Tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đã đóng góp ý kiến về hoạt động của ngành ngân hàng. Vị này cho rằng cần có những biện pháp, những chính sách, cơ chế tạo động lực cho doanh nghiệp trong nước, nhất là để doanh nghiệp tư nhân được thuận lợi vay vốn, đổi mới sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng.
Vốn tín dụng từ ngân hàng là nguồn tiếp cận chính của doanh nghiệp. Nếu dòng vốn không kịp thời, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, kiệt quệ dẫn đến phải đóng cửa, phá sản. Kinh tế có thể dẫn đến suy thoái, sau một đợt khủng hoảng tài chính sẽ cần rất nhiều năm để phục hồi.
Do vậy, vị đại biểu đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần xem xét trong thời gian tới thay việc quản lý bằng biện pháp hành chính là cấp "room" tín dụng, bằng việc quản lý hệ số an toàn vốn, vừa đảm bảo an toàn, vừa phù hợp với chuẩn Basel II và thông lệ quốc tế.
Trong văn bản trả lời, Thống đốc cho biết với ý kiến trên, NHNN sẽ ghi nhận và giao các đơn vị chức năng nghiên cứu, đánh giá tác động và khả năng áp dụng, đảm bảo việc điều hành tín dụng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô nhưng vẫn giữ vững an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại.
Về biện pháp kiểm soát tín dụng, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thị trường vốn, thị trường chứng khoán có vai trò chủ đạo cung cấp vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, hệ thống ngân hàng chủ yếu cung cấp vốn ngắn hạn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, do thị trường vốn, thị trường chứng khoán còn chưa phát triển đúng với vai trò, vị thế của mình, nên việc cân đối vốn cho nền kinh tế (đặc biệt là vốn trung dài hạn) vẫn dựa nhiều vào vốn ngân hàng, từ đó luôn tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng (huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn), kéo theo sức ép và rủi ro lên hệ thống TCTD.
Hiện nay, tỷ lệ tín dụng/GDP vẫn của Việt Nam hiện vẫn ở mức khá cao và có xu hướng tăng, quy mô tín dụng đã rất lớn (theo như khuyến cáo của Ngân hàng thế giới). Do đó, tăng trưởng tín dụng quá cao không chỉ tiềm ẩn rủi ro bất ổn vĩ mô chung cho nền kinh tế mà còn gia tăng rủi ro đối với từng TCTD, ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống ngân hàng. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho ngành ngân hàng sau giai đoạn tăng trưởng tín dụng nóng, dẫn đến những hệ lụy phải xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các TCTD. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn hệ thống, kiểm soát chặt chẽ nợ xấu, thời gian qua, NHNN kiên định kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng theo hướng đưa ra chỉ tiêu tín dụng định hướng đầu năm và thông báo cho từng TCTD.
Việc thông báo hạn mức tín dụng đầu năm và điều chỉnh (khi cần thiết) đối với các TCTD được thực hiện theo nguyên tắc, TCTD có tình hình hoạt động an toàn, lành mạnh hơn sẽ được NHNN xem xét phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn, qua đó, thúc đẩy TCTD nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động và các chỉ số an toàn hoạt động. Bên cạnh đó, NHNN cũng xem xét một số yếu tố như mặt bằng lãi suất huy động, cho vay, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và việc thực hiện theo chuẩn mực Basel II, đảm bảo thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ và NHNN về tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) có báo cáo nhận định về hạn mức tín dụng NHNN cấp cho các nhà băng. Đơn vị này dẫn bình luận của Moody's, cho rằng hiệu quả chính sách tiền tệ của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực do NHNN kiểm soát thông qua đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng và đặt trần lãi suất cho vay và tiền gửi.
Trong báo cáo mới nhất, IMF cũng cho rằng Việt Nam nên dỡ bỏ dần trần tăng trưởng tín dụng đồng thời nới lỏng quy định về trần lãi suất huy động và cho vay nhằm cải thiện tính hiệu quả chính sách tiền tệ theo cơ chế thị trường. Sau giai đoạn nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay và khiến nợ xấu tăng mạnh, từ năm 2012 đến nay, NHNN vẫn sử dụng công cụ hạn mức tín dụng.
Linh Đan
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam