Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt lĩnh vực y tế, giáo dục

15/10/2021 - 16:04
(Bankviet.com) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản gửi các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán về việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt lĩnh vực y tế, giáo dục.

Theo đó, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách, hiệu quả nhằm tháo gỡ ách tắc, phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và tiếp tục thực hiện Chỉ thị 22/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiên mặt tại Việt Nam, để góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế và giáo dục, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên cơ sở nhu cầu, năng lực và quy định pháp luật triển khai một số nội dung sau: 

1. Tiếp tục phối hợp các cơ sở y tế, giáo dục nghiên cứu, triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (như thanh toán thẻ, tài khoản, Ví điện tử, qua ATM, POS, Internet, thiết bị di động, QR Code,..) phù hợp với lĩnh vực y tế, giáo dục tạo điều kiện cho người dân thanh toán học phí, viện phí thuận tiện, nhanh chóng và an toàn. 

2. Nghiên cứu, xem xét áp dụng chính sách ưu đãi, miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đối với học phí, viện phí trong thời gian tối thiểu 02 năm nhằm hỗ trợ người dân vượt qua đại dịch COVID-19. 

3. Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc/Giám đốc của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể về việc triển khai sản phẩm, dịch vụ, áp dụng chính sách ưu đãi, miễn, giảm phí đối với giao dịch thanh toán học phí, viện phí phù hợp với điều kiện và thực tiễn cung ứng dịch vụ thanh toán của tổ chức (loại phí, đối tượng, thời gian áp dụng...); tổ chức thực hiện và công bố công khai để khách hàng biết. 

4. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc phản ánh kịp thời về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (qua Vụ Thanh toán) để nghiên cứu, xử lý.

TD

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ