Thực tế, tăng trưởng đã tăng vọt khi người tiêu dùng quay trở lại các cửa hàng và địa điểm kinh doanh và các doanh nghiệp thì không thể đáp ứng kịp nhu cầu, gây áp lực lên giá vốn đang tăng cao do chi phí hàng hóa tăng.
Tỷ lệ lạm phát kỷ lục ở khu vực đồng euro
Lạm phát ở 19 quốc gia sử dụng đồng euro đã tăng lên 4,1% trong tháng 10 từ mức 3,4% một tháng trước đó, đánh bại mức dự báo đồng thuận là 3,7%. Con số đó là cao nhất kể từ năm 2008 và bằng với mức cao nhất mọi thời đại của chuỗi thời gian ra mắt đồng tiền này vào năm 1997.
Những nguyên nhân hàng đầu được phân tích từ dữ liệu của Eurostat công bố hôm 29/10 ghi nhận, tỷ lệ lạm phát tăng cao là do: Giá năng lượng cao hơn, tăng thuế, áp lực giá hàng hóa nguyên vật ngày càng tăng do tắc nghẽn nguồn cung làm tăng giá dịch vụ và hàng hóa công nghiệp.
Lạm phát tăng nhưng tốc độ tăng trưởng cũng tăng
Sự bùng nổ kinh tế cũng thể hiện rõ ở các con số tăng trưởng. Nền kinh tế khu vực đồng euro tăng trưởng 2,2% trong quý thứ 3 năm 2021 so với một năm trước đó, tốc độ nhanh nhất trong một năm qua và cũng vượt xa kỳ vọng khi các doanh nghiệp mở cửa trở lại. Nhiều chuyên gia kỳ vọng rằng nền kinh tế khu vực đồng euro có thể đạt quy mô trước khủng hoảng trước khi hết năm 2021.
Thành tích này được ghi nhận ngay cả khi Đức - nền kinh tế lớn nhất liên minh châu Âu gặp khó khăn vì tình trạng thiếu chip kìm hãm sản xuất trong lĩnh vực xe hơi.
Trong khi tăng trưởng được coi là lành mạnh khi nền kinh tế bù đắp lại tổn thất và thiệt hại vì đại dịch thì tỷ lệ lạm phát tăng cao cũng gây ra lo ngại đáng kể cho các nhà hoạch định chính sách của ECB.
Ở mức 4,1%, lạm phát đã cao hơn 2 lần mục tiêu của ECB và có khả năng tăng tốc hơn nữa trong những tháng tới trước khi giảm chậm vào năm sau khi một số dữ liệu đầu năm thay thế.
Mặc dù giá năng lượng chiếm phần lớn nhất của lạm phát, tuy nhiên, giá hàng hóa cho các chi tiêu cơ bản cũng ở mức trên 2%. Lúc này, nhiều người ủng hộ chính sách của ECB đã tiếp tục lập luận rằng đã đến lúc quay lại các biện pháp kích thích nền kinh tế.
Thật vậy, tất cả các chỉ số đều cho thấy lạm phát sẽ giảm chậm hơn so với các nhà hoạch định chính sách của ECB từng nghĩ, làm tăng nguy cơ giá cao kỷ lục. Thậm chí, ngay cả khi lạm phát chỉ là tạm thời thì nó cũng có thể tác động lâu dài đến cơ chế tiền lương và cấu trúc định giá doanh nghiệp.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã bày tỏ thái độ thận trọng hơn đối với lạm phát trong tuyên bố hôm 28/10, cảnh báo rằng sự gián đoạn nguồn cung sẽ kéo dài hơn suy nghĩ trước đây, giữ cho tăng trưởng giá tiêu dùng cao hơn trong thời gian dài và gây áp lực lên tiền lương. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng lạm phát sẽ giảm trở lại dưới mục tiêu của ECB trong trung hạn, do đó không cần phản ứng chính sách nào vào lúc này.
Thêm vào những lo ngại về lạm phát, một cuộc khảo sát của ECB hôm 29/10 chỉ ra rằng hơn 30% công ty được ngân hàng khảo sát dự kiến tình trạng bị hạn chế nguồn cung và chi phí đầu vào cao sẽ còn kéo dài ít nhất 1 năm hoặc lâu hơn nữa. Những doanh nghiệp khác lo ngại rằng khó khăn có thể trong 6 tháng tới 1 năm tới.
Ngoài ra, với tình trạng lạm phát như hiện nay, các công ty ở EU cũng báo cáo rằng có "sự khan hiếm người xin việc" vì nhiều người bỏ việc, di cư, thay đổi lối sống. Thiếu lao động cũng gây lên áp lực về giá cả và hoạt động sản xuất nói chung.
Linh Đan
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam