Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng cấp đủ vốn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu Ngân hàng Nhà nước hút ròng 20.000 tỷ đồng từ thị trường Ngân hàng Nhà nước: Giữ nguyên room 14% vì dư địa tăng tín dụng vẫn còn |
Trao đổi với báo giới về điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời gian qua, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà khẳng định, việc điều hành chính sách tiền tệ, trong đó có chính sách lãi suất đã được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với bối cảnh quốc tế và tình hình vĩ mô, lạm phát trong nước cũng như mục tiêu chính sách tiền tệ.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng giữ nguyên lãi suất điều hành để ổn định mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, cuối tháng 9/2022, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tăng lãi suất điều hành dựa trên 4 yếu tố:
Thứ nhất, xu hướng đẩy nhanh thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất nhanh và mạnh của các ngân hàng trung ương trên thế giới để đối phó với lạm phát cao.
Thứ hai, lạm phát chung trong nước vẫn được kiểm soát tốt, nhưng lạm phát cơ bản - chỉ báo quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ - đã tăng so với cùng kỳ từ mức 0,66% tháng 1 lên 3,82% vào tháng 9 và tiếp tục có xu hướng tăng trong tháng 10 và 11, hiện ở mức 4,81%.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế để điều hành lãi suất phù hợp |
Thứ ba, đồng USD tăng giá mạnh gây áp lực mất giá lên hầu hết các đồng tiền trên thế giới. Trong nước, tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu áp lực từ đầu năm, đặc biệt trong 02 tuần cuối tháng 10. Để giữ cho VND không bị mất giá quá lớn, gây bất ổn vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất để duy trì sức hấp dẫn của VND, hỗ trợ ổn định tỷ giá.
Thứ tư, ngay từ đầu năm, để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, các tổ chức tín dụng đã tăng cường cho vay. Tín dụng tăng nhanh trong khi huy động vốn tăng chậm đã khiến hệ thống ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản do thiếu vốn. Do đó, việc tăng lãi suất giúp tổ chức tín dụng thu hút thêm nguồn vốn, từ đó có thể đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, mức tăng 2 lần, mỗi lần 1% như các bước điều chỉnh trước đây, đưa lãi suất về tương đương giai đoạn trước dịch là phù hợp với xu hướng của toàn cầu. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương lớn như Fed đã tăng lãi suất 6 lần trong năm 2022 với tổng mức tăng là 3,75%, đưa lãi suất về mức gấp đôi so với trước dịch.
Như vậy lãi suất tăng là hợp lý để kiểm soát lạm phát và ổn định nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng, hỗ trợ ổn định tỷ giá.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Chia sẻ về những động thái của nhà điều hành, ông Phạm Như Ánh - Thành viên Ban điều hành Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, thời gian qua hệ thống ngân hàng đối mặt với những khó khăn do cả tác động của thế giới và trong nước. Điều hành của Ngân hàng Nhà nước là rất đúng và trúng; đặc biệt tháng 10, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất đã góp phần giải tỏa áp lực đối với thị trường ngoại tệ và tỷ giá.
Tại MB, mặc dù áp lực tăng nhưng nhờ chuyển đổi số giúp cho giá vốn bình quân của ngân hàng giảm một nửa, tiết kiệm chi phí vận hành để ngân hàng có nguồn huy động tiền gửi không kỳ hạn (Casa).
Trong năm 2022 MB dự kiến phát triển thêm được 19 triệu khách hàng nâng tổng số khách hàng lên 20 triệu. Như vậy 1 năm làm bằng 27 năm về trước và từ số liệu khách hàng tăng thêm, dòng tiền Casa tăng lên giúp giảm chi phí huy động chung của ngân hàng xuống, từ đó tạo điều kiện để ngân hàng giảm lãi suất cho vay.
“Thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, MB luôn có kế hoạch hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên trong đó ưu tiên sản xuất nông nghiệp nông thôn, xuất nhập khẩu, trong năm 2022 và kế hoạch năm 2023 MB cũng đã triển khai quyết liệt và chặt chẽ. Room còn lại của ngân hàng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước” - ông Phạm Như Ánh khẳng định.
Hoàng Lan