Thủ tướng Chính phủ gợi ý giải pháp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp | |
VietinBank (CTG) muốn huy động 9.000 tỷ đồng từ trái phiếu |
Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) vừa lấy ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, từ 20,5% lên 30%, đồng thời dự kiến đề xuất đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho HĐQT chủ động quyết định các nội dung công việc về tỷ lệ sở hữu tối đa cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong phạm vi nhỏ hơn hoặc bằng 30% vốn điều lệ của VIB.
Danh sách cổ đông sẽ được chốt vào ngày 29/11/2022. Hiện Commonwealth Bank of Australia (CBA) là cổ đông nước ngoài lớn nhất, nắm giữ khoảng 20% cổ phần VIB từ năm 2010 đến nay. CBA là một trong những ngân hàng lớn trên thế giới, với giá trị vốn hóa thị trường tới 122 tỷ USD.
Ngân hàng nỗ lực hút vốn nước ngoài. (Ảnh minh họa) |
Với tỷ lệ nắm giữ trên 20% cổ phần, trong hơn 12 năm qua, đối tác CBA đóng góp quan trọng vào việc xây dựng VIB trở thành một ngân hàng có thương hiệu và vận hành nổi bật tại Việt Nam về chất lượng và quy mô.
Theo VIB, việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 20,5% lên tới 30% là cơ hội cho Ngân hàng, nhà đầu tư nước ngoài và cổ đông VIB hiện nay. Quyết định này sẽ giúp VIB có cơ hội tìm kiếm thêm sự hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm và triển khai áp dụng các tiêu chuẩn quản trị, mô hình kinh doanh từ các định chế tài chính và quỹ đầu tư chuyên nghiệp trên thế giới, đẩy mạnh hơn nữa vị thế của VIB là ngân hàng bán lẻ chuyên nghiệp thuộc tốp đầu thị trường Việt Nam về cả chất lượng và quy mô.
Về phía các nhà đầu tư nước ngoài, thông tin nới room ngoại lên 30% đã được khối ngoại mong chờ gần một thập kỷ nay. Đồng thời, thông tin trên cũng mang lại cho cổ đông VIB nhiều kỳ vọng lớn.
Trước ngân hàng VIB, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng là cái tên không thể không nhắc tới trong việc hút thêm vốn ngoại. Nhà băng này đã bán 49% cổ phần FE Credit cho SMBC, đồng thời đã nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,607% vốn điều lệ.
Tại buổi gặp gỡ trao đổi về tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh hồi tháng 2/2022, VPBank cho biết, việc phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược vẫn đang theo đúng kế hoạch, dự kiến sẽ hoàn thành trong nửa đầu năm 2022. Hiện tại phí ngân hàng chưa tiết lộ cụ thể về thời gian hoàn thành kế hoạch bán vốn, nhưng đại diện ngân hàng này cho biết sẽ sớm thực hiện trong năm 2023.
Ngoài ra, các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) trị giá tỷ USD được thị trường kỳ vọng có thể diễn ra thời gian tới. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ chào bán riêng lẻ 6,5% vốn, nếu thành công sẽ thu về xấp xỉ 30.000 tỷ đồng. Đây là kế hoạch được Vietcombank đặt ra từ lâu, nhưng chưa hoàn tất.
Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), hơn 5 năm qua ngân hàng đã đẩy mạnh xử lý hơn 76.000 tỷ đồng xấu theo Đề án Tái cơ cấu. Nhưng điểm nóng được cổ đông, nhà đầu tư quan tâm là khả năng ngân hàng bán 32,5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo Sacombank, sau khi hoàn thành tái cơ cấu, xử lý nợ xấu trong năm 2023, Ngân hàng dự kiến bán 32,5% vốn cổ phần cho 2 đối tác ngoại.
Tuy nhiên, việc bán vốn ngoại của Sacombank phải được sự đồng ý của Chính phủ và đại diện của số cổ phần này là Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Sacombank đang xin cơ chế để mua lại khoản 32,5% vốn cổ phần mà VAMC đang quản lý. Sau khi tất toán trái phiếu đặc biệt VAMC, Ngân hàng sẽ đưa về để bán đấu giá.
Với Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), ông Yoshizawa Toshiki, thành viên HĐQT Ngân hàng OCB - đại diện đối tác chiến lược Nhật Bản (Aozora) cho biết, sau khi hoàn tất nắm giữ 15% cổ phần tại OCB trong năm 2021, với tư cách là nhà cổ đông chiến lược nước ngoài, Aozora đã hỗ trợ về nguồn vốn, nhân lực, quản trị rủi ro... “Chúng tôi hỗ trợ OCB bằng cách đẩy mạnh chất lượng nhân sự, như gửi người từ Việt Nam sang Nhật Bản học tập, hay cử người từ Nhật Bản qua Việt Nam làm việc. Kế hoạch trung hạn của Aozora tập trung vào 2 mảng: khách hàng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) Nhật Bản và tư vấn M&A”, ông Toshiki nói.
Trong đó, về phát triển mảng khách hàng FDI Nhật Bản, theo đánh giá của Aozora, mảng ngân hàng bán lẻ của OCB đang đẩy mạnh phát triển, nhưng khách hàng FDI chiếm tỷ trọng ít, đặc biệt là khách hàng đến từ Nhật Bản. Do vậy, Aozora giới thiệu đến OCB những khách hàng chất lượng, uy tín để sử dụng các dịch vụ ngân hàng là thế mạnh của OCB như tiền gửi, chuyển tiền trong nước và quốc tế, Internet banking, các sản phẩm về thương mại.
Về tư vấn M&A, dựa trên thế mạnh là sở hữu mạng lưới khách hàng doanh nghiệp rộng khắp ở Việt Nam, cùng mối quan hệ với các đối tác tổ chức tài chính trong, ngoài nước, OCB sẵn sàng cung cấp dịch vụ tư vấn M&A từ giai đoạn khởi tạo thương vụ đến kết thúc. Trong khi đó, Aozora có kinh nghiệm ở mảng M&A tại thị trường Nhật Bản và có chiến lược mở rộng cung cấp dịch vụ M&A cho các nhà đầu tư Nhật Bản tại thị trường quốc tế, đặc biệt với thị trường Việt Nam.
Thu Thủy