Sẵn sàng can thiệp tỷ giá
Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Thống đốc NHNN – ông Đào Minh Tú cho hay thời gian qua NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, góp phần hấp thụ các cú sốc, kết hợp với phát hành tín phiếu VND nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản VNĐ, qua đó giảm bớt áp lực trong ngắn hạn đối với tỷ giá.
Sáng nay (19/4), tại trụ sở NHNN đã diễn ra cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024. |
“Về cơ bản, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, tỷ giá diễn biến phù hợp với điều kiện thị trường và xu hướng của các đồng tiền quốc tế so với USD. Tuy nhiên, NHNN sẵn sàng can thiệp tỷ giá nếu có biến động, kể cả ngay lúc này”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết thêm, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tín dụng tháng 3 đã tăng trở lại sau 2 tháng đầu năm giảm do yếu tố quy luật. Tính đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023.
Đối với điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành sau 4 lần điều chỉnh giảm trong năm 2023 trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo cao, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp.
Theo báo cáo lãi suất của các NHTM, đến ngày 31/3, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.
Sẽ đấu thầu vàng vào thứ Hai tới
Phó Thống đốc NHNN – ông Đào Minh Tú cho hay thời gian qua NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, góp phần hấp thụ các cú sốc, kết hợp với phát hành tín phiếu VND nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản VNĐ, qua đó giảm bớt áp lực trong ngắn hạn đối với tỷ giá. |
Đối với thị trường vàng, từ đầu năm 2024 đến nay, theo ông Đào Minh Tú, giá vàng quốc tế biến động theo xu hướng tăng là chủ đạo do những biến động của tình hình chính trị, kinh tế thế giới. Điều này khiến giá vàng miếng SJC bình quân cũng biến động tăng theo giá vàng quốc tế. Hiện NHNN đang triển khai các biện pháp hỗ trợ thị trường vàng, bán vàng miếng để tăng cung cho thị trường thông qua hình thức đấu thầu.
Trong khi đó, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ ngoại hối Ngân hàng Nhà nước thông tin: "Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu vàng miếng SJC từ nguồn đã có sẵn trong kho. Ngay chiều nay, chúng tôi sẽ có thông báo chủ trương đấu thầu để 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu vào thứ Hai tuần tới".
Sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng bắt đầu điền vào đơn thầu. Các đơn vị trên có 30 phút để quyết định, khối lượng và giá mua. Một tiếng sau khi đóng thầu, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố kết quả. Các doanh nghiệp sẽ phải đặt cọc để tham gia đấu thầu, muộn nhất vào 17h ngày nhận thông báo thầu.
Hiện có 26 đơn vị bao gồm cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, đến thời điểm này có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC.
Đối với việc tăng cung vàng miếng, theo ông Tuấn, hiện đã cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Đã có quy định về sản xuất và nhập khẩu vàng. Với doanh nghiệp có hợp đồng gia công sản xuất với nước ngoài thì việc nhập khẩu vàng nguyên liệu đang được thực hiện và không có vướng mắc gì.
Về chính sách quản lý thị trường vàng, Vụ trưởng Vụ ngoại hối cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình Chính phủ tổng kết nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Ngân hàng Nhà nước đã lấy ý kiến các bộ ngành và trình Chính phủ chủ trương nên sửa nghị định này. Qua đánh giá hoạt động kinh doanh vàng thời gian qua, Nghị định 24 đã phát huy vai trò tích cực, song đã đến lúc cần xem lại sự phù hợp của nghị định này trong điều kiện hiện nay. Theo đó, đề xuất xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, thêm nhiều thương hiệu vàng khác.
Thông tin thêm về thị trường vàng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, luôn theo dõi sát sao, chặt chẽ các diễn biến trên thị trường vàng trong nước và quốc tế để có các giải pháp điều chỉnh phù hợp.
Đã có lộ trình tái cơ cấu SCB
Ngoài ra, lãnh đạo NHNN cho biết đang xây dựng lộ trình để tái cơ cấu SCB, nghiên cứu khẩn trương giải pháp và cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động.
Nói về giải pháp hỗ trợ SCB khi nhà băng này rơi vào tình trạng khó khăn thanh khoản, "thậm chí được xem là khủng hoảng", Phó thống đốc Tú cho biết giống như nhiều nước trên thế giới thì Chính phủ và NHNN đã có giải pháp kịp thời can thiệp để đảm bảo hệ thống chung, hệ thống tài chính của quốc gia, cũng như hệ thống các ngân hàng thương mại hoạt động an toàn.
Đối với SCB, khi ngân hàng này xảy ra mất cân đối thanh khoản vào tháng 10/2022, lập tức NHNN có chức năng hỗ trợ và luật pháp cũng đã quy định cơ quan phải có nhiệm vụ thực hiện các giải pháp cần thiết để ổn định tình hình SCB.
Ông Tú cho biết NHNN đang có những giải pháp và chính sách kể cả luật hóa để can thiệp nhằm đảm bảo sự ổn định, trước hết là cho ngân hàng yếu kém và sau đó là đến hệ thống các ngân hàng thương mại cũng như đảm bảo an ninh trật tự của xã hội.
Phó thống đốc NHNN nhấn mạnh rằng giải pháp đang không chỉ được áp dụng khẩn trương tại SCB mà còn tại 3 ngân hàng ở diện chuyển giao bắt buộc khác gồm CBBank, OceanBank, GPBank. Hiện 3 ngân hàng này đã xong bước định giá từ các đơn vị có thẩm quyền và nghiệp vụ để định giá. Dự kiến sớm được phê duyệt chủ trương tái cơ cấu trong thời gian tới.
PV