Ngân hàng thương mại phải xây dựng lộ trình tuân thủ tỷ lệ sở hữu cổ phần từ 15/1/2025

22/12/2024 - 17:38
(Bankviet.com) Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 52/2024/TT-NHNN quy định việc ngân hàng thương mại có cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định tại Điều 55 của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14 xây dựng và thực hiện lộ trình để bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
lai-suat-1-1049.jpeg

Thông tư áp dụng đối với cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ; ngân hàng thương mại có cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ.

Thời hạn lộ trình tuân thủ do ngân hàng thương mại phối hợp với cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ xác định tại lộ trình tuân thủ. Thời hạn lộ trình tuân thủ phải phù hợp với đề án/phương án cơ cấu lại của cổ đông, cổ đông và người có liên quan hoặc quyết định/văn bản khác được phê duyệt bởi cấp có thẩm quyền của cổ đông, cổ đông và người có liên quan (nếu có).

Ngân hàng thương mại căn cứ quy định tại khoản 28 Điều 4 và Điều 55 của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14 xác định danh sách cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ. Thời điểm chốt số liệu để xác định danh sách là đến hết ngày 30/6/2024.

Ngân hàng thương mại có cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ phối hợp với cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ xây dựng lộ trình để tuân thủ tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 55 của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14.

Khi hoàn thành lộ trình tuân thủ, ngân hàng thương mại, cổ đông, cổ đông và người có liên quan thực hiện quy định tại khoản 11 Điều 210 của Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 cho đến khi tuân thủ tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 63 của Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Lộ trình tuân thủ của ngân hàng thương mại phải có tối thiểu các nội dung gồm:

Thứ nhất, danh sách cổ đông, cổ đông và người có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ, bao gồm các thông tin:

Đối với cá nhân, cần có các thông tin: Họ và tên; số định danh cá nhân, ngày cấp, nơi cấp, nơi đăng ký thường trú, nơi ở hiện tại (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú), ngày, tháng, năm sinh của cá nhân là người Việt Nam; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp, nơi tạm trú tại Việt Nam, nơi ở hiện tại (trường hợp khác nơi đăng ký tạm trú) của cá nhân là người nước ngoài; thông tin về số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp trên vốn điều lệ mà cá nhân đang sở hữu tại ngân hàng thương mại (bao gồm cả phần vốn góp, cổ phần ủy quyền, ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác đứng tên); tên tổ chức, cá nhân nhận ủy quyền, ủy thác và mối quan hệ với cá nhân đó.

Đối với tổ chức, cần có: tên tổ chức, số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương, ngày cấp, nơi cấp, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính. Thông tin về số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần trên vốn điều lệ mà tổ chức đang sở hữu tại ngân hàng thương mại (bao gồm cả cổ phần ủy quyền, ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác đứng tên); tên tổ chức, cá nhân nhận ủy quyền, ủy thác và mối quan hệ với tổ chức đó. Thông tin về người đại diện phần vốn góp, người có liên quan của cổ đông, cổ đông trong nhóm cổ đông và người có liên quan.

Thứ hai, thời hạn lộ trình tuân thủ, các mốc thời gian thực hiện và biện pháp áp dụng (cổ đông, cổ đông và người có liên quan giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng thương mại đó hoặc biện pháp khác phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan).

Thứ ba, nội dung cam kết của ngân hàng thương mại về việc phối hợp, đôn đốc cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ thực hiện đúng lộ trình nêu trên.

Thông tư cũng quy định rõ, ngân hàng thương mại gửi lộ trình tuân thủ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng), cổ đông, cổ đông và người có liên quan trong thời hạn 120 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Trường hợp để đảm bảo an toàn hoạt động của ngân hàng thương mại, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng yêu cầu ngân hàng thương mại chỉnh sửa, hoàn thiện lộ trình tuân thủ. Trong thời hạn yêu cầu của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, ngân hàng thương mại phải phối hợp với cổ đông, cổ đông và người có liên quan chỉnh sửa, hoàn thiện và gửi lộ trình tuân thủ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến các đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 3 của Thông tư.

Về thực hiện lộ trình tuân thủ, ngân hàng thương mại và tổ chức, cá nhân liên quan tại lộ trình tuân thủ có trách nhiệm thực hiện lộ trình tuân thủ đã gửi Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Thông tư này và các quy định pháp luật có liên quan.

Trong thời gian thực hiện lộ trình tuân thủ, trường hợp cần thiết, ngân hàng thương mại phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan điều chỉnh biện pháp áp dụng và các mốc thời gian thực hiện nhưng phải đảm bảo thời hạn lộ trình tuân thủ tại Điều 2 Thông tư này và gửi lộ trình tuân thủ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến các đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư này.

Cổ đông, cổ đông và người có liên quan tại ngân hàng thương mại sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Cổ đông, cổ đông và người có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ chưa được nhận cổ tức bằng tiền mặt (nếu có) đối với số cổ phần nắm giữ vượt tỷ lệ cho đến khi đảm bảo tuân thủ giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định.

Trường hợp ngân hàng thương mại, cổ đông, cổ đông và người có liên quan thực hiện đúng lộ trình tuân thủ, tùy theo tính chất, mức độ, Ngân hàng Nhà nước xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2025.

M.Đ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ