....

Ngoài ra, Cục Phòng, chống rửa tiền đã có 155 văn bản yêu cầu phía nước ngoài cung cấp thông tin và đã nhận được 66 văn bản phản hồi, cung cấp thông tin. Các đề nghị của Cục Phòng, chống rửa tiền thường gắn với tội phạm, vụ việc về tổ chức đánh bạc, giao dịch đáng ngờ. Số lượng các phản hồi của đối tác nước ngoài đối với các đề nghị của Cục Phòng, chống rửa tiền còn hạn chế so với số yêu cầu gửi đi. Theo thông tin từ các đối tác, nguyên nhân chính của việc không phản hồi hoặc không cung cấp thông tin là do Cục Phòng, chống rửa tiền chưa ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về trao đổi thông tin với các đối tác này.

Từ năm 2009 đến nay, hệ thống công nghệ thông tin của Cục Phòng, chống rửa tiền đang lưu trữ thông tin của 720 triệu giao dịch liên quan đến 108 triệu tài khoản của 21 triệu khách hàng. Các thông tin này, bên cạnh việc phục vụ quá trình phân tích thông tin giao dịch đáng ngờ, đã hỗ trợ cho các cơ quan chức năng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Yêu cầu về công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố trong tình hình mới ngày càng gia tăng đã đặt ra áp lực ngày càng lớn đối với hoạt động của Cục Phòng, chống rửa tiền, đòi hỏi Cục Phòng, chống rửa tiền phải có sự thay đổi để nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, với mô hình tổ chức như hiện nay, hoạt động của Cục Phòng, chống rửa tiền đã và đang bộc lộ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ngân hàng Nhà nước đề xuất thành lập Cục Phòng, chống rửa tiền
Yêu cầu về công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố trong tình hình mới ngày càng gia tăng đã đặt ra áp lực ngày càng lớn đối với hoạt động của Cục Phòng, chống rửa tiền

Tăng tính độc lập cho cơ quan Phòng, chống rửa tiền

Thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định có liên quan đến đơn vị thực hiện phòng, chống rửa tiền.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất thành lập Cục Phòng, chống rửa tiền trên cơ sở tổ chức lại Cục Phòng, chống rửa tiền từ một đơn vị thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thành một đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Theo quy định tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế. Thực hiện quy định trên, Ngân hàng Nhà nước đề xuất sáp nhập Vụ Ổn định tiền tệ - Tài chính với Vụ Dự báo, thống kê; đồng thời đổi tên gọi của Vụ Dự báo, thống kê thành Vụ Dự báo, thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính.

Theo Phương án sắp xếp, điều chỉnh mới, về tổng thể Ngân hàng Nhà nước sẽ: Giữ ổn định số lượng 25 đầu mối đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước; giảm 1 đầu mối đơn vị cấp Cục thuộc Tổng cục (là Cục Phòng, chống rửa tiền); và giữ ổn định số lượng phòng: Giảm 3 phòng của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, tăng 3 phòng cho 2 đơn vị (tăng 2 phòng cho Vụ Dự báo, thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính và tăng 1 phòng cho Cục Phòng, chống rửa tiền (Phòng Thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyển từ Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng sang).

Cục Phòng chống rửa tiền được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phân cấp, ủy quyền để quyết định một số vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước về phòng chống rửa tiền như sau.

Thứ nhất, phân cấp, ủy quyền cho Cục trưởng Cục phòng chống rửa tiền được ban hành văn bản cá biệt, văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục.

Thứ hai, phân cấp, ủy quyền cho Cục trưởng Cục phòng chống rửa tiền trong tiếp nhận, xử lý, chuyển giao, trao đổi thông tin về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố trong và ngoài nước.

Cụ thể: Yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố và tội phạm khác liên quan đến rửa tiền; chuyển giao thông tin hoặc hồ sơ vụ việc liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc tội phạm khác liên quan đến rửa tiền cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; lập danh sách cảnh báo tổ chức, cá nhân có rủi ro cao về rửa tiền theo quy định của pháp luật; cảnh báo những vấn đề nảy sinh liên quan đến rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc tội phạm khác liên quan đến rửa tiền; phối hợp trao đổi thông tin với các cơ quan có chức năng thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các cơ quan quản lý nhà nước khác.

Thứ ba, phân cấp, ủy quyền cho Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với các cơ quan trong nước và quốc tế về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Thứ tư, phân cấp, ủy quyền cho Cục Phòng, chống rửa tiền tiếp cận thông tin được thu thập/lưu giữ bởi các cơ quan khác một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

Thứ năm, phân cấp, ủy quyền cho Cục Phòng, chống rửa tiền trong giám sát đối tượng báo cáo trong việc thực hiện báo cáo theo quy định tại khoản 11 Điều 48 của Luật Phòng chống rửa tiền năm 2022; phối hợp cung cấp thông tin giám sát cho cơ quan thanh tra các bộ, ngành để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về phòng chống rửa tiền.

Hiện nay, có 3 tổ chức quốc tế quan trọng gắn với hoạt động phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam là: FATF: Lực lượng đặc nhiệm tài chính về phòng chống rửa tiền; APG: Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về phòng chống rửa tiền; và Nhóm Egmont: Nhóm các đơn vị tình báo tài chính Egmont.

Trong đó, nhóm Egmont là tổ chức phi chính thức được thành lập năm 1995; thành viên là các tổ chức tình báo tài chính (FIU).

Theo Ngân hàng Nhà nước, với chức năng nhiệm vụ hiện nay, Cục Phòng, chống rửa tiền được xác định là Tổ chức tình báo tài chính (FIU) của Việt Nam. Nhóm Egmont có hơn 160 thành viên là FIU của các quốc gia trên thế giới. Mục tiêu của Nhóm Egmont là cung cấp diễn đàn cho các FIU để tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và thông tin tình báo tài chính an toàn nhằm phòng chống rửa tiền, phòng chống tài trợ khủng bố, phòng chống tài trợ phổ biến vũ khí huỷ diệt.

Trước thềm Hội nghị toàn thể của FATF vào tháng 6/2023, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký cam kết cấp Chính phủ với FATF về việc thực hiện Kế hoạch hành động gồm 17 hành động do FATF đưa ra cho Việt Nam trong khoảng thời gian nhất định (hoàn thành trước tháng 5/2025). Trong 17 hành động có 2 hành động đảm bảo tính độc lập của FIU và tăng cường chất lượng và số lượng các sản phẩm phân tích và chuyển giao thông tin tình báo tài chính.

Hành động số 9: “Việt Nam cần đảm bảo và thể hiện sự độc lập và tự chủ về kỹ thuật của Cục Phòng, chống rửa tiền, bao gồm liên quan đến: Chức năng phân tích và phổ biến của nó; phân bổ đầy đủ nguồn lực (cả nhân lực và tài chính), và theo đuổi các thỏa thuận và tham gia độc lập vào việc trao đổi thông tin dù cho đơn vị này nằm trong cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước hoặc với tư cách là một cơ quan độc lập (Tháng 9/2024);

Hành động số 10: Cục Phòng, chống rửa tiền cần nâng cao chất lượng và số lượng phân tích tình báo tài chính (cả hoạt động và chiến lược) và chuyển giao (chủ động hoặc theo yêu cầu) tới các Cơ quan thực thi pháp luật phù hợp với hồ sơ rủi ro của Việt Nam thông qua: Tăng số lượng báo cáo giao dịch đáng ngờ (STR) được phân tích; tạo cơ chế phản hồi với các đối tượng báo cáo để cải thiện chất lượng STR, và tiếp cận các nguồn thông tin rộng nhất có thể và sử dụng các công cụ công nghệ và phân tích thích hợp (tháng 5/2025).

Việc hoàn thành chương trình hành động trong khung thời gian mà FATF đặt ra nhằm giải quyết những thiếu hụt trong cơ chế phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố là cấp bách.

Khi bị FATF liệt vào danh sách quốc gia có rủi ro cao về rửa tiền, FATF sẽ cảnh báo đến tất cả các tổ chức tài chính phải quan tâm “đặc biệt” đến quan hệ kinh doanh và giao dịch với cá nhân, tổ chức ở các quốc gia đó.

Quốc gia sẽ phải cam kết thực hiện một chương trình hành động nhằm giải quyết những thiếu hụt trong cơ chế phòng chống rửa tiền/tài trợ khủng bố/tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt dưới sự giám sát chặt chẽ của FATF. Trường hợp quốc gia không hoàn thành chương trình hành động này trong khung thời gian mà FATF đặt ra, FATF sẽ yêu cầu các nước áp dụng các biện pháp trừng phạt “cứng rắn” đối với các quốc gia này nhằm bảo vệ hệ thống tài chính toàn cầu khỏi những rủi ro về rửa tiền/tài trợ khủng bố/tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt.

Như vậy, một khi quốc gia bị rơi vào Danh sách công khai của FATF sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về uy tín quốc tế, môi trường kinh doanh.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương