Ngân hàng SCB tiếp tục bị kiểm soát đặc biệt

28/12/2022 - 17:40
(Bankviet.com) “Có thể coi vấn đề về ngân hàng SCB là sự kiện nóng của năm 2022. Đến nay, chúng tôi vẫn tiếp tục kiểm soát, từng bước duy trì hoạt động ổn định và hạn chế những khó khăn cho SCB”, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết.

Đây là thông tin được Phó Thống đốc Đào Minh Tú tiết lộ tại tại cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), do tác động của những doanh nghiệp, tập đoàn, cá nhân có sai phạm và liên quan trực tiếp với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của người gửi tiền, tác động tiêu cực đến tâm lý của người dân cả nước. Vì vậy, NHNN đã phải kiểm soát đặc biệt đối với ngân hàng này.

Kiểm soát đặc biệt là cơ chế được NHNN thực thi khi cần thiết để đảm bảo hoạt động của ngân hàng thương mại cụ thể khi tổ chức tín dụng đó rơi vào khó khăn, cũng như an toàn cho toàn hệ thống. Việc kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.

Có thể coi vấn đề về ngân hàng SCB là sự kiện nóng của năm 2022
Có thể coi vấn đề về ngân hàng SCB là sự kiện nóng của năm 2022

Theo đó, hoạt động của SCB được thực hiện dưới sự kiểm soát của NHNN. NHNN lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành SCB.

Đồng thời, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp cần thiết để ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh.

Trước SCB đã có nhiều ngân hàng đã rơi bị kiểm soát đặc biệt như: DongABank. Ba ngân hàng được mua lại 0 đồng là GPBank, OceanBank, CBBank.

Liên quan đến việc xử lý các ngân hàng yếu kém, Phó Thống đốc NHNN cho biết NHNN đang có giải pháp tích cực sớm để xử lý các ngân hàng yếu kém, theo hướng chuyển giao bắt buộc.

NHNN đang triển khai quyết liệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025". Trong đó, đẩy mạnh xử lý nợ xấu; tăng cường công tác thanh tra và nâng cao hiệu quả công tác giám sát an toàn vĩ mô và vi mô; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng...

Đồng thời, NHNN tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, bảo đảm thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững.

Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2023, ông Đào Minh Tú khẳng định tiếp tục tập trung nhiệm vụ kiểm soát lạm phát với mục tiêu khoảng 4,5% và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, NHNN điều hành linh hoạt, thận trọng phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Không đưa ra chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng trong năm sau, song lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cam kết ngành ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn đầy đủ và kịp thời.

Đối với lãi suất, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, thậm chí cả lợi nhuận để tiếp tục chia sẻ với doanh nghiệp và người dân. Riêng đối với tín dụng cho lĩnh vực rủi ro, ông Tú nhấn mạnh sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực như bất động sản phân khúc nghỉ dưỡng, bất động sản có tính chất đầu tư, đầu cơ.

Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tới đây, ngành ngân hàng sẽ có diễn đàn tín dụng đối với bất động sản để đánh giá rõ hơn trách nhiệm của ngành ngân hàng, của cơ quan quản lý thị trường này, của doanh nghiệp triển khai dự án bất động sản…

Tuệ Minh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán